Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bài 3: Cần một cuộc thanh tra diện rộng trên toàn quốc về cổ phần hóa DNNN

Đan Quế - Hoàng Nam

Thứ năm, 07/12/2023 - 06:36

(Thanh tra) - Từng có thời gian công tác tại Ban Đổi mới Doanh nghiệp, Bộ Tài chính, dành nhiều thời gian nghiên cứu về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và các cuộc thanh tra liên quan, TS Phạm Thị Hương, giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, đã dành thời gian chia sẻ với phóng viên Báo Thanh tra về vấn đề này.

TS Phạm Thị Hương, giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: ĐQ

Thanh tra cổ phần hóa DNNN nhằm đánh giá việc thực hiện các quy định của Nhà nước về cổ phần hoá, bán bớt phần vốn Nhà nước; việc phát hành thêm cổ phiếu sau khi đã cổ phần hoá DNNN tại các công ty cổ phần có phần vốn Nhà nước; việc sử dụng vốn Nhà nước thu được từ việc cổ phần hoá doanh nghiệp và thực hiện đầu tư của công ty sau khi cổ phần hóa. Qua đó có đánh giá, kết luận về công tác quản lý và hiệu quả trong việc cổ phần hoá DNNN; kiến nghị sửa đổi, bổ sung về cơ chế, chính sách về cổ phần hóa còn bất cập trong quá trình thực hiện; kiến nghị xử lý những vi phạm trong quá trình cổ phần hoá và việc quản lý phần vốn Nhà nước sau khi cổ phần hoá.

Công tác thanh tra cổ phần hóa DNNN thời gian vừa qua (tập trung là giai đoạn 2011-2016 và 2016 đến nay) của Thanh tra Chính phủ, thanh tra một số bộ, ngành và địa phương cho thấy thực trạng công tác cổ phần hóa DNNN còn nhiều tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục.

Đó là việc cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp có vốn Nhà nước đều chậm, tỷ lệ đạt theo kế hoạch thấp; nhiều doanh nghiệp sau cổ phần công tác điều hành, quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn là “bình mới, rượu cũ”, thiếu tính đột phá; nhiều DNNN hoạt động không hiệu quả từ trước khi cổ phần hóa, nhưng sau cổ phần hóa cũng không có cải thiện về hiệu quả hoạt động...

+ Điều này có nguyên nhân nào, thưa bà?

TS Phạm Thị Hương: Tôi theo dõi khá thường xuyên các kết luận thanh tra, đặc biệt là các kết luận lớn của Thanh tra Chính phủ như thanh tra về cổ phần hóa tại Tổng Công ty Thiết bị y tế Việt Nam, tại cảng Qui Nhơn, tại Bộ Xây dựng, tại Bộ Công Thương... và nhận thấy cơ quan thanh tra đã đánh giá rõ các tồn tại trong quá trình cổ phần hóa có 4 nhóm sau.

 Bất cập về môi trường pháp lý. Các quy định, hướng dẫn trong các nghị định, thông tư hướng dẫn về phương pháp định giá còn có những hạn chế nên gặp khó khăn khi áp dụng, cụ thể, thiếu/không có hướng dẫn cụ thể đối với việc xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa như: Giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền thuê đất, giá trị thương hiệu, giá trị lợi thế kinh doanh, giá trị lịch sử, văn hóa... Đây chính là một trong những bất cập lớn trong thực tiễn công tác thẩm định giá xác định giá khởi điểm, dẫn đến các đơn vị tư vấn thẩm định giá khó thống nhất trong tiếp cận, định giá các loại tài sản vô hình này.

Hiện nay, theo quy định hiện hành của Nhà nước thì có một số phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp, đó là: Phương pháp tài sản; phương pháp chiết khấu dòng tiền; phương pháp lợi nhuận và phương pháp hiện tại hóa lợi tức cổ phần. Trên thực tế, chưa có doanh nghiệp nào xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp lợi nhuận và phương pháp hiện tại hóa lợi tức cổ phần.

Trong việc xác định giá trị doanh nghiệp và quyết toán giá trị phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có các tồn tại, sai phạm điển hình như: Không xác định, phân loại và tập hợp đúng, đầy đủ chi phí thương hiệu, tiềm năng phát triển, dẫn đến xác định thiếu lợi thế kinh doanh của đơn vị, các tài sản đưa vào định giá tập hợp thừa/thiếu tài sản cố định khi tiến hành cổ phần hóa; không xác định giá trị thị trường đối với hàng hóa, vật tư công cụ và nguyên vật liệu tồn kho; xác định sai nguyên giá của tài sản cố định; đánh giá sai giá trị còn lại của tài sản máy móc của doanh nghiệp cổ phần hóa; xác định giá trị một số khoản công nợ, đầu tư tài chính không đúng quy định, dẫn đến việc quyết toán giá trị phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chưa chính xác.

Việc xác định giá trị sử dụng đất đưa vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa có nhiều bất cập. Một trong những vướng mắc tồn tại lớn nhất liên quan đến khâu rà soát phương án sắp xếp, xử lý cơ sở nhà, đất, phê duyệt phương án sử dụng đất và xác định giá trị quyền sử dụng đất: Việc xác định phải trải qua nhiều quy trình, thủ tục, mất nhiều thời gian; rất khó để tính được lợi thế giá trị quyền sử dụng đất đối với đất doanh nghiệp đang thuê của Nhà nước; khó xác định giá trị quyền sử dụng đất đúng với giá thị trường; các thông tin chỉ mang tính chất tham khảo để định giá, khi có vướng mắc liên quan đến vấn đề xử lý đất đai thì tâm lý chung ngại trách nhiệm, không dám quyết định, đùn đẩy trách nhiệm, mất nhiều thời gian xin ý kiến dẫn đến cổ phần hóa tại DNNN bị chậm.

Đó là còn chưa kể việc nhiều nhà đầu tư chiến lược tham gia cổ phần của DNNN chỉ nhằm mục đích chính là bất động sản và những khu đất "vàng" hơn là nhằm vào thương hiệu hoặc ngành kinh doanh chính của doanh nghiệp. Khi đã nắm được doanh nghiệp là tìm cách chuyển nhượng đất, chuyển mục đích sử dụng đất xây dựng nhà ở để bán lại quyền lợi cho nhà đầu tư khác, không tập trung vào đầu tư phát triển doanh nghiệp theo mục đích hoạt động sản xuất, kinh doanh chính.

+ Từ góc độ một chuyên gia nghiên cứu, theo bà, cần giải pháp nào để tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ theo lộ trình của Chính phủ đề ra?

TS Phạm Thị Hương: Tôi cho rằng việc kiến nghị về tài chính với con số nhiều nghìn tỷ đồng trong các kết luận thanh tra gần đây về cổ phần hóa DNNN khi được thực hiện triệt để có giá trị rất lớn, bảo toàn được phần vốn và tài sản Nhà nước.

Bên cạnh đó, các kiến nghị về thể chế của cơ quan thanh tra cũng rất quan trọng. Để tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp đảm bảo tiến độ, chất lượng, theo tôi, trước hết cần có một số giải pháp căn cơ sau:

Thứ nhất, hoàn thiện các hướng dẫn về công tác xác định giá trị doanh nghiệp nhằm khắc phục các tồn tại để có thể đưa ra phương pháp định giá doanh nghiệp phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội ở nước ta hiện nay; bổ sung cụ thể hướng dẫn khi xác định giá trị thực tế vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; quy đổi giá trị các khoản nợ phải trả có nguồn gốc ngoại tệ; giá trị tiềm năng phát triển; giá trị lợi thế quyền thuê đất; định giá các tài sản vô hình (như danh tiếng, uy tín trên thị trường, thương hiệu…); các khoản đầu tư tài chính phải tính đến các khoản lợi ích chưa được chia (thuộc giai đoạn trước cổ phần hóa).

Thứ hai, tăng cường tính minh bạch trên thị trường thông qua các chế tài được quy định rõ trong các văn bản quy định doanh nghiệp phải công khai thông tin về tình hình tài chính, kết quả hoạt động, các tồn đọng tài chính, cũng như lợi ích sẽ được hưởng từ các khoản đầu tư nhưng chưa chia, tình hình đất đai, phương án xử lý, sắp xếp đất đai khi cổ phần hóa.

Thứ ba, Chính phủ xem xét, tổ chức tổng kết công tác cổ phần hóa, tái cơ cấu DNNN nhằm phát huy những ưu điểm, khắc phục tồn tại, yếu kém, đồng thời có giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, đặc biệt doanh nghiệp sau cổ phần hóa, đối với các DNNN chưa cổ phần hóa nhưng làm ăn có hiệu quả, cần nghiên cứu hoàn thiện mô hình để phát triển.

Để cổ phần hóa DNNN hiệu quả và đẩy nhanh tiến độ, rất cần một cuộc thanh tra diện rộng trên toàn quốc về cổ phần hóa DNNN để có thể đánh giá được toàn diện về tình hình tài chính cũng như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cổ phần hóa, từ đó rút ra được những vướng mắc cần được tháo gỡ trong công tác cổ phần hóa và cũng tạo được sự rõ ràng, công khai, minh bạch khi cổ phần hóa DNNN.

Cần xây dựng cơ chế rõ ràng, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chậm tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, để khắc phục tình trạng một bộ phận lãnh đạo đại diện chủ sở hữu DNNN có tâm lý e ngại khi cổ phần hóa sẽ mất vai trò lãnh đạo, quyền lợi tại doanh nghiệp; quy định cụ thể trách nhiệm của người đại diện vốn trong việc thực hiện quyền đại diện vốn trong công ty cổ phần, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước, các biện pháp khi các đơn vị không thực hiện; quyền giám sát để phát hiện những bất cập, tồn tại về tài chính, những nguy cơ ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh để báo cáo các cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời, các biện pháp hỗ trợ để tránh gây thất thoát cho Nhà nước.

+ Xin cảm ơn bà!

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm

SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm

(Thanh tra) - Nửa cuối năm 2024, nền kinh tế có nhiều biến động khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) phải đối mặt với nhiều áp lực tài chính. Để hỗ trợ SMEs vượt qua giai đoạn thách thức này, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) chủ động triển khai những chính sách cụ thể với các giải pháp hỗ trợ như: Gói vay ưu đãi, lãi suất hỗ trợ... cùng quy trình thủ tục được “may đo” riêng biệt giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn thuận lợi và hiệu quả.

PV

11:41 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm