Quảng Ninh là địa phương có tuyến biên giới đường bộ, đường biển tiếp giáp với Trung Quốc dài, địa hình phức tạp. Để kiểm soát địa bàn, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm…

Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, thời gian qua tình hình buôn lậu, vận chuyển hàng hóa qua các đường mòn biên giới cơ bản đã được kiểm soát ổn định, chặt chẽ; không để hình thành của các “điểm nóng”, đường dây, tụ điểm buôn bán, vận chuyển, chứa chấp hàng lậu quy mô lớn trên địa bàn tỉnh.

Trong 10 tháng năm 2023, các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 2.357 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; trị giá hàng hóa vi phạm trên 20 tỷ đồng.

Trong đó, có 507 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực thuế nội địa, tiền phạt vi phạm hành chính gần 84 tỷ đồng, truy thu thuế bổ sung hơn 154 tỷ đồng. Các lực lượng chức năng đã xử lý hình sự 32 vụ, 43 đối tượng (bằng về số vụ, giảm 2,3% về đối tượng so với cùng kỳ năm 2022); xử lý vi phạm hành chính 2.119 trường hợp; tiền bán thanh lý hàng tịch thu và xử phạt vi phạm hành chính hơn 22 tỷ đồng.

Mặc dù, công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại đã được kiểm soát chặt chẽ; tuy nhiên, theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh, việc vận chuyển hàng lậu, gian lận thương mại vẫn còn diễn ra với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh.

Điển hình, tại các tuyến biên giới đường bộ trong tỉnh vẫn còn xảy ra hoạt động vận chuyển trái phép qua biên giới một số mặt hàng tiêu dùng, thủy sản, các sản phẩm từ thịt lợn, hàng tiêu dùng của cư dân biên giới...

Đặc biệt, qua kiểm tra, đấu tranh và kiểm soát địa bàn cho thấy, trong những tháng gần đây, tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép pháo, gia cầm giống, các sản phẩm nội tạng thịt lợn bị có dấu hiệu gia tăng…

Trên tuyến đường biển, các đối tượng lợi dụng bờ biển dài, địa hình phức tạp, nhiều luồng lạch, tận dụng không gian và thời gian, thường xuyên thay đổi địa bàn, phương thức hoạt động, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác ngăn chặn, bắt giữ.

Trong nội địa, vẫn còn tồn tại tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc... Các mặt hàng vi phạm chủ yếu là bánh kẹo, quần áo, giày dép, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em, thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử, các sản phẩm thuốc lá điện tử, khí N2O (khí cười)…

Trước tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng giả, hàng cấm có chiều hướng diễn biến phức tạp trên tất cả các tuyến, lĩnh vực, địa bàn, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu các lực lượng chức năng, ban chỉ đạo 389 các địa phương tăng cường thực hiện hiệu quả kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa.

Đồng thời, chấn chỉnh, xử lý các hành vi tiêu cực liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới đất liền.

Qua đó, yêu cầu các đơn vị xây dựng chương trình, kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm vi phạm hành chính đối với hàng hóa là những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết, nhất là pháo nổ, pháo hoa các loại; không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, nhằm góp phần đảm bảo ổn định thị trường, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến cộng đồng, doanh nghiệp và người dân nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, không tham gia, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, tích cực tố giác tội phạm với các cơ quan chức năng.

Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh, mặc dù công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại đã được các ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ, nhưng vẫn còn tồn tại những hạn chế, khó khăn trong quá trình thực hiện.

Nguyên nhân là do, nguồn lực của các lực lượng chức năng khu vực biên giới, vùng biển còn hạn chế; các đối tượng lợi dụng triệt để địa hình tuyến biên giới trên bộ, trên biển phức tạp và hoạt động vào thời gian ban đêm, khó phát hiện bắt giữ.

Cùng với đó, các đối tượng tận dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện hành vi vi phạm, trong khi đó các quy định của pháp luật điều chỉnh còn chưa theo kịp sự phát triển của loại hình này; một số chế tài quy định xử phạt hành chính trong một số lĩnh vực chưa đủ sức răn đe… 

Trọng Tài