Bulgaria: Bất ổn chính trị xoay quanh tham nhũng
Cập nhật lúc 10:15, Thứ năm, 08/08/2024 (GMT+7)
(Thanh tra) - Sau nỗ lực thành lập Chính phủ liên minh thất bại, Bulgaria đối mặt với khả năng tổ chức bầu cử lần thứ 7 trong vòng 3 năm qua.
Tổng thống Bulgaria Rumen Radev trong một buổi họp báo.
Từ cuộc bầu cử năm 2021, khi đảng đối lập thắng sát sao 0,2% phiếu bầu so với đảng của Thủ tướng Boyko Borissov, nội bộ Quốc hội Bulgaria chìm sâu trong tình trạng chia rẽ sâu sắc. Các nỗ lực thành lập Chính phủ mới theo Hiến pháp Bulgaria liên tục thất bại do các đảng không nhận được sự ủng hộ cần thiết, hoặc từ chối liên minh với đảng khác để thành lập Chính phủ.
Cuộc bầu cử Quốc hội lần thứ 6 của Bulgaria được tổ chức ngày 9/6 năm nay với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu chỉ đạt 34%, là cuộc bầu cử có tỷ lệ cử tri tham gia thấp nhất kể từ năm 1989. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đặc biệt thấp ở Bulgaria phản ánh sự vỡ mộng ngày càng tăng của người dân đối với nền chính trị bất ổn và tham nhũng kéo dài.
Hiện tại, đảng của cựu Thủ tướng Boyko Borissov là đảng có số ghế cao nhất trong Quốc hội nhưng vẫn không đạt được sự đồng thuận để thành lập Chính phủ. Dự kiến một cuộc bầu cử thứ 7 có thể diễn ra vào đầu năm 2025.
Bulgaria là quốc gia nghèo nhất trong Liên minh Châu Âu (EU) nhưng lại là một trong những nước có chỉ số tham nhũng cao nhất khối. Tham nhũng đã khoét rỗng các nguồn tiền viện trợ phát triển của EU dành cho Bulgaria trước đó và cản trở Bulgaria tiếp cận các quỹ EU hiện tại. Và dù EU liên tục thúc giục Bulgaria “dọn dẹp” tham nhũng để mang lại hình ảnh một Chính phủ trong sạch và trách nhiệm với người dân nhưng đây thực sự là yêu cầu không đơn giản và ngày càng khó giải quyết triệt để hơn.
Bất ổn chính trị xoay quanh tham nhũng có nguy cơ làm trì hoãn thêm mục tiêu gia nhập khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và trở thành thành viên khu vực tự do đi lại (Schengen) toàn diện (đường không, đường thủy và đường bộ) vào năm 2025, ngăn cản Bulgaria thực hiện các cải cách mà EU yêu cầu và là rào cản Bulgaria giải ngân hàng tỷ euro từ quỹ phục hồi sau đại dịch COVID-19 của EU.
Yến Nhi