Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thiếu điện và câu chuyện tham nhũng trong ngành Điện

Thứ năm, 29/09/2011 - 14:35

(Thanh tra)- Tham nhũng trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng đã trở thành vấn nạn không chỉ riêng của một quốc gia nào trên thế giới. Lĩnh vực này có những khoản chi tiêu lớn và gồm rất nhiều hạng mục. Trong khi đó, có rất ít nhà thầu đủ năng lực trong một số lĩnh vực đặc thù, dẫn đến sự độc quyền và hạn chế cạnh tranh một cách tự nhiên. Mặt khác, với sự can thiệp có điều tiết của Nhà nước một cách phổ biến, đã tạo ra cơ hội cho các quan chức công cũng như tư có cơ hội tư lợi cá nhân.

Trụ sở chính của TEPCO tại Tokyo (Nhật). Ảnh: Reuters

Điện là một ngành đặc thù, đầu tư lớn đồng thời có nhiều hạng mục mà chỉ có người trong ngành Điện mới hiểu được là lý do thuyết phục rằng ngành này có… tham nhũng mà lại rất ít người đề cập tới nó. Ngành Điện được cơ cấu bởi 3 hoạt động kỹ thuật riêng biệt: Phát điện, truyền tải điện qua hệ thống đường dây và hoạt động bán điện qua hệ thống phân phối điện tới người dân. Bài viết này không đề cập tới các dạng tham nhũng được xem là vặt có quan hệ giữa nhân viên ngành Điện và người tiêu dùng như ăn cắp điện, thất thoát điện do có sự thông đồng hay sự sách nhiễu của cán bộ ngành Điện.

Không chỉ riêng ở Việt Nam mà ở nhiều quốc gia trên thế giới, các hoạt động phát điện, truyền tải điện do các công ty (Cty) Nhà nước độc quyền nắm giữ và quản lý theo ngành dọc. Dù muốn dù không thì Nhà nước sử dụng các Cty này để theo đuổi các mục tiêu chính trị, xã hội và kinh tế. Điều này làm mất đi tính thương mại của các Cty, tạo ra một cơ chế độc quyền đặc thù; đồng thời giảm đi trách nhiệm giải trình cùng với cơ chế giám sát lỏng lẻo là một môi trường tốt cho tham nhũng hoạt động.

Tham nhũng trong ngành Điện được xem là mối hiểm họa tràn lan bởi nó ảnh hưởng tới cả mục tiêu ngắn hạn: Cung cấp không đủ năng lượng cho nền kinh tế. Đồng thời, ảnh hưởng đến mục tiêu dài hạn: Các công trình đầu tư với số vốn vô cùng lớn đã không mang lại nhiều hiệu quả như kỳ vọng, điều này làm cho nền kinh tế bị ảnh hưởng…

Thiếu điện - Một dạng của tham nhũng

Để người đọc dễ hình dung, chúng tôi đưa ra trường hợp của Tổng Cty Điện lực Tokyo (TEPCO). Chắc ai cũng nhớ thảm họa động đất và sóng thần cách đây chưa lâu tại Nhật Bản. Thảm họa này đồng thời đưa nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima vào tình thế nguy hiểm. Tình trạng thiếu điện được ban bố khẩn cấp và có thể cắt điện luân phiên trong thời gian ngắn. Đối với một quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào nguồn điện như Nhật Bản thì đây cũng được xem là thảm họa! Tuy nhiên, tất cả đã trở lại bình thường và việc cắt điện đã không xảy ra.

Tham nhũng trong ngành Điện được xem là mối hiểm họa tràn lan bởi nó ảnh hưởng tới cả mục tiêu ngắn hạn: Cung cấp không đủ năng lượng cho nền kinh tế. Đồng thời, ảnh hưởng đến mục tiêu dài hạn: Các công trình đầu tư với số vốn vô cùng lớn đã không mang lại nhiều hiệu quả như kỳ vọng, điều này làm cho nền kinh tế bị ảnh hưởng…

Đem thắc mắc về chuyện TEPCO lấy đâu ra nhiều điện để cung cấp cho Tokyo với một giáo sư chuyên nghiên cứu về chính sách, ông cho biết: Thực ra, nhu cầu tiêu thụ điện của người dân cũng như trong sản xuất ở Nhật Bản đều được tính toán một cách khoa học và xác định được lượng cầu điện tối đa và tối thiểu giữa các mùa dùng nhiều điện trong năm. Thường, khi lượng cầu đạt tối đa thì cảnh báo thiếu điện được đưa ra. Tuy nhiên, mức đầu tư của TEPCO đã cao hơn để đưa ra lượng cung điện cao hơn mức cầu tối đa. Bởi vậy, Tokyo không bao giờ thiếu điện. Hàng ngày, trên bản tin của các chuyến tàu ngầm vẫn hiển thị một thông báo về việc hiện nay Tokyo dùng bao nhiêu điện; cách ngưỡng không an toàn về thiếu điện bao nhiêu triệu KW.

Một câu hỏi được đặt ra là: Tại sao những quốc gia đang phát triển như Việt Nam lại luôn thiếu điện? Phải chăng, các nhà dự báo đã “tiết kiệm” trong quá trình thực hiện công việc này? Các Cty điện lực luôn đối mặt với tình trạng lập kế hoạch đầu tư không phù hợp, thiếu vốn hay năng lực của những người hoạch định chính sách điện có vấn đề?

Như đã nêu ở trên, dự án (D.A) điện là D.A cần thực hiện trong một thời gian dài, vốn lớn và quá trình thu hồi vốn chậm. Với một quyết định đầu tư trong ngắn hạn sẽ có lợi hơn đầu tư trong dài hạn. Cái lợi này càng rõ hơn với một quan chức khi còn đương chức. Theo một số thuật ngữ, đây được gọi là gặt lúa non trong đầu tư cho ngành Điện. Và, trong khi chờ cho tình trạng thiếu điện xảy ra, các quan chức ngành Điện đã có rất nhiều chuyện để làm đối với D.A ngắn hạn này.

Cũng trong thời gian ngắn hạn này, việc cố tình ước tính thiếu nhu cầu tiêu thụ điện sẽ dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung trong tương lai. Đây là lý do xác đáng để thực hiện 2 công việc cần làm ngay: Mua điện bên ngoài và thành lập các nhà sản xuất điện độc lập (IPP).

Mua điện bên ngoài

Việc mua điện bên ngoài để hòa vào nguồn điện lưới quốc gia trong tình trạng “thiếu điện trầm trọng” sẽ tìm ra được các nguồn điện có giá bán đắt. Lúc này, việc thao túng quá trình thanh toán được thực hiện. Đây cũng có thể là một trong những lý do mà trong thời gian qua, rất nhiều Cty điện lực tư nhân không bán được điện cho Cty điện lực Nhà nước. Có thể, người viết không hiểu nhiều về lý do kỹ thuật, tuy nhiên, căn nguyên vẫn thuộc về việc chi phối lợi ích khi mà Cty điện lực quốc gia vẫn nắm giữ cả việc sản xuất và phân phối điện năng. Như vậy, khi mà Cty truyền tải điện năng và Cty mua bán điện chưa tách khỏi Tập đoàn Điện lực thì việc mua bán điện giữa các Cty sản xuất tư nhân càng đơn giản bao nhiêu, càng khó bán bấy nhiêu. Chính vì vậy, hợp đồng mua bán điện giữa IPP và Cty mua bán điện thường rất lớn và khá phức tạp. Các hợp đồng này trở thành hợp đồng đặc thù của một số ít chuyên gia. Việc sử dụng thông tin về hợp đồng này trở nên khó khăn.

Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới (Albouy & Bousby 1998), các IPP thường xuyên thổi phồng giá cung cấp cho Cty điện lực công ích và các hợp đồng thường được ký theo mức công suất sản xuất vượt quá nhu cầu. Còn Chính phủ buộc phải mua theo giá thỏa thuận hoặc đề nghị Chính phủ tăng giá điện theo yêu cầu của ngành Điện. Một điều đơn giản: Việc mua bán điện không như mua bán hàng hóa khác. Điện không thể lưu giữ được trong chai như mua bán nước. Vấn đề tham nhũng sẽ thực sự là một cám dỗ nếu không có chính sách minh bạch về điện.

Thành lập các IPP

Chưa bao giờ các nhà máy điện, thủy điện lại được xây dựng và thành lập nhiều ở các nước Đông Nam Á như những năm vừa qua. Tràn lan và nhiều như Việt Nam được xem là điển hình. Đây có thể xem là tình huống khủng hoảng của thiếu điện để tạo ra việc xây dựng các IPP. Việc đánh giá lại hiệu quả của các nhà máy điện này cần phải có thời gian. Tuy nhiên, nhà nhà bán điện cho tổng Cty điện lực quốc gia và người người bán điện cho tổng Cty điện lực cũng bởi hầu hết các IPP đều do gia đình thân thích và bạn bè của các quan chức đóng góp cổ phần với hình thức cho vay. Cty sẽ hoàn trả tiền vay với tiền lãi cổ phần. Về bản chất, đây là hình thức “lại quả” phổ biến tại Indonesia vào những năm 2000 (Ngân hàng Thế giới: Tham nhũng trong ngành Điện - Thảm họa tràn lan).

Câu chuyện về thiếu điện chỉ là góc rất nhỏ trong bài toán tham nhũng trong ngành Điện trên thế giới. Với cơ sở của nguyên tắc thương mại là, những gì bán ra được phải cân đong đo đếm được: Điện năng được sản xuất, được đo và đếm truyền đến mạng lưới cao thế qua trạm biến thế và đi vào đường dây phân phối. Việc đo điện năng nhận được và bán ra là điểm xuất phát đầu tiên của vấn đề. Tuy nhiên, không phải Cty điện lực nào cũng có hệ thống theo dõi và báo cáo đáng tin cậy.

Nhà máy điện hạt nhân bị phá hủy sau thảm họa động đất, sóng thần tháng 3/2011


Giải pháp
nào?

Sẽ không có một giải pháp nào là tối ưu nếu vẫn còn tình trạng độc quyền trong ngành Điện. Tuy nhiên, khi mà chúng ta vẫn đang chấp nhận sự độc quyền đó, để giảm thiểu sự tham nhũng trong ngành kinh doanh đặc thù này, thiết nghĩ:

Chính phủ cần chấp nhận vấn đề thực tại và phải xác định nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng: Chúng ta phải có một đánh giá khách quan và sự thừa nhận rằng, có tham nhũng trong ngành Điện. Để rồi, từ đó có một quyết tâm chính trị rõ ràng: Chúng ta cần một nền công nghiệp điện thực sự “sạch”.

Xây dựng một khối đoàn kết để có sự tham gia của xã hội dân sự. Mọi D.A về điện phải có sự tham gia ý kiến của các bên liên quan và bị ảnh hưởng bởi D.A này. Việc xả nước gây lụt ở Phú Yên và ngăn nước khiến các vùng đồng bằng lân cận bị thiếu nước là câu chuyện về quy hoạch chung của ngành Điện nhưng là thiệt hại riêng của mỗi người nông dân!

Cải thiện quy trình kinh doanh.

Tăng cường thể chế và trách nhiệm giải trình.

Riêng đối với ngành Điện, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải cải thiện quy trình kinh doanh. Đồng thời, tăng cường cơ chế trách nhiệm giải trình với việc tách riêng cơ chế điều tiết độc lập và chức năng thương mại. Tất nhiên, việc hình thành cơ chế điều tiết độc lập đồng nghĩa với việc trao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm điều tiết. Và, Chính phủ sẵn sàng ủng hộ quyết định điều tiết mặc dù quyết định này đôi khi bất lợi về mặt chính trị.

Ngoài ra, kiểm toán điện năng, kiểm toán tài chính cũng là công việc thường xuyên phải thực hiện.

Tài liu tham khảo:

- Tham nhũng trong ngành Điện - Thảm họa tràn lan; Ngân hàng Thế giới, năm 2008.

- Hợp tác công tư; Ngân hàng Phát triển châu Á, năm 2009.

Dương Hồng Thành

(Trường Quản trị Công, Đại học Meiji, Tokyo, Nhật)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Những nhân vật "đình đám" trong cuộc chiến chống tham nhũng năm 2024

Những nhân vật "đình đám" trong cuộc chiến chống tham nhũng năm 2024

(Thanh tra) - Năm 2024 chứng kiến cuộc chiến chống tham nhũng trở nên nóng bỏng trên khắp thế giới, với nhiều nhân vật "đình đám" thống trị mặt báo, được dư luận đặc biệt quan tâm và mang tới những bài học "xương máu" trong việc phòng, chống lại căn bệnh nguy hiểm gây cản trở sự phát triển của xã hội.

Ngọc Anh

06:00 31/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm