Theo Chủ nhiệm đề tài, tham nhũng ở Việt Nam thời gian qua được Đảng và Nhà nước ta nhận định là rất nghiêm trọng, đe dọa sự tồn vong của chế độ. Pháp luật về phòng, chống tham nhũng đã quy định về trách nhiệm của các chủ thể trong thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; đồng thời có những quy định về xử lý hành vi vi phạm khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Trong những năm qua, việc phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng đã có những kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là công tác xử lý người có hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm.

Đó là, có nhiều hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tuy nhiên công tác xử lý vi phạm chủ yếu tập trung vào xử lý hành vi tham nhũng; Luật Phòng, chống tham nhũng mới chỉ quy định về các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng phải được xử lý, chưa quy định cụ thể về các hình thức, chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm; người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng đa số là những cán bộ, công chức, viên chức  người có trình độ được đào tạo  bài bản, có trình độ, năng lực và sự hiểu biết nhất định, do đó việc che dấu, bao che các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng sẽ được thực hiện một cách tinh vi hơn, gây khó khăn trong việc phát hiện và xử lý hành vi vi phạm.

Với mục tiêu đánh giá thực trạng và đề xuất quan điểm, giải pháp nâng cao hiệu quả xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, đề tài triển khai 3 nội dung: Những vấn đề chung về xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực trạng xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng; đề xuất quan điểm, giải pháp hoàn thiện pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Tại hội thảo, các đại biểu đều nhận định đây là đề tài khó và rộng. Các ý kiến thảo luận tập trung về những nội dung như kết cấu (các mục gắn 3 nội dung nghiên cứu), về phạm vi, về nội dung nghiên cứu chính.

Theo đó, về phạm vi nghiên cứu cần xác định rõ và khuôn lại, cần giới hạn hành vi, hướng tập trung vào con người, hướng đến trách nhiệm, có trách nhiệm tập thể, trách nhiệm cá nhân, nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu. Mặt khác, tên đề tài thể hiện rõ 3 vấn đề cần giải quyết trong xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, đó là: Xử lý hành chính, xử lý kỷ luật và xử lý hình sự. Tuy nhiên, với đề tài khoa học cấp cơ sở, đề tài chỉ cần tập trung làm rõ xử lý hành chính và xử lý kỷ luật.

Cho ý kiến vào đề cương chi tiết, theo các đại biểu, Chương I, phần lý luận cần làm rõ các quan niệm, khái niệm, đặc điểm, vai trò, xác định rõ chủ thể, phân loại hành vi vi phạm pháp luật, xử lý hành vi vi phạm pháp luật như thế nào? Mục 1.1 điều chỉnh lại theo dạng chủ thể để hướng đến biện pháp xử lý.

Phương thức, thẩm quyền, trình tự thủ tục cần làm rõ hơn, còn có sự nhầm lẫn giữa các khái niệm, biên tập dùng thuật ngữ cho rõ nghĩa hơn. Đề tài cần phân biệt rành mạch, sự khác biệt giữa xử lý hành vi tham nhũng và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, đối với khu vực công, khu vực tư như thế nào? Đề tài mang tính lý luận, do đó các yếu tố đảm bảo nên điều chỉnh lại thành các yếu tố tác động đến chất lượng, hiệu quả của việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Chương II còn chung chung, chủ nhiệm có thể bổ sung thêm xử lý về đảng, tham khảo số liệu báo cáo tổng kết của Thanh tra Chính phủ liên quan đến xử lý tham nhũng (thanh tra trách nhiệm). Có thể bổ sung thêm kiến nghị để các chủ thể thực hiện theo biện pháp phòng ngừa, đưa lên cổng thông tin điện tử…

Chương III, cần thể hiện rõ quan điểm, giải pháp thực hiện xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Giải pháp tập trung vào giải pháp hoàn thiện pháp luật, giải pháp tăng cường trách nhiệm và giải pháp cải cách hành chính…

Thái Hải