Trong một video nội bộ hiện đã được lan truyền rộng rãi, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Tập đoàn Petronas Tengku Muhammad Taufik Tengku Aziz đã chia sẻ “sự thật kinh khủng” về sự dính líu tham nhũng của các quan chức trong tập đoàn - những người không được nêu tên cụ thể.

Hồi tháng 4, Thông tấn xã Quốc gia Malaysia Bernama đưa tin, một giám đốc điều hành của Petronas Carigali Sdn Bhd (công ty con của Petronas) nằm trong số 9 cá nhân bị Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia (MACC) bắt giữ để hỗ trợ điều tra tham nhũng liên quan đến các dự án tại công ty.

Trong tuyên bố, MACC cho biết, 8 cá nhân khác là chủ sở hữu và cán bộ cấp cao của các công ty thầu và nhà cung cấp thực hiện các dự án liên quan đến tham nhũng.

Thông báo này được đưa ra sau khi các phương tiện truyền thông đưa tin rằng, một số cá nhân đã bị bắt ở các thành phố Putrajaya và Kuching (bang Sarawak) để hỗ trợ điều tra các vụ tham nhũng liên quan đến dự án của một công ty liên kết với Chính phủ trị giá hơn 2,3 tỷ RM.

Trong video, ông Tengku Muhammad Taufik không đưa ra bất kỳ đề cập trực tiếp nào đến các vụ việc được báo cáo, nhưng nói rằng, những cuộc điều tra sâu hơn vẫn đang được tiến hành và "bất kỳ bằng chứng nào về hành vi sai trái sẽ dẫn đến việc sa thải".

“Họ đã tham gia vào một kế hoạch bất hợp pháp liên quan đến hợp đồng bảo trì và dịch vụ giữa công ty con của chúng tôi và một nhà thầu lâu năm", Chủ tịch Petronas cho biết và chia sẻ rằng, khi sự thật được tiết lộ, các cuộc điều tra đã phát hiện một loạt khoản thanh toán bằng tiền mặt hoặc những kỳ nghỉ đắt đỏ ở nước ngoài do các nhà thầu chịu chi phí.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Petronas Tengku Muhammad Taufik Tengku Aziz. Ảnh: Bernama

Trong video, ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì tính liêm chính của tập đoàn như một trong những giá trị được chia sẻ.

“Hội đồng quản trị và đội ngũ lãnh đạo tập đoàn không khoan nhượng đối với hành vi hối lộ và tham nhũng. Chúng tôi sẽ không ngần ngại kích hoạt quản lý hậu quả nếu tính liêm chính của các giao dịch kinh doanh hoặc quản trị bị tổn hại dưới bất kỳ hình thức nào. Rõ ràng là tham nhũng không có chỗ ở Petronas”, ông khẳng định.

Trong một tuyên bố trên phương tiện truyền thông ngày 9/4, Petronas cho biết, đã hợp tác với MACC từ năm 2012 và sẽ tiếp tục làm như vậy để loại trừ tham nhũng trong tập đoàn.

Petronas cam kết “không khoan nhượng với tham nhũng và sẽ tiếp tục tận dụng các cơ chế nội bộ của mình để ngăn chặn hành vi tham nhũng. Quy tắc Ứng xử và Đạo đức kinh doanh của tập đoàn nghiêm cấm việc gạ gẫm, hối lộ và các hành vi sai trái khác của nhân viên, giám đốc và bên thứ ba đang thực hiện công việc hay dịch vụ cho hoặc thay mặt cho các công ty trong tập đoàn”.

Vào ngày 5/8, tập đoàn cũng đã ký Tuyên bố Cam kết không tham nhũng với MACC, với mục tiêu quy trách nhiệm cho lãnh đạo và các thành viên của mỗi tổ chức về việc thực hiện nhiệm vụ một cách liêm chính, cũng như ngăn chặn họ tham gia vào bất kỳ hành vi sai trái tham nhũng nào trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trong nhiệm kỳ của họ.

Petronas là doanh nghiệp nhà nước của Malaysia được trao quyền thực hiện cả 3 vai trò: Tham gia hoạch định, ban hành các chính sách về dầu khí; quản lý nhà nước về dầu khí; đầu tư trực tiếp vào hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí tại Malaysia.

Luật Phát triển Dầu khí nước này trao quyền sở hữu toàn bộ tài nguyên dầu khí của Malaysia cho Petronas. Từ đó, Petronas có thể trực tiếp đầu tư, điều hành hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí thông qua công ty con (Petronas Carigali), đồng thời Petronas cũng tham gia cùng với Ban Kinh tế kế hoạch thuộc Văn phòng Thủ tướng Chính phủ xây dựng các chính sách về dầu khí trong tổng thể các chính sách về năng lượng.

Hoài Phương