Đầu năm 2022, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã đưa ra 5 cảnh báo cấp bách mà thế giới cần giải quyết, đó là đại dịch COVID-19, tình hình tài chính toàn cầu, hành động vì khí hậu, tình trạng thiếu tôn trọng pháp luật trong không gian mạng và hòa bình cùng an ninh.

Tới cuối năm 2022, trong Ngày Quốc tế Phòng chống tham nhũng (9/12), Liên hợp quốc đã nhấn mạnh mối liên kết quan trọng giữa phòng, chống tham nhũng với hòa bình, an ninh và phát triển. Tham nhũng là trung tâm của nhiều vấn đề cấp bách nhất trên thế giới. Những thách thức về kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường chỉ có thể được giải quyết khi quản trị tốt.

Tại cuộc họp cộng đồng Sáng kiến Đối tác Phòng chống Tham nhũng (PACI) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2022 được tổ chức cùng với Hội nghị Quốc tế Chống tham nhũng (IACC) lần thứ 20 (diễn ra từ ngày 6 - 10/12/2022) cũng đã tập trung nêu bật vai trò của chống tham nhũng trong việc giảm thiểu các cuộc khủng hoảng hiện nay.

leftcenterrightdel
 

Theo bà Nicola Port, Giám đốc Pháp lý, WEF: “Việc giải quyết các thách thức toàn cầu ngày nay đòi hỏi phải có hành động đồng bộ và có hệ thống với sự tham gia của tất cả bên liên quan. Điều quan trọng là phản ứng của chúng ta được xây dựng trên các thành phần của quản trị tốt - chẳng hạn như trách nhiệm giải trình, tính liêm chính và quản lý rủi ro hiệu quả. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc ra quyết định có trách nhiệm, từ đó mang lại thành công kinh doanh lâu dài và tác động tích cực đến con người và hành tinh”.

Tham nhũng và khủng hoảng lương thực

Thế giới được cho là sẽ sớm phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực lớn nhất trong lịch sử hiện đại. Lạm phát giá lương thực vẫn ở mức cao tại hầu hết quốc gia và số người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã tăng vọt.

Tham nhũng sẽ làm cho tình trạng mất an ninh lương thực trở nên trầm trọng hơn.

Đơn cử, tham nhũng trong các dịch vụ đất đai và nước ảnh hưởng đến người nông dân nuôi trồng quy mô nhỏ ở các nước đang phát triển, vốn chiếm phần lớn trong số các nhà cung cấp nông nghiệp.

Về phía tiêu dùng, các hộ gia đình ở những quốc gia có thu nhập thấp với mức độ tham nhũng cao có thể phải giảm mức tiêu thụ thực phẩm của họ để bù đắp chi phí cho... hối lộ.

Tham nhũng thậm chí có thể ảnh hưởng đến các chương trình nhằm khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay. Những nỗ lực của các cơ quan quốc gia và quốc tế để chống lại sự khan hiếm lương thực và nạn đói có thể bị tham nhũng phá hoại.

leftcenterrightdel
 

Tham nhũng và khủng hoảng năng lượng

Theo WEF, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã khiến nhiều quốc gia phải đánh giá lại sự phụ thuộc của mình vào dầu mỏ và khí đốt của Nga, đồng thời xem xét thúc đẩy việc áp dụng nhanh chóng các nguồn năng lượng xanh hơn.

Đây có thể là một tin tốt cho nghị trình chống tham nhũng toàn cầu, xét đến việc các quốc gia có ngành công nghiệp khai khoáng lớn đang phải gánh chịu nạn tham nhũng và hối lộ lớn (thường được gọi là “lời nguyền tài nguyên” (resource curse)).

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo cũng tiềm ẩn vô số rủi ro tham nhũng, do liên quan đến các khoản đầu tư vốn đáng kể. Phát triển năng lượng khử cacbon toàn cầu trong tương lai dự kiến từ nay đến năm 2050 sẽ cần các khoản đầu tư tích lũy ít nhất 110 nghìn tỷ USD, chiếm trung bình 2% GDP toàn cầu mỗi năm.

Ông Salvador Dahan, Giám đốc Quản trị và Tuân thủ, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Brazil (Petrobras) cho rằng: “Hướng tới một xã hội Net Zero [cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính về mức bằng 0] sẽ yêu cầu một cam kết lâu dài đối với liêm chính và minh bạch. Các tổ chức sẽ được xem xét kỹ lưỡng để chứng minh tác động tích cực, đóng góp của họ cho xã hội và thúc đẩy mạnh mẽ môi trường kinh doanh có đạo đức và cạnh tranh trong bối cảnh ngày càng gia tăng những thách thức”.

Để quản lý tham nhũng trong quá trình chuyển đổi năng lượng, cần đánh giá rủi ro trong các công nghệ năng lượng tái tạo khác nhau. Tham nhũng có thể di chuyển qua các lĩnh vực năng lượng không tái tạo và tái tạo, do nhu cầu ngày càng tăng đối với các khoáng sản quan trọng.

"Ngành năng lượng tái tạo nên rút ra những bài học kinh nghiệm từ việc giảm thiểu tham nhũng trong các ngành công nghiệp khai khoáng", theo WEF.

leftcenterrightdel
 

Tham nhũng làm tăng s dễ bị tổn thương của xã hội

Tham nhũng có liên quan đến bất bình đẳng, nghèo đói, phân biệt đối xử và cô lập xã hội. Có bằng chứng rõ ràng về tỷ lệ nghịch giữa tham nhũng và mức GDP bình quân đầu người.

Lãng phí hoặc chuyển hướng công quỹ do tham nhũng khiến các chính phủ có ít nguồn lực hơn để thực hiện trách nhiệm về quyền con người, cung cấp dịch vụ và cải thiện mức sống của người dân. Do đó, tham nhũng tác động tiêu cực đến sự phát triển của con người và làm tăng tính dễ bị tổn thương của xã hội.

Lấy việc cung cấp các dịch vụ cơ bản làm ví dụ: Theo WEF, ước tính 500 tỷ USD trong chi tiêu y tế công bị thất thoát trên toàn cầu do tham nhũng hàng năm, làm suy yếu các dịch vụ y tế. Các nghiên cứu cho thấy, 50% trẻ em đi học không hoàn thành chương trình tiểu học ở các quốc gia nơi nạn hối lộ phổ biến.

Bởi vậy, chống tham nhũng được coi là nền tảng để thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững.

Bất ổn địa chính tr

Tham nhũng gắn chặt với sự bất ổn địa chính trị. Các quốc gia trải qua xung đột bạo lực có tỷ lệ tham nhũng cao hơn đáng kể và tham nhũng cũng khiến các quốc gia dễ bị ảnh hưởng xấu từ nước ngoài hơn.

Theo ông Klaus Moosmayer, Giám đốc Đạo đức, Rủi ro và Tuân thủ của Công ty Dược phẩm đa quốc gia Novartis: “Chúng ta đang sống trong một thế giới nhiều biến động với những rủi ro địa chính trị hay thay đổi và khó lường. Chính trong thời kỳ khủng hoảng, khi bạn thường không có nhiều thời gian, thì bản chất thực sự của một tổ chức mới được bộc lộ. Sở hữu một nền văn hóa đạo đức và một hệ thống quản lý rủi ro phù hợp là điều cần thiết để hoạt động một cách liêm chính và xây dựng niềm tin với xã hội...”.

WEF cho rằng, những biện pháp chống tham nhũng là cần thiết để tái thiết và ổn định các quốc gia sau xung đột; đây là một bài học khó rút ra từ nhiều quốc gia, trong đó có Bosnia và Afghanistan. Điều này cũng sẽ rất quan trọng đối với Ukraine trong việc phục hồi sau cuộc xung đột hiện tại.

Con đường phía trước

Đối với những vấn đề cấp bách toàn cầu, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng, thế giới cần đặt chế độ khẩn cấp và giải quyết triệt để bằng cách đối phó hiệu quả với đại dịch COVID-19, cải cách hệ thống tài chính toàn cầu để đảm bảo phục hồi công bằng, giải quyết khủng hoảng khí hậu, đặt con người vào trung tâm của thế giới kỹ thuật số và các công nghệ tiên tiến, đồng thời mang lại hòa bình bền vững.

Có thể thấy, chống tham nhũng chính là chìa khóa để giải quyết các vấn đề cấp bách nhất của thế giới như đã phân tích ở trên. Quản trị tốt, trong đó có chống tham nhũng, là điều cần thiết để đạt được những thay đổi tích cực về môi trường và xã hội.

Cùng với đó, những người gác cổng đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giảm thiểu các dòng tài chính bất hợp pháp. Và, trong cuộc chiến chống tham nhũng đầy cam go, công nghệ tiên tiến có thể giúp tăng cường các nỗ lực, giúp việc phát hiện, ngăn chặn và điều tra hiệu quả hơn.

Hoài Phương