Theo Phong vũ biểu Tham nhũng Toàn cầu - khu vực Châu Á vừa được TI công bố, gần 2/3 số người dân Trung Quốc tin rằng, tham nhũng đã giảm ở nước họ trong năm qua, với hơn 80% nói rằng, Chính phủ đã làm rất tốt trong việc chống tham nhũng.

Báo cáo của TI dựa trên khảo sát đối với gần 20.000 người trên 17 quốc gia châu Á, hỏi về nhận thức và trải nghiệm của họ về tham nhũng trong 12 tháng qua.

Kết quả khảo sát cho thấy, gần 1/5 số người được hỏi trên khắp châu Á - tức khoảng 886 triệu người - cho biết đã hối lộ hoặc sử dụng các kết nối cá nhân để truy cập các dịch vụ công. Trong đó, lĩnh vực "nóng" nhất là cảnh sát, tiếp theo là tòa án.

“Đáng ngạc nhiên là trong khi hầu hết công dân coi tham nhũng là một vấn đề lớn ở đất nước của họ, nhưng họ vẫn lên tiếng ủng hộ tích cực cho các hành động đã được thực hiện", báo cáo của TI nhận định.

Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, nhậm chức vào năm 2012, đã cam kết ngăn chặn tham nhũng và sau đó đã phát động một chiến dịch chưa từng có để "đả hổ, diệt ruồi".

Từ chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình đã chứng kiến các cuộc điều tra và trừng phạt hàng triệu quan chức.

Những nỗ lực này trên thực tế không ảnh hưởng nhiều đến vị trí của Trung Quốc trong Chỉ số Cảm nhận tham nhũng toàn cầu của TI. Quốc gia này xếp hạng thứ 80 vào năm 2020 và giữ điểm số ở mức 40/100. Tuy nhiên, chiến dịch dường như đã tạo được cơ sở để phần lớn người dân Trung Quốc, với 84% trong số tham gia khảo sát, nói với TI rằng, Chính phủ của họ đang làm tốt việc giải quyết tham nhũng.

Tại Bắc Kinh, một chủ doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin tên Chen nói với Báo Guardian rằng, ông cảm thấy các quan chức Chính phủ “cư xử tốt hơn nhiều so với trước đây” và tin rằng, những cải tiến đến từ hệ thống báo cáo nội bộ của Chính phủ.

Tuy nhiên, những phát hiện tích cực từ Trung Quốc, cũng như các báo cáo tương tự từ Campuchia và Philippines, lại đi ngược lại xu hướng chung trên toàn châu Á - nơi 66% người dân cho rằng, tham nhũng đã tồi tệ hơn hoặc vẫn giữ nguyên tình trạng.

Gần 3/4 số người được hỏi tin rằng, tham nhũng vẫn là một vấn đề lớn, và chỉ ở Myanmar (50%), Campuchia (30%), một nửa số người được hỏi hoặc ít hơn nghĩ rằng không phải vậy. Những người được hỏi từ Campuchia tin rằng tham nhũng đã giảm, nhưng đây cũng lại là một trong những quốc gia có tỷ lệ hối lộ cao nhất.

Nepal và Thái Lan có tỷ lệ cao nhất số người tin rằng tham nhũng đang gia tăng - lần lượt là 58% và 55%. Ở Thái Lan, đa số người được hỏi - 7/10 - cho biết, họ rất ít hoặc thiếu tin tưởng vào Chính phủ.

Thời gian qua, sự tức giận vì tham nhũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ leo thang gây chấn động Thái Lan diễn ra trong hơn 4 tháng. Các vụ bê bối nổi tiếng - chẳng hạn như vụ xét xử "cậu ấm" của Tập đoàn Red Bull - đã khiến công chúng nhận thức về sự tồn tại miễn trừ trừng phạt đối với những người có quyền lực. Những người biểu tình cho rằng, không ai được đứng trên luật pháp.

Trong số các thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (Asean), Thái Lan bị đánh giá là tồi tệ nhất về lòng tin của người dân đối với các tổ chức như Chính phủ, tòa án và cảnh sát.

Báo cáo của TI cũng cho thấy, 24% người trên 17 quốc gia châu Á từng hối lộ cho biết, họ làm như vậy vì được yêu cầu, trong khi 30% khác tin rằng sẽ không nhận được dịch vụ nếu không sử dụng các kết nối cá nhân.

“Điều này cho thấy rằng, mọi người đang trả hối lộ để tăng tốc các dịch vụ thiết yếu, làm nổi bật tệ quan liêu và bộ máy kém hiệu quả, đồng thời đẩy những người nghèo khó ra phía sau”, báo cáo viết.

Hoài Phương