Sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Nội chính Trung ương đã thông tin về kết quả cuộc họp.

Lần đầu tiên khởi tố tội tham ô tài sản với chủ doanh nghiệp ngoài Nhà nước

Theo Phó Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng, tại cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đánh giá tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc cơ bản đáp ứng yêu cầu của Ban Chỉ đạo, có vụ vượt kế hoạch đề ra.

Nhiều vụ án, vụ việc được khởi tố mới, mở rộng điều tra, kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm kể cả trong khu vực Nhà nước và ngoài Nhà nước, cả trong lĩnh vực được coi là bí mật, khép kín, cả các vụ, việc tồn đọng, kéo dài.

Các vụ án, vụ việc này thực hiện đúng phương châm “chọn vụ trọng điểm, xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.

Thông tin chi tiết hơn, ông Dũng đề cập 6 đại án điển hình là kết quả nổi bật trong công tác điều tra, xử lý tham nhũng, tiêu cực.

Đầu tiên, là vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á. Theo Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, đây là vụ án điển hình sai phạm trong lĩnh vực y tế, chuyên môn sâu. Cơ quan chức năng đã khởi tố, điều tra 33 vụ án, 133 bị can.

Trong đó, có 3 Ủy viên Trung ương Đảng là bộ trưởng, nguyên bộ trưởng và bí thư tỉnh ủy; 1 thứ trưởng, 1 trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ và nhiều cán bộ cấp vụ, cục, lãnh đạo các tổ chức, cơ sở y tế địa phương.

Đại án thứ 2 xảy ra tại Tập đoàn FLC - điển hình sai phạm trong lĩnh vực thao túng thị trường chứng khoán, chuyên môn sâu, hoạt động khép kín. Trong vụ án này, ông Dũng cho hay, đã khởi tố 21 bị can, đã kết luận điều tra giai đoạn I và đề nghị truy tố.

Thứ ba là vụ án xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh. “Đây là vụ án điển hình sai phạm trong lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp”, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương nói, đến nay đã kết luận điều tra, ban hành cáo trạng truy tố 15 bị can về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Vụ án thứ 4 liên quan đến Công ty AIC - điển hình sai phạm trong đấu thầu, đấu giá.

Với vụ án này, theo ông Dũng, đã khởi tố 04 vụ án, 71 bị can, trong đó đã xử lý hình sự 1 nguyên bí thư tỉnh ủy, 1 nguyên chủ tịch tỉnh và nhiều cán bộ diện tỉnh ủy quản lý.

Đại án thứ 5 là điển hình sai phạm trong lĩnh vực ngân hàng, dùng ngân hàng để làm sân sau cho doanh nghiệp, trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát là vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB.

Trong đại án này, theo ông Dũng, đã khởi tố 3 vụ án, 108 bị can, trong đó có 23 bị can là lãnh đạo cấp vụ, cục, cán bộ các cơ quan thanh tra, kiểm toán, thanh tra giám sát ngân hàng và lãnh đạo thanh tra, ngân hàng một số địa phương.

Sáu là vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm địa phương - điển hình cho sai phạm có tính hệ sau thống, kéo dài. Ông Dũng cho biết, các cơ quan đã khởi tố 114 vụ án/808 bị can tại 49 địa phương.

leftcenterrightdel
 Bị can Trương Mỹ Lan

“Đặc biệt, lần đầu tiên đã khởi tố, điều tra, truy tố tội tham ô tài sản ngay cả đối tượng là chủ doanh nghiệp ngoài Nhà nước là bị can Trương Mỹ Lan và đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB”, theo lời Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương.

Bên cạnh đó, các cơ quan cũng lần đầu tiên điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt cả đối tượng đang bỏ trốn (bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn và một số đồng phạm trong vụ án tại Công ty AIC); tập trung vận động, truy bắt một số đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài.

“Mới đây nhất, hai trong số các đối tượng liên quan đến vụ vụ AIC bị truy nã đã về nước đầu thú là Nguyễn Thị Thu Phương và Đỗ Văn Sơn”, ông Dũng nói.

Tổng Bí thư yêu cầu xem xét xử nghiêm những trường hợp làm chậm, trì trệ

Về xử lý đảng viên vi phạm liên quan các vụ án, lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương nêu thống kê từ đầu nhiệm kỳ XIII đến nay, các cơ quan đã thi hành kỷ luật 97 cán bộ diện Trung ương quản lý (gấp gần 9 lần nhiệm kỳ XI và nhiều hơn 3/4 số cán bộ bị xử lý của cả nhiệm kỳ XII), trong đó, có 8 ủy viên và 11 nguyên ủy viên Trung ương Đảng.

Ông Dũng cũng cho hay, công tác thu hồi tài sản trong các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực.

Từ đầu năm đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản có giá trị trên 232.000 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác; các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được trên 9.000 tỷ đồng, nâng tổng số tiền thu hồi được trong các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đến nay là 75.800 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 49,44%).

“Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã thu hồi được trên 53.800 tỷ đồng, cao gấp 2 lần số tài sản thu hồi được của cả nhiệm kỳ Đại hội XII”, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Đ.X

Đề cập chủ trương sắp tới, ông Dũng cho biết Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan, tránh thất thoát, lãng phí, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án.

Đặc biệt, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất chủ trương phân hóa xử lý các đối tượng vi phạm trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, Tập đoàn FLC theo đúng quy định của pháp luật.

Lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương cũng thông tin, trong kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quán triệt, phòng chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc đấu tranh lâu dài, phải kiên quyết, kiên trì, đẩy mạnh hơn nữa, làm tốt hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa; phải làm triệt để, có hiệu quả.

“Tổng Bí thư yêu cầu xem xét xử lý nghiêm những trường hợp làm chậm, trì trệ, làm cho có ví dụ, bỏ dở giữa chừng, chờ cho hết thời hạn rồi dừng….”, ông Đặng Văn Dũng cho hay.

Hương Giang