Theo The Indian Express, bình quân 10 quan chức chính quyền ở Delhi đã bị Cơ quan Chống tham nhũng Ấn Độ tại Delhi (ACB) bắt vì cáo buộc tham nhũng mỗi năm, trong giai đoạn từ 2015 đến 2022.
Một số lượng đáng kể bị cáo đã được chỉ ra là thuộc các bộ phận có giao dịch công, như Delhi Jal Board (DJB) - Công ty Cấp nước đô thị của Delhi, Hội đồng thành phố Delhi (MCD) và cơ quan thuế.
Báo cáo mà The Indian Express tiếp cận được cho thấy, có 144 vụ việc được ACB đệ trình lên tòa án trong khoảng thời gian này, nhưng chỉ có 32 trường hợp (hơn 30%) bị kết án.
Có 101 quan chức từ hơn 20 cơ quan chính quyền Delhi đã bị bắt từ năm 2015 đến năm 2022; và 3 vụ bắt giữ đã được ACB thực hiện trong năm nay (bao gồm 2 công chức Sở Giao thông Vận tải và 1 người từ Hội đồng thành phố Delhi), nâng tổng số vụ bắt giữ từ năm 2015 đến nay lên 104.
Một quan chức Chính phủ cấp cao cho biết, những con số này chỉ liên quan đến các vụ việc thuộc thẩm quyền của ACB. Những cơ quan điều tra trung ương như CBI sẽ thực hiện hành động đối với công chức thuộc các cơ quan chính quyền trung ương hoặc ở các cấp cao hơn của cơ quan dân sự trong những trường hợp bị cáo buộc tham nhũng.
Theo số liệu báo cáo, với 23 người, Công ty Cấp nước đô thị của Delhi đứng ở vị trí số 1 về số lượng quan chức chính quyền bị bắt trong giai đoạn này, tiếp theo là cơ quan thuế và Hội đồng thành phố Delhi - mỗi nơi có 18 người.
Về lý do tỷ lệ kết án thấp, các nguồn tin cho biết, những yếu tố ảnh hưởng bao gồm tính chất kéo dài của các vụ án được xét xử theo Đạo luật Phòng chống tham nhũng và do các công tố viên thay mặt cơ quan chống tham nhũng tham gia giải quyết vụ án làm việc kém hiệu quả.
“Đôi khi việc điều tra bị thất bại do thiếu chế tài truy tố từ... cơ quan chính phủ có liên quan đến hạn độ của thời gian. Trong nhiều trường hợp, tài liệu mang tính chất là một phần của bằng chứng bị thất lạc hoặc bị tiêu hủy; các nhân chứng "quay xe" hoặc dịch chuyển vào thời điểm vụ án được đưa ra xét xử”, một quan chức cấp cao tuyên bố.
“Bất chấp những vấn đề này, ACB đã kết án thành công 7 bị can - cao nhất trong giai đoạn này - vào năm 2022", quan chức này cho biết thêm.
Theo hồ sơ vụ việc do cơ quan chống tham nhũng đệ trình lên vào tháng trước, cuộc điều tra đối với 169 khiếu tố tham nhũng chống lại các quan chức chính quyền Delhi đang chờ xử lý ở các giai đoạn khác nhau.
Trong khi ACB ghi nhận tổng số vụ việc tồn đọng giảm nhẹ, xuống còn 169 cho đến cuối tháng 3 năm nay so với 178 vào cuối tháng 8/2022, với 7 vụ việc tồn đọng kéo dài suốt hơn 20 năm đã được đưa ra giải quyết.
Ông Madhur Verma, người đứng đầu Delhi ACB cho biết: “Chúng tôi đã thực hiện nhiều bước khác nhau để làm cho cơ chế chống tham nhũng trong thành phố trở nên mạnh mẽ hơn… Chẳng hạn, các khiếu nại về tham nhũng được Cảnh sát Delhi chuyển trực tiếp đến phòng kiểm soát của chúng tôi ngay sau khi được đăng nhập vào hệ thống".
“Một phòng kiểm soát hoạt động cả ngày lẫn đêm, do các quan chức điều tra phụ trách để xem xét các khiếu nại tham nhũng, đang trong giai đoạn cuối cùng của quá trình thành lập. Chúng tôi đang triển khai công nghệ blockchain để duy trì tính toàn vẹn của các tệp cũng như tài liệu liên quan đến bằng chứng và đang đặt mục tiêu xử lý tất cả vụ việc tồn đọng kéo dài, chậm nhất cho đến cuối tháng 6”, ông Verma nói thêm.
ACB thành lập vào năm 1975, được hình dung như một lực lượng cảnh sát có thẩm quyền trên toàn Delhi và có nhiệm vụ điều tra các hành vi phạm tội theo Đạo luật Phòng chống tham nhũng (1988).
Trong giai đoạn vừa qua, nhìn chung lượng khiếu tố gửi tới ACB chỉ giảm một thời gian ngắn sau sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 năm 2020, nhưng ngay sau đó, những cáo buộc tham nhũng trong các cơ quan chính quyền của thành phố Delhi đã trở lại với cường độ mạnh mẽ.
Điều đáng chú ý, số vụ việc được đệ trình trên cơ sở các đơn khiếu tố cũng như số lượng quan chức chính quyền bị bắt giữ và kết án về tội tham nhũng là rất ít.