Thuế đánh vào rượu và nước giải khát ở Uganda sẽ được sử dụng để tài trợ cho các chương trình điều trị HIV của quốc gia, một phần của biện pháp được định ra để nhà nước có thể dần giảm bớt sự phụ thuộc vào các nguồn viện trợ.

Chính phủ tin rằng sẽ thu về được 2,5 triệu đô la một năm nhờ việc áp thuế ở mức 2% lên các loại đồ uống, bao gồm bia, rượu mạnh và waragi, một loại rượu địa phương. Số tiền thu được sẽ được chuyển vào một quỹ tín thác mới dành cho việc chữa trị HIV và AIDS (ATF).

Các điều khoản đối với quỹ được đưa vào Đạo luật Kiểm soát và Phòng chống HIV, thông qua vào năm 2014, nhưng các quy định về cách thức hoạt động của quỹ này chỉ mới được thông qua gần đây.

Bộ trưởng Y tế Sarah Achieng Opendi, cho biết biện pháp này là một bước đi vô cùng mới mẻ và có khả năng xúc tiến việc tăng nguồn lực của Chính phủ.

“Chúng tôi rất vui vì cuối cùng Quốc hội đã phê chuẩn các quy định này. Điều dẫn tới quyết định này là chương trình ứng phó với HIV của chúng tôi đang được các đối tác và cộng đồng quốc tế tài trợ rất nhiều. Tuy nhiên là điều này không bền vững,” bà Opendi cho biết.

“Chúng tôi cần có nguồn thu được tạo ra tại địa phương để đối phó với thách thức trong nước đến từ HIV. Trong trường hợp nguồn viện trợ từ cộng đồng quốc tế giảm đi, chúng tôi vẫn có thể duy trì các biện pháp can thiệp của chính mình”, bà nói.

Ít nhất 68% nguồn quỹ dành cho việc phòng chống và chữa trị HIV của Uganda đến từ nguồn quyên góp, 20% từ những người sống chung với HIV và gia đình của họ, trong khi chỉ có 11% đến từ Chính phủ và 1% từ khu vực tư nhân.

Các nhà hoạt động hoan nghênh tin tức quỹ hiện đang hoạt động, mặc dù số tiền dự kiến có thể thu được là một phần nhỏ so những gì cần thiết. Theo Karusa Kiragu, Giám đốc Quốc gia UNAids ở Uganda, mỗi năm cần hơn 700 triệu đô la để điều trị và phòng ngừa HIV.

“Đúng là ATF sẽ tạo ra nguồn quỹ hạn chế so với hơn 700 triệu đô la cần thiết hàng năm cho chương trình ứng phó với Aids ở Uganda. Nhưng đây vẫn là một bước tiến quan trọng,” bà nói.

Sylvia Nakasi, cán bộ chính sách và vận động tại Uganda Network of Aids Service Organization (Unaso), cho biết: “Mức thuế 2% đối với sản phẩm nước giải khát để dành cho cho quỹ tín thác là không đáng kể so với nhu cầu, nhưng đây mới chỉ là bước đầu. Tôi tin rằng chúng ta sẽ còn tìm ra những lựa chọn khác để phát triển quỹ và giải quyết vấn đề kinh phí cho các chương trình ứng phó với HIV trong nước.”

Asia Russell, Giám đốc Điều hành Dự án Tiếp cận Y tế Toàn cầu, nói thêm: Quỹ ủy thác sẽ không thu hẹp khoảng cách trong tài trợ của Uganda - để có thể tạo ra đóng góp đáng kể, quỹ phải được mở rộng để tăng thêm nguồn thu, ví dụ như thuế lũy tiến như là đảo ngược việc giảm thuế đối với các công ty.

“Uganda cũng phải mở rộng việc phân bổ nội địa cho y tế và ưu tiên tài trợ cho việc điều trị HIV hơn việc điều hành một nhà nước cồng kềnh.”

Các nhà hoạt động cũng bày tỏ lo ngại rằng quỹ có thể chịu sự ảnh hưởng do tham nhũng.

“Rất nhiều sinh mạng đang bị đe dọa. Quỹ tín thác phải được theo dõi chặt chẽ, và xã hội dân sự phải “tuýt còi” ngay khi thấy những dấu hiệu sai phạm đầu tiên.

“Một hội đồng cần phải được bầu ra để đưa ra những quyết định về vấn đề chi tiêu,” ông Russell cho biết.

Minh Tuấn (Theo Theguardian)