Lực lượng vũ trang Nigeria bị cáo buộc sử dụng vũ lực quá mức trong các cuộc biểu tình khiến 13 người thiệt mạng.

Ông Tinubu đã có cuộc gặp mặt với Giám đốc An ninh Thủ đô Abuja nhằm ra sắc lệnh giới nghiêm tại bang Kaduna thuộc phía bắc Nigeria. Đây là tiểu bang thứ 6 áp dụng biện pháp này kể từ khi các cuộc biểu tình khởi phát.

Các cuộc biểu tình gia tăng do người dân Nigeria phản đối lạm phát kéo theo khủng hoảng chi phí sinh hoạt kéo dài hàng thập kỉ, phản đối sự quản lý yếu kém và tình trạng tham nhũng của giới chức nhà nước với các khoản thu nhập khổng lồ, tương phản hoàn toàn với đời sống đói nghèo tăng cao của người dân.

leftcenterrightdel
Cảnh sát Trưởng bang Lagos, Adegoke Mustapha Fayoade tham gia tuần tra trên đường phố Lagos, Nigeria 

Các trợ lý của Tổng thống Tinubu cho biết các cuộc biểu tình có động cơ chính trị. Cuộc bầu cử Tổng thống năm 2023 đã bị phe đối lập phản đối, sau khi ông Tinubu giành chiến thắng với 37% số phiếu bầu. Đây là tỷ lệ chênh lệch nhỏ nhất giữa các đảng trong bầu cử tại Nigeria từ trước đến nay. Cuộc bầu cử cũng ghi nhận tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp nhất kể từ năm 1999, khi đất nước trở lại chế độ dân chủ.

Tổng thống Bola Tinubu trong bài phát biểu công khai đầu tiên về các cuộc biểu tình cho biết đã nghe thấy tiếng nói của người dân và cam kết chính phủ sẽ giải quyết các yêu cầu này. Tổng thống Bola Tinubu đồng thời cảnh báo những người biểu tình không nên để “kẻ thù của nền dân chủ lợi dụng thúc đẩy chương trình nghị sự trái hiến pháp” ở Nigeria, quốc gia hiện đang giữ vị trí chủ tịch luân phiên của khối khu vực Tây Phi.

Tuy nhiên, bài phát biểu của Tổng thống đã bị chỉ trích dữ dội do không giải quyết được nguyên nhân dẫn đến các cuộc biểu tình. Đó là một "cơ hội bị bỏ lỡ" khi nhà lãnh đạo Nigeria "tránh đề cập đến các vấn đề hiện tại và không đưa ra lộ trình hoặc mục tiêu rõ ràng để giải quyết", Công ty Nghiên cứu SBM Intelligence có trụ sở tại Lagos nhận định.

Minh Quân