Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Xu hướng của tội phạm tài chính trong khủng hoảng Covid-19

Thứ tư, 29/04/2020 - 06:35

(Thanh tra)- Tham nhũng, rửa tiền, tội phạm mạng, lừa đảo và giao dịch nội gián là những dạng thức tội phạm đang "góp gió" cho cơn bão khủng hoảng do Covid-19.

Ảnh: Shutter Stock

Cách thức hoạt động mới của tội phạm tài chính

Trên khắp thế giới, Chính phủ các nước đang tăng cường nỗ lực chống lại sự lan rộng của virus corona bằng cách ban hành các biện pháp khác nhau để hỗ trợ hệ thống y tế công, bảo vệ nền kinh tế và bảo đảm an toàn cho người dân.

Tuy nhiên, cũng trong thời gian này, những kẻ tội phạm cũng nhanh chóng nhìn ra được các lỗ hổng, những cơ hội để khai thác cuộc khủng hoảng.

Cơ quan Ngân hàng Châu Âu đã đưa ra khuyến cáo: Trong khi hầu hết nền kinh tế đang phải đối mặt với suy thoái và dòng tài chính có khả năng sụt giảm, "kinh nghiệm từ các cuộc khủng hoảng trong quá khứ cho thấy rằng, trong nhiều trường hợp, tài chính bất hợp pháp sẽ vẫn tiếp tục tuôn chảy".

Tại Liên minh Châu Âu, cơ quan giám sát ở một số quốc gia đã kiến nghị các tổ chức tài chính tăng mức độ nguy cơ rửa tiền liên quan đến đại dịch. Họ đã cảnh báo về cách thức hoạt động mới của những tội phạm biết chớp cơ hội, lợi dụng cuộc khủng hoảng để kiếm lợi ích trong ngắn hạn.

Những phân tích ban đầu của Tổ chức Cảnh sát Châu Âu (Europol) cho thấy có sự gia tăng của tội phạm mạng, lừa đảo và buôn bán hàng giả.

Tại Mỹ, Mạng lưới Chống tội phạm tài chính (FinCEN) thuộc Bộ Tài chính Mỹ đang theo dõi các xu hướng mới của tội phạm tài chính trong cuộc khủng hoảng Covid-19. Theo đó, lừa đảo đầu tư, lừa đảo sản phẩm kinh doanh và giao dịch nội gián đã được xác định là những xu hướng mới nổi chính.

Quan chức, doanh nghiệp bắt tay tham nhũng

Không chỉ những kẻ lừa đảo và nhóm tội phạm có tổ chức mới có thể lợi dụng đại dịch. Các quan chức, doanh nghiệp tham nhũng cũng đang có những sự "móc ngoặc" hoàn hảo ở đây. Môi trường cho loại tham nhũng này được nảy nở là vào lúc:

- Có nhiều cơ hội chiếm đoạt, khi các nguồn lực trong và ngoài nước được cung cấp để chống lại đại dịch;

- Giảm các điều kiện trong việc ra quyết định, phân bổ nguồn lực (do tính cấp bách của vấn đề giải quyết khủng hoảng);

- Ít cơ chế bảo đảm minh bạch và trách nhiệm giải trình;

- Hạn chế trong giám sát và thi hành luật.

Thêm vào đó, với những điểm yếu, "lỗ hổng" trong hệ thống chống rửa tiền của nhiều quốc gia, nhiều khả năng, các cá nhân tham nhũng sẽ tiếp tục lợi dụng các cơ chế và mạng lưới hiện có để thực hiện thanh toán các khoản hối lộ, cũng như che giấu và rửa tiền cho các khoản thu được từ tham nhũng. Đặc biệt là trong khi kẻ tham nhũng cho rằng, nguồn lực và sự chú ý đang được tập trung ở nơi khác (cuộc chiến với dịch bệnh), thì hoạt động càng mạnh hơn, táo tợn hơn.

Tham nhũng, rửa tiền, tội phạm mạng, lừa đảo và giao dịch nội gián là xu hướng của tội phạm tài chính trong khủng hoảng Covid-19. Ảnh: Lee Junda/Unplash

Điều chỉnh các hoạt động chống rửa tiền trong thời kỳ khủng hoảng

Do tình trạng phong tỏa, các tổ chức tài chính đang phải đối mặt với những thách thức lớn, ảnh hưởng đến khả năng tiến hành kiểm tra và báo cáo các giao dịch đáng ngờ.

Các nhà lãnh đạo từ Australia tới Canada đã nhấn mạnh kỳ vọng rằng, các ngân hàng tiếp tục thực thi nghĩa vụ chống rửa tiền, đặc biệt là công tác giám sát và báo cáo giao dịch đáng ngờ liên quan đến Covid-19. Trong khi thực tế đáng lo ngại là, sự giám sát, thời hạn báo cáo và làm việc tích cực đã và đang được nới lỏng theo lệnh phong tỏa.

Lấy ví dụ ở quần đảo Bahamas (quốc gia nói tiếng Anh tại Vùng Caribe), nhiệm vụ của các tổ chức tài chính hoạt động theo Luật Đăng ký quyền sở hữu lợi ích năm 2018 đã tạm thời bị ngưng trệ do những hạn chế về các hoạt động liên quan đến thương mại được đưa ra trong thời gian dịch bệnh Covid-19.

Cùng với đó, các giám sát viên quốc gia được khuyến khích điều chỉnh hoạt động giám sát theo thực tế và nhạy cảm với rủi ro. Một số đề xuất bao gồm: Hoãn các cuộc kiểm tra tại cơ sở - những nơi không được cho là thiết yếu; tăng cường các cuộc họp trực tuyến, kiểm tra trực tuyến và trì hoãn nghĩa vụ báo cáo.

Trong bối cảnh này, Lực lượng Đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) ra thông điệp nhấn mạnh tầm quan trọng của giám sát dựa trên những nguy cơ tại thời điểm này, nhằm bảo đảm chính quyền sử dụng nguồn tài nguyên một cách khôn ngoan, có hiệu quả.

FATF cũng khuyến khích các tổ chức tài chính và các tổ chức khác sử dụng công nghệ hiện đại, bao gồm công nghệ Fintech (cung cấp dịch vụ tài chính), Regtech (tuân thủ các quy định pháp luật) và Suptech (giám sát của các tổ chức tài chính) ở mức độ tối đa có thể.

Tuy nhiên, nhiều nguy cơ trong các lĩnh vực này vẫn chưa được biết đến đối với cả các tổ chức tài chính và giám sát viên. Thêm vào đó, các chiến lược hạn chế (như giãn cách, phong tỏa…) có thể không được áp dụng đồng đều ở các quốc gia. Do đó, một sự thay đổi đột ngột trong cách tiếp cận có thể kéo theo những nguy cơ bổ sung và cuối cùng, lại tạo điều kiện cho hoạt động rửa tiền.

Nếu những điều chỉnh này không được thực hiện trong sự đánh giá cao về những nguy cơ rộng lớn hơn do đại dịch mang lại, thì việc theo dõi, giám sát dòng tiền cũng như đánh giá tham nhũng sẽ trở nên khó khăn hơn khi khủng hoảng kết thúc.

Ở một góc độ khác, Covid-19 khiến việc tiếp cận thông tin của các tổ chức tài chính và tổ chức đánh giá giám sát bị hạn chế. Việc nới lỏng nhiệm vụ báo cáo, gia hạn thời gian nộp báo cáo của các cơ quan, tổ chức, công ty cũng có thể tác động đến khả năng phát hiện sai phạm của các cơ quan có thẩm quyền, các nhà hoạt động xã hội và phương tiện truyền thông đại chúng.

Sử dụng nguồn lực đúng chỗ, hiệu quả

Một thông cáo mới đây được xuất bản bởi Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, trước đây, việc giải ngân các khoản viện trợ đã kích hoạt dòng tiền đáng kể chảy vào các tài khoản ngân hàng ở nước ngoài. Để ngăn chặn điều này xảy ra với các quỹ dành cho giải quyết dịch Covid-19, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đã kêu gọi các cơ quan đa phương như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), WB, G20 và các quốc gia khác đàm phán các gói cứu trợ khẩn cấp nhằm bảo đảm các quỹ được giải ngân và quản lý một cách minh bạch. Điều này rất cần thiết để có thể giải trình rõ ràng đường đi của dòng tiền khi cuộc khủng hoảng qua đi.

Các quốc gia cần bảo đảm rằng, những biện pháp mà họ thực hiện hiện nay hỗ trợ hiệu quả những nỗ lực chống tội phạm tài chính, rửa tiền và không bỏ qua các rủi ro liên quan đến tham nhũng.

Điều cần thiết là các tổ chức tài chính và cơ quan giám sát có thể kịp thời ngăn chặn những kẻ tội phạm thừa cơ hội làm lợi cho bản thân trong bối cảnh dịch bệnh, bảo vệ công dân khỏi tội phạm trên môi trường mạng Internet và lừa đảo.

Bên cạnh đó, các tổ chức tài chính và các chuyên gia hỗ trợ khác nên để mắt nhiều hơn nữa tới phương pháp tiếp cận rửa tiền "truyền thống", đặc biệt là sử dụng các công ty "vỏ bọc" và các đối tượng khách hàng hay khu vực pháp lý thuộc nhóm có nguy cơ cao.

Hơn lúc nào hết, các trung tâm tài chính toàn cầu nên tăng cường hệ thống hoạt động để bảo đảm sự bí mật về quyền sở hữu công ty, ngân hàng và các lĩnh vực khác không cho phép dẫn tới lạm dụng các nguồn lực cần thiết.

Mặt khác, cần sự hỗ trợ nhiều hơn từ các nền kinh tế tiên tiến cũng như các cơ quan liên Chính phủ, cho các đơn vị tình báo tài chính (FIU) và các cơ quan có thẩm quyền khác có liên quan, ở các nước có ít năng lực hơn. Điều này sẽ giúp các quốc gia nghèo hơn có thể xác định dạng thức và "cắm cờ" cảnh báo nguy hiểm, ngăn dòng tiền bẩn đến hoặc rời khỏi quốc gia của họ.

Tăng cường quan hệ, chia sẻ thông tin giữa các FIU và các cơ quan có thẩm quyền khác cũng rất quan trọng để bảo đảm các nguồn lực được sử dụng đúng và hiệu quả trong thời gian này.

Trong thời gian đặc biệt này, đòi hỏi phải có các biện pháp đặc biệt. Nhưng không nên áp dụng việc nới lỏng, cắt giảm đối với các lĩnh vực quan trọng, như chống tham nhũng, rửa tiền. Nếu hôm nay chúng ta không ngăn chặn dòng tiền bẩn, thì hậu quả hiển hiện trong cả ngắn hạn và dài hạn. Nó ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng cứu sinh, tác động tới nền kinh tế quốc gia, và cuối cùng, dẫn tới sự suy giảm hơn nữa về năng lực thể chế, niềm tin vào Chính phủ vào pháp luật.

Hoài Phương

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Những nhân vật "đình đám" trong cuộc chiến chống tham nhũng năm 2024

Những nhân vật "đình đám" trong cuộc chiến chống tham nhũng năm 2024

(Thanh tra) - Năm 2024 chứng kiến cuộc chiến chống tham nhũng trở nên nóng bỏng trên khắp thế giới, với nhiều nhân vật "đình đám" thống trị mặt báo, được dư luận đặc biệt quan tâm và mang tới những bài học "xương máu" trong việc phòng, chống lại căn bệnh nguy hiểm gây cản trở sự phát triển của xã hội.

Ngọc Anh

06:00 31/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm