Ngọc Anh
Thứ sáu, 22/09/2023 - 22:15
(Thanh tra) - Quốc hội Bulgaria ngày 21/9 đã bỏ phiếu để thông qua lần thứ hai và cũng là lần cuối cùng về Luật Chống tham nhũng.
Một phiên họp của Quốc hội Bulgaria. Ảnh: parliament.bg
Một trong những điểm đáng chú ý trong luật mới được thông qua đó là, chia tách Ủy ban Chống tham nhũng và Truy thu tài sản bất hợp pháp thành hai cơ quan.
Bulgaria sẽ có Ủy ban Chống tham nhũng mới, có ba thành viên, được các nghị sĩ bầu ra với nhiệm kỳ 6 năm.
Cuộc bầu chọn này sẽ diễn ra 3 tháng sau khi luật được ban hành.
Mỗi thành viên sẽ luân phiên làm người đứng đầu Ủy ban Chống tham nhũng, giữ chức vụ này trong 2 năm.
Để đủ điều kiện được bầu làm thành viên của Ủy ban, ứng cử viên phải có bằng luật hoặc kinh tế, cũng như 7 năm kinh nghiệm liên quan hoặc 7 năm phục vụ trong ngành an ninh.
Các ứng cử viên sẽ được xem xét bởi một ủy ban đề cử gồm 5 thành viên. Các thành viên đến từ Tòa án Tối cao, Hội đồng Luật sư Tối cao, Bộ Tư pháp, Văn phòng Thanh tra và Văn phòng Kiểm toán Quốc gia. Ủy ban đề cử sẽ trình bày trước Quốc hội đánh giá của mình về các ứng cử viên.
Theo quy định, Ủy ban Chống tham nhũng sẽ có một ban đặc biệt về chống tham nhũng, có nhiệm vụ phát hiện và điều tra những người nắm giữ chức vụ công bị nghi ngờ liên quan đến tham nhũng.
Cơ quan hiện tại sẽ được đổi tên thành Ủy ban Truy thu tài sản chiếm đoạt bất hợp pháp.
Các thành viên của cơ quan hiện tại sẽ thực hiện các chức năng của cả hai cơ quan mới cho đến khi lãnh đạo Ủy ban Chống tham nhũng được bầu ra, sau đó họ sẽ tiếp tục giữ chức vụ với tư cách là thành viên của Ủy ban Truy thu tài sản chiếm đoạt bất hợp pháp.
Việc Quốc hội Bulgaria thông qua các sửa đổi đối với luật pháp chống tham nhũng là một yếu tố quan trọng tạo điều kiện để được cấp thêm 9 tỷ leva theo Kế hoạch Phục hồi đất nước, nguồn vốn được sử dụng để chuyển đổi và hiện đại hóa nền kinh tế.
Trước đó, Quốc hội Bulgaria đã tiến hành các cuộc thảo luận sôi nổi xung quanh những nội dung sửa đổi đối với Dự luật Chống tham nhũng. Dự luật phần lớn sẽ có hiệu lực khi được ban hành, ngoại trừ những sửa đổi Bộ luật Tố tụng Hình sự sẽ có hiệu lực từ ngày 1/3/2024.
Bulgaria là quốc gia nghèo nhất trong Liên minh Châu Âu (EU), nhưng cũng lại là một trong những nước có chỉ số tham nhũng cao nhất khối. Việc thông qua Luật Chống tham nhũng được dư luận đặc biệt quan tâm.
Cách đây 8 năm, vào tháng 9/2015, Quốc hội Bulgaria từng bác bỏ (101/211 phiếu ủng hộ) Dự luật Chống tham nhũng do Chính phủ liên minh của Thủ tướng Boyko Borisov đề xuất. Theo dự thảo luật này, Bulgaria sẽ lập ra một cơ quan chống tham nhũng ở cấp cao nhất để giám sát khoảng 10.000 quan chức cấp cao, trong đó có chính trị gia, thẩm phán và ủy viên hội đồng địa phương. Khi đó, Phó Thủ tướng Meglena Kouneva đã thất vọng trước "sự thiếu quyết tâm chống tham nhũng" tại Quốc hội.
Hồi cuối tháng 5/2023, với mục tiêu diệt tận gốc nạn tham nhũng, hai lực lượng chính trị lớn nhất tại Bulgaria gồm Liên minh GERB-UDF và Liên minh Chúng tôi Tiếp tục Thay đổi - Bulgaria Dân chủ (PP-DB) đã thống nhất cùng nhau thành lập Chính phủ liên minh với vị trí Thủ tướng sẽ được luân phiên đảm nhiệm.
Mục tiêu chính của liên minh là cải cách hiến pháp trong nửa đầu nhiệm kỳ, đặc biệt nhắm vào ngành Tư pháp, giữa bối cảnh Bulgaria được đánh giá quốc gia đang chứng kiến nạn tham nhũng cấp cao hoành hành.
Trong nỗ lực giải quyết gian lận bầu cử, Chính phủ liên minh Bulgaria cũng được giao nhiệm vụ đề xuất lại hình thức bỏ phiếu trực tuyến.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
Đức Anh
23:07 15/10/2024Ngọc Anh
12:22 15/10/2024Ngọc Anh
10:44 15/10/2024Minh Quân
16:32 14/10/2024Minh Quân
15:14 11/10/2024Minh Quân
22:30 08/10/2024Đức Anh
Anh Mạnh
Thanh Thanh
Lê Phương
Trọng Tài
Phương Anh
Phan Dũng
Đức Anh
Hoàng Long
Thu Huyền
Xuân Thống
Lê Hữu Chính