Sự cố hỏng hóc thang máy ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe của người dân

Thời gian qua, trên địa bàn cả nước, sự cố hỏng hóc thang máy tại một số tòa nhà chung cư cao tầng, nhà ở riêng lẻ gây nhiều ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe của người dân.

Cụ thể, ngày 26/8 vừa qua, tại một tòa nhà chung cư thuộc Dự án Tòa nhà hỗn hợp dịch vụ văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở HH Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội), do Doanh nghiệp Tư nhân Xây dựng số 1 Điện Biên (thuộc Tập đoàn Mường Thanh) làm chủ đầu tư, đã xảy ra sự cố thang máy rơi tự do 18 tầng khiến cư dân bàng hoàng. Sáng cùng ngày, thang máy còn xảy ra sự cố, suýt kẹp vào người dân...

Hay ngày 24/8, tại tòa nhà số 269 - 271 Quan Nhân, quận Thanh Xuân, Hà Nội, 9 người bị mắc kẹt trong thang máy, lực lượng Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ, Công an quận Thanh Xuân đã phải huy động 17 cán bộ, chiến sĩ đến giải cứu, cả 9 người bị mắc kẹt đều thoát nạn an toàn.

Trước đó, ngày 6/9/2023, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ, Công an quận Tây Hồ phải sử dụng các biện pháp cứu nạn, cứu hộ mở cửa thang máy đưa 5 người bị mắc kẹt ra ngoài an toàn tại tòa nhà số 11 ngõ 67/12, Tô Ngọc Vân, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Không may mắn như những nạn nhân của các sự cố kể trên, vào ngày 22/5/2022, một tòa nhà tại ngõ 523 Kim Mã, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội, thang máy gặp sự cố rơi từ tầng 6 xuống đất làm 2 người đàn ông tử vong. Cũng trên địa bàn quận Ba Đình, vào ngày 22/10/2021, một cô gái bị tử vong khi cố tìm cách thoát khỏi thang máy bị kẹt và rơi theo hầm thang từ tầng 7 xuống tầng 1.

Theo chị Phạm Thị Thúy, cư dân sinh sống tại một tòa chung cư HH Linh Đàm chia sẻ, thang máy tại khu chung cư hôm gặp sự cố, trước đó đã có thời điểm phải dừng hoạt động để sửa chữa với các lỗi như: Thang máy rơi tự do nhiều tầng, treo thang lơ lửng giữa 2 tầng, cửa thang không đóng lại được hoặc đóng không kín các tầng... Không ai có thể chắc chắn rằng những sự việc tương tự mang đến hậu quả thương tâm hoặc làm sang chấn tâm lý của người dân như vậy sẽ không còn tiếp diễn.

Thang máy là một trong những thiết bị di chuyển an toàn

Về vấn đề thang máy có thực sự đảm bảo an toàn cho người sử dụng, ông Nguyễn Cao Giáp - CEO GHT Group, một trong số đơn vị lắp đặt thang máy cho rằng, tai nạn thang máy đang gây chú ý với nhiều sự cố đáng tiếc, khiến nhiều người lo ngại về an toàn.

Tuy nhiên, thang máy thực chất là một trong những thiết bị di chuyển an toàn nhất, nhờ vào các tiêu chuẩn khắt khe và công nghệ hiện đại.

Thang máy hiện đại được trang bị phanh khẩn cấp, cảm biến cửa, và hệ thống cứu hộ tự động khi mất điện, giúp giảm thiểu nguy cơ sự cố và bảo vệ tối đa cho người dùng.

Xét về thống kê, tai nạn thang máy rất hiếm gặp, nếu được giám sát và tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn an toàn và bảo trì thường xuyên.

leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Cao Giáp - CEO GHT Group. Ảnh: T.T

Mặc dù thang máy có độ an toàn cao, nhưng không thể tránh khỏi một số sự cố như thang máy bị kẹt, bị mất điện đột ngột, thang bị rơi tự do... Khi gặp phải những sự cố nêu trên, người sử dụng nên giữ bình tĩnh và không tự ý cố mở cửa mà hãy sử dụng nút báo động hoặc gọi cứu trợ.

Về trách nhiệm đối với các sự cố thang máy, CEO GHT Group nhấn mạnh: “Phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan”.

Nếu sự cố xảy ra do động đất, lũ lụt, chủ sở hữu thường sẽ là người chịu trách nhiệm. Ngược lại, trong trường hợp thang máy bị hỏng do lỗi kỹ thuật hoặc bảo trì kém, công ty cung cấp hoặc đơn vị bảo trì sẽ phải chịu trách nhiệm chính.

Đáng chú ý, các hành vi sai trái của người sử dụng như quá tải, nghịch phá thiết bị có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng và người gây ra sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Để đảm bảo an toàn, việc tuân thủ quy định về bảo trì định kỳ và sử dụng thang máy đúng cách là vô cùng quan trọng.

Xem xét trách nhiệm của chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng công trình nếu xảy ra sự cố

Về vấn đề ai là người chịu trách nhiệm khi xảy ra tai nạn thang máy, luật sư Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH Hồng Bách và cộng sự cho rằng, căn cứ Điều 605 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác. Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường”.

Theo đó, khi xảy ra tai nạn thang máy, các chủ thể sau có thể phải chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại là: Chủ sở hữu (chủ đầu tư) nhà chung cư; ban quản trị nhà chung cư; đơn vị thi công, bảo dưỡng công trình xây dựng.

leftcenterrightdel
Luật sư Nguyễn Hồng Bách. Ảnh: T.T

Căn cứ Điều 32 Thông tư 05/2024/TT-BXD, chủ sở hữu (chủ đầu tư) công trình có trách nhiệm bảo trì nhà chung cư như sau:

Chủ sở hữu (chủ đầu tư) nhà chung cư có trách nhiệm bảo trì phần sở hữu riêng, đóng góp kinh phí để thực hiện bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư.

Trường hợp có hư hỏng phần sở hữu chung trong khu vực thuộc sở hữu riêng thì chủ sở hữu phần sở hữu riêng có trách nhiệm tạo điều kiện, hỗ trợ cho các đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư, thi công sửa chữa các hư hỏng này.

Căn cứ Điều 147, Điều 148 Luật Nhà ở năm 2023 quy định về quyền và trách nhiệm của ban quản trị nhà chung cư.

Ban quản trị nhà chung cư là một pháp nhân, với tư cách là người được giao quản lý công trình xây dựng đồng thời được giao quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì, bảo dưỡng mà chủ đầu tư và cư dân đã đóng góp mà để công trình xây dựng hư hỏng, gây thiệt hại cho người khác thì ban quản trị phải bồi thường.

Theo điểm c khoản 1 Điều 148 Luật Nhà ở 2323 quy định trách nhiệm của ban quản trị nhà chung cư, ban quản trị nhà chung cư có trách nhiệm:

“Ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư với chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở hoặc đơn vị có chức năng, năng lực quản lý vận hành nhà chung cư sau khi đã được hội nghị nhà chung cư lựa chọn theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 145 của Luật này.

Trường hợp nhà chung cư không yêu cầu phải có đơn vị quản lý vận hành theo quy định tại khoản 1 Điều 149 của luật này, được hội nghị nhà chung cư giao cho ban quản trị nhà chung cư thực hiện quản lý, vận hành thì ban quản trị nhà chung cư thực hiện việc thu, chi kinh phí quản lý vận hành theo quyết định của hội nghị nhà chung cư”.

Như vậy, trong trường hợp này, nếu đơn vị bảo trì có lỗi trong việc thang máy hư hỏng thì đơn vị bảo trì phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại.

Ngoài ra, không ngoại trừ trường hợp tai nạn thang máy do lỗi của người bị thiệt hại làm hư hỏng thì theo khoản 4 Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015 về nguyên tắc bồi thường thiệt hại người bị thiệt hại sẽ không nhận được bồi thường về phần do mình gây ra, luật sư Nguyễn Hồng Bách cho biết thêm.

Thanh Thanh