Để cải thiện, Hà Giang đã xác định đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân là một trong những giải pháp quan trọng nhằm phòng, chống nạn buôn bán người.

Nạn nhân từ sự kém hiểu biết

Bộ luật Hình sự hiện hành đã có những quy định cũng như hình thức xử phạt đối với tội danh mua bán người cũng như tiếp tay cho đối tượng buôn bán người. Tuy nhiên, do nhận thức của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế trong việc tiếp nhận cũng như hiểu rõ những quy định pháp luật nên đã tham gia vào những đường dây mua bán người trái phép. Cùng với đó, các nạn nhân cũng không biết về những quy định về luật buôn bán người cũng như những quy định về vượt biên trái phép nên đã không có sự cảnh giác để bảo vệ mình, người thân.

Địa bàn biên giới tỉnh Hà Giang là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, mặc dù điều kiện cuộc sống và trình độ dân trí nhìn chung đã được cải thiện nhiều, nhưng do canh tác nông nghiệp khó khăn, thiếu việc làm nên người dân vẫn tìm cách vượt biên sang Trung Quốc làm thuê kiếm sống.

Theo thống kê, trong giai đoạn 2018 - 2021, lực lượng công an, biên phòng tỉnh Hà Giang đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp nhận 72 trường hợp nghi là nạn nhân bị mua bán do công an Trung Quốc trao trả. Tiếp nhận, xác minh 119 trường hợp nghi là nạn nhân bị mua bán, gồm: 72 trường hợp do công an Trung Quốc trao trả, 26 trường hợp tự trở về địa phương đến công an khai báo, 21 trường hợp được các cơ quan chức năng giải cứu. Kết quả, đã xác định có 58 người là nạn nhân bị mua bán...

Mới đây, tại thôn Hồ Sáo Chải, xã Chí Cà, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang, Cục Phòng, chống ma túy và Tội phạm phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai và Hà Giang, triệt phá thành công đường dây mua bán người; bắt giữ 3 đối tượng, giải cứu 1 nạn nhân. Đây là đường dây dụ dỗ, lừa gạt phụ nữ, nhất là những phụ nữ người dân tộc Mông có hoàn cảnh khó khăn từ Lào Cai, Hà Giang bán sang Trung Quốc. Các đối tượng hoạt động tinh vi, chuyên nghiệp, tổ chức chặt chẽ giữa các đối tượng ở nội địa, đối tượng ở khu vực biên giới và đối tượng ở Trung Quốc.

Thủ đoạn của chúng là giả vờ yêu rồi rủ rê nạn nhân sang Trung Quốc để có cuộc sống sung sướng. Sau đó, các đối tượng đưa nạn nhân đi nhà nghỉ, ăn uống, thăm người thân ở những địa bàn xa xôi, hẻo lánh thuộc tỉnh Lào Cai, Hà Giang để tạo lòng tin, đồng thời làm cho họ không nhớ đường.

Đáng chú ý, rất nhiều người trong đường dây mua bán người là người dân tộc thiểu số. Họ làm theo lời chỉ dẫn của các đối tượng cầm đầu, về thôn bản của mình đề dụ dỗ bạn bè, người thân. Những việc làm đó, hầu hết họ chỉ mới nghĩ đến cái lợi trước mắt là cầm những đồng tiền từ các đối tượng đưa chứ nhiều người trong số họ khi khai với công an không hiểu là vi phạm pháp luật và bị xử lý hình sự.

Là một trong những nạn nhân được Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang giải cứu vào cuối tháng 7/2022, chị Vàng Thị Ch. (sinh năm 1987, trú tại huyện Đồng Văn) kể lại: “Được người quen giới thiệu sang Trung Quốc làm việc với thu nhập cao, tôi tưởng sẽ “đổi đời”. Nhưng khi vừa đặt chân qua biên giới, tôi đã bị bán làm vợ cho một người đàn ông Trung Quốc”.

Tương tự, chị Sùng Thị X. (sinh năm 2002, dân tộc Mông, ở huyện Đồng Văn) cho biết, tháng 3/2020, cũng vì nhẹ dạ, cả tin mà chị bị kẻ xấu rủ rê sang Trung Quốc với chiêu trò “việc nhẹ, lương cao”. Khi sang đến nơi, chị X. mới biết mình bị bán làm vợ. Hơn 1 năm sau, chị tìm cách thoát về Việt Nam rồi trình báo Đồn Biên phòng Xín Cái.

Hầu hết nạn nhân sau khi được giải cứu hay tìm cách trở về nhà đều bày tỏ cảm xúc sợ hãi và thấy mình may mắn thì đã thoát khỏi được những tên buôn bán người. Họ đều nói rằng sẽ không bao giờ để mình trở thành nạn nhân lần thứ 2.

“Tôi vô cùng sợ hãi và sẽ không đi theo người lạ nữa. Tôi cũng sẽ chia sẻ điều này với các em trong bản để các em không còn nghĩ đến những điều tốt đẹp ở một nơi mà mình chưa hề hay biết gì” - chị Sùng Thị X. nói.

leftcenterrightdel
Nhận thức được nâng cao thì đời sống người dân sẽ được cải thiện và tránh được những hệ lụy cho mình 

Đẩy mạnh tuyên truyền

Trước thực trạng buôn bán người ngày càng tinh vi, huyện Xín Mần nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó rất chú trọng công tác tuyên truyền đến đồng bào ở nhiều vùng sâu vùng xa. Thực tế cho thấy, phụ nữ và trẻ em dễ sa vào cạm bẫy của các đối tượng buôn người do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do hạn chế về nhận thức.

Tùy vào đối tượng mà bọn tội phạm sử dụng thủ đoạn khác nhau. Đối với người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, hiểu biết về pháp luật hạn chế, chúng thường dùng thủ đoạn hứa tìm việc làm với mức lương cao để dụ dỗ, đưa nạn nhân sang bên kia biên giới bán cho "đối tác" nhằm thực hiện hành vi bóc lột sức lao động, cưỡng ép hôn nhân...

Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân là một trong những giải pháp quan trọng được Công an tỉnh Hà Giang thực hiện nhằm phòng, chống nạn buôn bán người. Khắc phục hạn chế trong thời gian qua như việc tuyên truyền có nơi còn mang tính phong trào, thời vụ, công tác giáo dục, phổ biến pháp luật còn dàn trải… thì thời gian gần đây, Công an tỉnh Hà Giang đã tập trung tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm với nhiều hình thức, nội dung thiết thực. Nội dung tuyên truyền bổ ích, tập trung vào biện pháp, kỹ năng xử lý các nguy cơ bị xâm hại, bị lừa bán hay cách thức nhận biết âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng mua bán người...

Một học sinh của trường THCS ở Xín Mần cho biết: “Tuy sinh sống ở khu vực gần biên giới nhưng em cũng như nhiều bạn chưa hiểu biết về nạn mua bán người, xâm hại trẻ em. Nhờ được công an tuyên truyền về các thủ đoạn tinh vi của bọn buôn người cũng như đọc được nhiều sách báo về những hiểm họa khi nghe lời người lạ nên bản thân cũng như các bạn thấy rất sợ và sẽ luôn cảnh giác”.

Ngoài khuôn khổ các trường học, thời gian qua, Công an tỉnh Hà Giang cũng đã phối hợp với các xã, đặc biệt là những xã vùng sâu, vùng xa, biên giới nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng nhà dân.

Chị Nguyễn Thị Thơi, ở thôn Bản Lý, xã Du Tiến, huyện Yên Minh, chia sẻ: “Do nhận thức của bà con còn hạn chế nên ở địa phương vẫn xảy ra tình trạng một số người bị mua bán hoặc tiếp tay cho nạn buôn bán người. Được các lực lượng tuyên truyền, trang bị kỹ năng về phòng, chống mua bán người, chúng tôi từng bước nâng cao nhận thức, quan tâm đến vấn đề này để nhắc nhở con cháu”.

Lãnh đạo UBND xã Du Tiến cho biết: “Nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, đấu tranh với tội phạm mua bán người, xã đã triển khai nhiều hình thức sinh động, như kết hợp tuyên truyền trong các buổi họp của thôn, thành lập tổ tuyên truyền phổ biến pháp luật và xây dựng kế hoạch tuyên truyền đến từng hộ dân...

Ngoài ra, chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động cho, nhận con nuôi, kết hôn có yếu tố nước ngoài, các ngành nghề kinh doanh có điều kiện... nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các vụ việc mua bán người. Bên cạnh đó, xã chú trọng hỗ trợ tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân...”.

Cuộc sống khó khăn, thiếu việc làm của bộ phận không nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa của Hà Giang là một trong những nguyên nhân chính khiến tình trạng mua bán người vẫn còn tồn tại. Vì vậy việc nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người dân là yêu cầu cấp thiết và cần phải quyết liệt hơn nữa. Chỉ có khi đời sống ổn định, trình độ hiểu biết được nâng cao thì đồng bào mới có thể yên tâm sản xuất, không nghe theo những lời xúi giục, lôi kéo của các đối tượng buôn bán người.

Hải Minh