Các nhà máy chế biến rộng lớn, những hố sâu khổng lồ chọc thủng khung cảnh vùng ngoại ô phía Nam Koidu - một trong những thành phố lớn nhất Sierra Leone. Kim cương lần đầu được phát hiện ở Koidu vào những năm 1930. Mỏ Koidu ban đầu được phát triển dưới sự quản lý của nhà nước, mang theo hi vọng của cộng đồng địa phương là sẽ mang lại sự thịnh vượng cho khu vực. Tuy nhiên, cuộc nội chiến tàn khốc nổ ra từ năm 1991 - 2002 đã khiến mỏ kim cương này rơi vào tay lính đánh thuê Nam Phi và sau đó được vận hành như một doanh nghiệp tư nhân.

Ngày nay, mỏ được điều hành bởi Koidu Limited, thuộc sở hữu của Công ty OCTÉA Limited, mà công ty mẹ của nó là Beny Steinmetz Group Resources (BSGR). Chủ nhân của BSGR là Beny Steinmetz (người Israel) - 1 trong 10 tỷ phú kim cương giàu nhất thế giới, là mục tiêu của một số cuộc điều tra của các quốc gia khác nhau về những cáo buộc liên quan đến tham nhũng.

Tranh chấp vì kim cương

Kể từ khi Koidu Limited nắm quyền kiểm soát vào đầu những năm 2000, hàng trăm cư dân Koidu đã bị mất nhà cửa để phục vụ cho việc mở rộng khai thác các mỏ kim cương. Một số gia đình được đưa vào chương trình tái định cư của Công ty Koidu Limited, nhiều người khác rơi vào tình trạng không nhà cửa, đói nghèo đeo đẳng.

Trong bối cảnh đó, lãnh đạo chính quyền địa phương và các nhà quản lý đất đai đã làm rất ít để bảo vệ quyền lợi của công dân, bảo vệ đất đai, nhà cửa của họ.

“Công ty Koidu Limited và những người đứng đầu địa phương đã gặp nhau và đi đến một thỏa thuận chống lại chúng tôi - những người nghèo khổ”, một người cao tuổi ở Koidu đã sinh sống, xây dựng nhà cửa ở Koidu từ khi nơi đây còn là vùng đất hoang vu, nhưng đã bị mất nhà, mất đất và không được có tên trong chương trình tái định cư, cho biết.

Những người được đưa vào danh sách tái định cư, những tưởng may mắn, hạnh phúc hơn. Nhưng không. Lời hứa của Koidu Limited về những ngôi nhà hiện đại, nước sinh hoạt đầy đủ, trường học, trạm xá và khu vui chơi giải trí đã không trở thành hiện thực sau khi mỏ được thành lập. Hàng trăm triệu USD được sinh ra từ việc khai thác kim cương đã tiếp tục rời khỏi Koidu, rời khỏi Sierra Leone mà không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai trong cộng đồng thành phố này.

Người dân tham gia điều tra tham nhũng

Mùa thu năm 2017, Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã thực hiện một Dự án video có sự tham gia của một nhóm gồm 12 người đại diện cho cộng đồng những người phải di dời. Họ được đào tạo, hỗ trợ để điều tra nhằm đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình, vạch trần các hành vi tham nhũng trong quản lý đất đai. Nhóm đã làm việc với nhau trong nhiều tháng và tạo ra được 2 video có nội dung phơi bày tham nhũng đất đai ở Koidu.

“Trước đó, tôi không hiểu nhiều về các vấn đề tham nhũng trong khai thác và tranh chấp đất đai, nhưng qua khóa đào tạo này, tôi đã hiểu tất cả”, một thành viên của nhóm nói.

Các video này đã được công chiếu tại địa phương và toàn quốc. Chúng đã giúp nâng cao nhận thức về thực tế khắc nghiệt mà những người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi ngành công nghiệp chế xuất đang phải đối mặt. Các video đã và đang gây thêm áp lực cho Chính phủ để bảo đảm điều kiện sống và công lý đầy đủ cho các nạn nhân như người dân ở Koidu. Đồng thời, đóng góp vào việc vạch trần bản chất phổ biến và những thiệt hại mà tham nhũng đất đai gây ra.

Năm 2016, Tòa án Cấp cao Sierra Leone đã ra phán quyết, Công ty OCTÉA không phải nộp một xu thuế nào, mặc dù là công ty khai thác kim cương lớn nhất nước, nhưng công ty mẹ của nó - BSGR - không đăng ký kinh doanh tại Sierra Leone. Koidu Limited cũng được phán quyết là miễn nộp thuế cho địa phương, vì lý do tương tự.

Chủ sở hữu của BSGR, tỷ phú Beny Steinmetz, đã bị bắt giữ vào năm 2017 bởi Cảnh sát Israel để điều tra các cáo buộc gian lận, giả mạo và rửa tiền, liên quan đến một dự án quặng sắt khổng lồ ở Guinea. Sau đó, Beny Steinmetz được trả tự do, nhưng Tòa án Trọng tài London (Anh) đã buộc BSGR phải chịu trách nhiệm pháp lý cho các hành vi gian lận, bao gồm cả kế hoạch hối lộ cũng liên quan đến dự án ở Guinea.

Dự án video được hỗ trợ bởi Tổ chức Minh bạch Quốc tế Sierra Leone và InsightShare. Đây là một phần của loạt dự án video có sự tham gia của các cộng đồng trên khắp châu Phi, được thực hiện bởi Chương trình Đất đai và Tham nhũng tại châu Phi cận Sahara của Tổ chức Minh bạch Quốc tế.

Ước tính, Sierra Leone cung cấp tới 65% lượng kim cương trên toàn thế giới. Tuy nhiên, những viên kim cương được tìm thấy không mang lại hạnh phúc mà còn khiến họ tranh giành, đánh đập lẫn nhau, gây ô nhiễm môi trường và đói nghèo. Lời nguyền kim cương hay kim cương máu là những thứ khiến người dân nơi đây ám ảnh.

Trong những thập niên qua, số tiền từ việc buôn bán bất hợp pháp kim cương thường được sử dụng để tài trợ cho các cuộc nội chiến và xung đột tại các quốc gia châu Phi. Từ việc lấy tiền xuất khẩu kim cương để mua vũ khí, bảo trợ cho các hành động quân sự mà định nghĩa “Kim cương máu” đã được hình thành. Hàng nghìn dân thường ở các quốc gia châu Phi như Sierra Leone bị biến thành nô lệ khai thác "kim cương máu".


Hoài Phương