Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cựu điều tra viên Bộ Công an Hoàng Văn Hưng kháng cáo kêu oan trong vụ án “chuyến bay giải cứu”.

Q. Đông

Thứ hai, 04/12/2023 - 20:43

(Thanh tra) - Theo dự kiến, ngày 20/12 tới đây, TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử phúc thẩm theo đơn kháng cáo của 21 bị cáo cùng những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án “chuyến bay giải cứu”.

Các bị cáo có liên quan đến vụ án "chuyến bay giải cứu" bị đưa ra xét xử sơ thẩm. Ảnh: HP

Trong số 18 bị cáo có Hoàng Văn Hưng, nguyên Trưởng phòng 5, Cục An ninh điều tra, Bộ Công an và Trần Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Thái Hòa kháng cáo kêu oan.

Trước đó, tại phiên toàn sơ thẩm, bị cáo Hưng bị tòa tuyên án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; còn bị cáo Tuấn lĩnh 18 năm tù về các tội đưa hối lộ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

16 bị cáo còn lại xin giảm nhẹ hình phạt, số này có ba người bị tuyên án chung thân về tội nhận hối lộ. Họ gồm: Nguyễn Thị Hương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Phạm Trung Kiên, nguyên Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế và Vũ Anh Tuấn, nguyên cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an.

Trong các đơn gửi tòa án, nhóm bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt mong TAND Cấp cao tại Hà Nội khi xét xử phúc thẩm, xem xét một số tình tiết giảm nhẹ, hoàn cảnh xảy ra hành vi phạm tội, mức độ hậu quả của vi phạm để cân nhắc, cho họ được hưởng chính sách khoan hồng.

Trước đó, trong các ngày từ 11 - 28/7, TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm và tuyên phạt 54 bị cáo các mức án từ 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến tù chung thân, về 5 tội danh: “Đưa hối lộ”, “nhận hối lộ”, “môi giới hối lộ”, “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Theo bản án sơ thẩm, trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân ở nước ngoài về nước. Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ có nhiệm vụ tập hợp tham mưu, đề xuất lãnh đạo Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổ chức các chuyến bay theo đề xuất của Bộ Ngoại giao.

Bộ Ngoại giao có nhiệm vụ xây dựng, đề xuất kế hoạch tổ chức các chuyến bay combo; chủ trì và xin ý kiến, trao đổi thống nhất với các bộ trong tổ công tác và báo cáo, trình lãnh đạo Chính phủ phê duyệt, quyết định và thông báo việc thực hiện chuyến bay. Bốn bộ còn lại gồm: Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo chức năng, nhiệm vụ về công tác phòng, chống dịch cho ý kiến việc phê duyệt gửi Bộ Ngoại giao, UBND một số tỉnh, thành phố được giao nhiệm vụ cho chủ trương cách ly tại địa phương...

Quá trình cấp phép các chuyến bay và phê duyệt cách ly tại địa phương, từ tháng 9/2020 - 12/2022, các bị cáo thuộc các bộ, ngành, địa phương đã cấu kết với một số đối tượng khác đã có hành vi nhũng nhiễu, yêu cầu doanh nghiệp đưa tiền. Trong đó, 25 bị cáo lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao đã nhận hối lộ tổng số tiền gần 165 tỷ đồng, gây thiệt hại trên 10 tỷ đồng.

Trong vụ án, Phạm Trung Kiên, nguyên Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế là người nhận hối lộ số tiền lớn nhất, với hơn 42,6 tỷ đồng; 23 bị cáo là đại diện các doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng; 4 cá nhân môi giới hối lộ tổng cộng hơn 74 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt gần 25 tỷ đồng.

Người đưa hối lộ nhiều nhất là Lê Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Bluesky và Phó Tổng giám đốc Nguyễn Thị Thanh Hằng, với tổng số tiền hơn 100 tỷ đồng.

Quá trình xét xử, 53/54 bị cáo cơ bản thừa nhận cáo buộc của cơ quan tố tụng.

Riêng Hoàng Văn Hưng khẳng định mình bị oan, không lừa chiếm đoạt 800.000 USD.

Đáng chú ý, suốt phiên sơ thẩm, Hoàng Văn Hưng là người kêu oan và đề nghị tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung, song khi đọc công bố nội dung bản án, Hội đồng Xét xử nhận định, theo tài liệu điều tra và quá trình tranh tụng thể hiện thời điểm xảy ra vụ án, bị cáo là điều tra viên chính, song khi được bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội thu xếp cho gặp mặt bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Bluesky.

Theo tòa, bị cáo là người biết rõ quy định "điều tra viên không được tiếp xúc với bị can, bị cáo bên ngoài trụ sở cơ quan điều tra" nhưng vẫn gặp mặt Nguyễn Thị Thanh Hằng trao đổi mà không báo cáo cấp trên. Quá trình gặp, Hưng đã hướng dẫn Hằng viết các bản tường trình...

Hội đồng Xét xử cấp sơ thẩm nhận thấy sau khi bị điều chuyển công tác khỏi Phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an, bị cáo Hoàng Văn Hưng không còn nhiệm vụ điều tra nhưng vẫn đưa ra các thông tin gian dối với bị cáo Hằng, Sơn, Tuấn, để từ đó tạo lòng tin khiến nhóm Hằng phải đưa tiền. Sau khi nhận tiền, Hưng không "chạy án" như cam kết mà chiếm đoạt 800.000 USD.

Theo dự kiến, phiên phúc thẩm sẽ diễn ra trong 4 ngày. Tính đến thời điểm hiện tại, có gần 30 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho các bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Giám đốc Trung tâm Giám định Y khoa tự tay chỉnh sửa làm thay đổi kết quả giám định

Giám đốc Trung tâm Giám định Y khoa tự tay chỉnh sửa làm thay đổi kết quả giám định

(Thanh tra) - Ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Trung tâm Giám định Y khoa (GĐYK) tỉnh Thanh Hóa thừa nhận cá nhân đã tự tay chỉnh sửa, làm thay đổi nội dung khám và kết quả giám định trong các biên bản giám định y khoa gửi đi của 29 đối tượng so với biên bản GĐYK đang lưu trong hồ sơ giám định.

Văn Thanh

20:44 30/10/2024

Tin mới nhất

Xem thêm