Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bóng đen tham nhũng và khủng hoảng kinh tế

Thứ ba, 19/01/2021 - 06:38

(Thanh tra)- Sau 10 năm kể từ cuộc cách mạng lật đổ cố Tổng thống Ben Ali, Tunisia đã 9 lần thay đổi Chính phủ. Mặc dù có được thành công trong việc chuyển đổi thành một nền dân chủ, nhưng đất nước này đã bị tàn phá nghiêm trọng bởi tham nhũng và khủng hoảng kinh tế.

Ông Ben Ali và vợ trong lễ kỷ niệm 20 năm nhiệm kỳ Tổng thống của ông, ở Rades, ngoại ô Tunis, ngày 7/11/2007. Ảnh: AP

Bóng đen tham nhũng

Cách đây 10 năm, cuộc nổi dậy đã dẫn đến sự sụp đổ của nhà độc tài Zine Al Abidine Ben Ali - người từng lãnh đạo Tunisia trong hơn 23 năm - được biết đến là sở hữu khối tài sản khổng lồ và cuộc sống vô cùng xa xỉ.

Tại Tunisia, cựu Tổng thống này bị tòa án quân sự kết án vắng mặt với bốn bản án chung thân và phạt 100 triệu USD về tội giết người, lạm quyền, buôn lậu ma túy, tham nhũng và biển thủ công quỹ.

Cũng cách đây 10 năm, ngày 19/1/2011, chính quyền Thụy Sĩ đã áp đặt lệnh đóng băng 10 năm đối với tài sản của Ben Ali và gia tộc của ông trong bối cảnh cuộc điều tra tham nhũng.

Một quan chức (giấu tên) nói với Hãng tin AFP rằng, thời hạn để thu hồi tiền sẽ kết thúc vào nửa đêm 19/1 và các hạn chế sau đó sẽ chấm dứt. Tunisia hiện đứng trước nguy cơ mất hàng trăm triệu USD mà gia đình cựu Tổng thống Ben Ali cất giữ ở các ngân hàng Thụy Sĩ.

Nhóm Chiến dịch Public Eye có trụ sở tại Thụy Sĩ, chuyên điều tra các hành vi vi phạm nhân quyền của các công ty Thụy Sĩ, ước tính, gia đình của Ben Ali và các đồng minh đã chuyển khoảng 320 triệu USD vào các ngân hàng Thụy Sĩ trong những năm trước khi bị lật đổ.

Leila Trabelsi, vợ của Ben Ali cùng anh trai doanh nhân giàu có của bà, Belhassen Trabelsi, nằm trong số 30 đến 50 người thân và cộng sự của ông "có thể nắm giữ tiền", nguồn tin cho biết.

"Chúng tôi liên lạc hàng ngày với các nhà chức trách Thụy Sĩ, nhưng sẽ khó đạt được bất cứ điều gì" trước thời hạn, nguồn tin cho biết thêm.

Phía Thụy Sĩ được cho là đã yêu cầu các tài liệu để chứng minh những khoản tiền thực sự bất hợp pháp trước khi họ có thể trả lại tiền cho Chính phủ Tunisia.

Thụy Sĩ cũng muốn biết tình trạng pháp lý của các thành viên gia tộc Ben Ali, nhiều người trong số họ đã phải đối mặt với lệnh truy nã và xét xử ở Tunisia vì tội tham nhũng, nguồn tin cho biết.

Tuy nhiên, các nhà chức trách Tunisia đã không thu thập được thông tin do bất ổn chính trị ở trong nước - nơi đã có 9 Chính phủ kể từ năm 2011.

Nhật báo Thụy Sĩ Le Temps cho biết, các quan chức Thụy Sĩ đã đề nghị thành lập một cơ quan chung để hỗ trợ những nỗ lực của Tunisia trong việc lấy lại tiền. Nhưng cựu Tổng thống Tunisia Beji Caid Essebsi, người đã qua đời vào năm 2019, lại chủ trương cố gắng thu hồi thông qua các thỏa thuận hòa giải với những thành viên của gia tộc Ben Ali.

Bất ổn chính trị

Có thể thấy, sau cuộc nổi dậy năm 2011, Tunisia đã thành công trong việc chuyển đổi thành một nền dân chủ. Nhưng đất nước này đã bị tàn phá bởi tham nhũng và khủng hoảng kinh tế.

Trong 10 năm qua, quốc gia Bắc Phi này đã có 9 Chính phủ và hầu hết các lần chuyển giao quyền lực đều diễn ra trong hòa bình. Tuy nhiên, kể từ cuộc tổng tuyển cử năm 2019, các tầng lớp chính trị đã bị phân tán sâu sắc và bị tê liệt do mâu thuẫn nội bộ, làm gia tăng sự bất bình về tình trạng kinh tế - vốn ngày càng trở nên khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19.

Cuối tuần qua, Thủ tướng Tunisia Hichem Mechichi đã thông báo về một cuộc cải tổ Nội các lớn, liên quan đến 12 bộ, sau khi một loạt nhân vật cấp cao bị sa thải.

Được biết, việc cải tổ diễn ra tại các bộ: Nội vụ, Môi trường, Y tế, Tư pháp, Công nghiệp, Năng lượng và Nông nghiệp... Các bộ trưởng mới yêu cầu phải đảm bảo về sự liêm chính. Nội các mới sẽ không chấp nhận những người bị tố tụng, hoặc có biểu hiện nghi ngờ về lý lịch và hành vi tiềm ẩn nguy cơ gây suy yếu nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của các thể chế, cũng như tính hợp pháp trong các quyết định của họ.

Trong số những quan chức bị thay thế có cựu Bộ trưởng Môi trường Mustapha Aroui, người đã bị sa thải và bị bắt giữ tháng 12/2020 trong vụ bê bối liên quan đến hàng trăm container rác thải được nhập khẩu trái phép từ Italy. Ông Chiheb Ben Ahmed - Giám đốc Điều hành Trung tâm Xúc tiến Xuất khẩu Tunisia (CEPEX), được đề xuất thay thế vị trí của ông Aroui.

Ngoài ra, Chánh Văn phòng Nội các Walid Dhahbi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Nội vụ, thay cho ông Taoufik Charfeddine - cựu luật sư và là trụ cột trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Saied. Ông Taoufik bị sa thải hồi đầu tháng này do những bê bối liên quan việc thay đổi nhân sự cấp cao do ông thực hiện tại một số cơ quan an ninh.

Biểu tình bạo lực tại nhiều thành phố của Tunisia trong 2 ngày 16, 17/1. Ảnh: Al Jazeera

Biểu tình bạo lực tại nhiều thành phố

1 thập kỷ sau cuộc cách mạng chống lại đói nghèo, tham nhũng và bất công, Tunisia của hiện tại đang bên bờ vực phá sản và các dịch vụ công trong tình trạng tồi tệ.

Cùng với đó, sự tức giận của người dân gia tăng, dẫn tới các cuộc biểu tình gay gắt.

2 ngày cuối tuần qua, bạo loạn và đụng độ bạo lực giữa cảnh sát Tunisia với người biểu tình đã nổ ra ở Thủ đô Tunis và một số thành phố khác.

Theo Reuters, những người biểu tình không đưa ra yêu cầu rõ ràng trong các cuộc xuống đường - mà chính quyền mô tả là bạo loạn - tại ít nhất 10 thành phố của đất nước.

Các nhân chứng ở thành phố Sousse cho biết, lực lượng an ninh đã bắn hơi cay để giải tán hàng trăm người biểu tình tức giận chặn đường và đốt lốp xe.

Các cuộc biểu tình bạo lực cũng diễn ra ở một số khu vực của Thủ đô, bao gồm Ettadamen, Mallassin, Fouchana và Sijoumi.

Ngoài ra còn có các cuộc biểu tình và bạo loạn vào ban đêm ở Kef, Bizerte và Siliana, phía Bắc đất nước...

Người phát ngôn Lực lượng An ninh Nội bộ Walid Hkima cho biết, cảnh sát chống bạo động đã bắt giữ 242 người, chủ yếu là thanh thiếu niên, trẻ em phá hoại tài sản và cố gắng cướp các cửa hàng và ngân hàng.

Các cuộc biểu tình đặt ra một thách thức không nhỏ đối với Chính phủ của Thủ tướng Hichem Mechichi, người đã nỗ lực cải tổ Nội các trong bối cảnh cuộc chiến giành ảnh hưởng chính trị đang diễn ra.

Hoài Phương

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Công tác phòng, chống tham nhũng không “chững lại”, “chùng xuống” mà tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh

Công tác phòng, chống tham nhũng không “chững lại”, “chùng xuống” mà tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh

(Thanh tra) - Đó là chia sẻ của ông Trần Đăng Vinh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) trước thềm Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) - một sự kiện được đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân đặc biệt quan tâm, sẽ diễn ra vào tuần tới.

Ngọc Bích (Thực hiện)

08:30 20/12/2024
Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm