Việc phong trào “áo vàng” (gilets jaunes) diễn ra liên tục suốt một tháng trời đã gây ra tổn thất nghiêm trọng cho hình ảnh và uy tín của Tổng thống Emmanuel Macron. 

Một cuộc bỏ phiếu diễn ra vào hôm Chủ nhật thể hiện sự nhất trí trong quan điểm của các nhà phân tích rằng ông Macron sẽ buộc phải thay đổi đường lối lãnh đạo của mình để giành lại sự tín nhiệm từ người dân.

Khoảng 66.000 người đã quay trở lại vào hôm thứ Bảy để biểu tình lần thứ năm chống quyết định tăng thuế nhiên liệu của Chính phủ ban hành vào tháng trước.

Con số này chỉ bằng một nửa cuối tuần trước, cho thấy động lực của phong trào biểu tình này đang dần suy yếu và có thể khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất trong 19 tháng tại vị của ông Macron đang tiến đến hồi kết.

Khoảng 69.000 người thuộc lực lượng an ninh được huy động trên khắp nước Pháp vào thứ Bảy, giảm từ mốc 89.000 ghi nhận vào cuối tuần trước khi mà đến 2.000 người biểu tình đã bị bắt giữ.

“Mọi thứ đang dần lắng xuống, nhưng tàn dư còn lại chính là sự căm ghét của người dân đối với ông Macron”, nhà xã hội học kỳ cựu Herve Le Bras từ Trường Nghiên cứu Khoa học Xã hội (EHESS) cho biết.

Một cuộc khảo sát được tiến hành bởi nhóm Ipsos được công bố trên Tạp chí Journal du Dimanche cho thấy sự tín nhiệm đối với Tổng thống Macron đã giảm thêm hai bậc so với tháng trước, xuống còn 23%. Tỷ lệ những người nhận định quan điểm “rất không hài lòng” đối với đường lối lãnh đạo của ông tăng mạnh sáu bậc, lên đến 45%.

Rất nhiều người biểu tình đã nhắm đến cá nhân ông Macron, tập trung vào quá khứ từng là chủ ngân hàng đầu tư và thuộc tầng lớp tinh hoa của ông, đồng thời yêu cầu Tổng thống sớm từ chức.

Một cuộc khảo sát khác thực hiện bởi Ipsos vào hôm thứ Tư tuần trước thể hiện rằng chỉ 20% người được hỏi cảm thấy hài lòng với cách lãnh đạo của ông Emmanuel Macron, giảm sáu bậc và trở thành tỷ lệ tín nhiệm thấp nhất trong lịch sử.

Le Bras cho hay những cuộc biểu tình đã hướng sâu vào việc bày tỏ sự căm phẫn đối với tính cách và phong cách lãnh đạo của ông Macron, điều mà các nhà phê bình nhìn nhận là quá kiêu ngạo và xa cách. “Ngay cả khi ông ấy trở nên khiêm tốn hơn, mọi việc vẫn trở nên rắc rối”, Le Bras nói thêm.

Cho đến tuần trước, phần lớn người dân Pháp đã ủng hộ các cuộc biểu tình nổi lên từ chính sách tăng thuế nhiên liệu trước khi tham gia mạnh mẽ vào một mặt trận đối lập rộng hơn chống lại ông Macron.

Với nỗ lực chấm dứt tình trạng bế tắc, ông Macron đã tuyên bố gói giải pháp dành cho người lao động có thu nhập thấp trên một kênh truyền hình quốc gia vào hôm thứ Hai. Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế, chi phí cho các giải pháp này lên tới 15 tỷ euro.

Tổng thống cũng thừa nhận sự thù địch rộng rãi đang hướng đến bản thân ông và bày tỏ sự hối lỗi đối với những câu nói mà bị coi là đang miệt thị người nghèo hoặc thất nghiệp.

Chính phủ vừa qua đã công bố một cuộc tham vấn kéo dài sáu tháng đối với các tổ chức xã hội, thị trưởng, doanh nghiệp và những người biểu tình “áo vàng” để thảo luận về mức thuế cùng các cải cách kinh tế khác.

Việc tăng thuế nhiên liệu, cũng như các biện pháp nghiêm khắc hơn để kiểm soát khí thải từ phương tiện cũ - được bào chữa là vì bảo vệ môi trường - là những gì châm ngòi cho phong trào “áo vàng”.


Tại Paris vào hôm thứ Bảy, có khoảng 168 vụ bắt giữ ghi nhận được vào mờ sáng, thấp hơn nhiều so với con số 1.000 thực hiện vào tuần trước. Khí ga thỉnh thoảng vẫn phải được sử dụng nhưng chỉ là phần nhỏ so với những ngày cuối tuần - ngày 8 tháng 12 hay ngày 1 tháng 12, khi mà các hình vẽ graffiti thể hiện sự phẫn nộ được vẽ lên Khải Hoàn Môn trong bối cảnh hoảng loạn của Pháp.

Richard Ferrand, lãnh đạo Quốc hội, tỏ ra vui mừng trước sự lắng dịu của phong trào biểu tình “áo vàng” vào hôm thứ Bảy, bổ sung thêm rằng “chúng ta đã đưa ra những câu trả lời và đáp ứng quá to lớn đối với các yêu cầu của họ”.

Christophe Castaner, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cũng kêu gọi người dân biểu tình dừng các cuộc phong tỏa của họ trên khắp đất nước, điều mà đang khiến tình trạng giao thông và hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề.

Thu Uyên (Theo The Guardian)