4. Trong quản lý, sử dụng tài sản công

a) Tiếp tục thực hiện nghiêm Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và các văn bản hướng dẫn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công và khai thác hợp lý nguồn lực từ tài sản công theo Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 10/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý, khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai, tài sản nhà nước, tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

b) Tổ chức rà soát, sắp xếp lại tài sản công, đặc biệt là đối với các cơ sở nhà, đất theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP về sắp xếp lại, xử lý tài sản công, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị nghị số 167/2017/NĐ-CP , bảo đảm tài sản công sử dụng đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức theo chế độ quy định và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ; kiên quyết thu hồi các tài sản sử dụng sai đối tượng, sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức; tổ chức xử lý tài sản đúng pháp luật, công khai, minh bạch, không để lãng phí, thất thoát tài sản công. Thực hiện nghiêm quy định pháp luật về đấu giá khi bán, chuyển nhượng tài sản công; xử lý nghiêm các sai phạm.

c) Thực hiện mua sắm tài sản theo đúng tiêu chuẩn, định mức và chế độ quy định đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch. Hạn chế mua xe ô tô công và trang thiết bị đắt tiền; thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ về khoán xe công, tổ chức sắp xếp, xử lý xe ô tô đảm bảo tiêu chuẩn, định mức theo đúng Nghị định số 04/2019/NĐ-CP ngày 11/01/2019 của Chính phủ quy định về định mức sử dụng xe ô tô.

d) Tăng cường khai thác nguồn lực tài chính từ kết cấu hạ tầng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và các văn bản hướng dẫn; tổ chức thực hiện đầu tư, bảo trì, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng bảo đảm công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật về đấu thầu, đấu giá; số thu từ cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng và số thu từ khai thác quỹ đất, mặt nước phải nộp vào ngân sách Nhà nước và được ưu tiên bố trí trong dự toán chi ngân sách Nhà nước cho mục đích đầu tư và phát triển theo quy định của pháp luật.

đ) Quản lý chặt chẽ việc sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, kinh doanh, liên doanh, liên kết. Chỉ sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, kinh doanh, liên doanh, liên kết trong các trường hợp được pháp luật quy định, có Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phải đảm bảo theo các yêu cầu quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và văn bản hướng dẫn nhằm phát huy công suất và hiệu quả sử dụng tài sản; kiên quyết chấm dứt, thu hồi tài sản công sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định.

e) Thực hiện xử lý kịp thời tài sản của các dự án sử dụng vốn Nhà nước sau khi dự án kết thúc theo đúng quy định của pháp luật, tránh làm thất thoát, lãng phí tài sản.

5. Trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên

a) Quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng, phát huy nguồn lực kinh tế, tài chính từ đất đai cho phát triển kinh tế. Tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật Đất đai, quy hoạch sử dụng đất và các văn bản quy phạm pháp luật về sử dụng đất. Thực hiện nghiêm việc xử lý, thu hồi các diện tích đất đai, mặt nước sử dụng không đúng quy định của pháp luật, sử dụng đất sai mục đích, sai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, sử dụng lãng phí, kém hiệu quả, bỏ hoang hóa và lấn chiếm đất trái quy định.

b) Thực hiện nghiêm các chủ trương, định hướng trong điều tra, thăm dò, khai thác, chế biến, xuất khẩu khoáng sản theo Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Kiểm soát chặt chẽ việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng; cân đối giữa khai thác và dự trữ khoáng sản, phát triển bền vững công nghiệp khai khoáng gắn với bảo vệ môi trường và đảm bảo quốc phòng, an ninh. Thực hiện nghiêm các quy định về đánh giá tác động môi trường đối với các dự án khai thác khoáng sản. Giám sát chặt chẽ công tác cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác, đóng cửa mỏ khoáng sản. Xử lý nghiêm đối với các trường hợp khai thác vượt công suất, phạm vi khu vực được cấp phép, gây ô nhiễm môi trường.

c) Tiếp tục đẩy mạnh bảo vệ và phát triển rừng, nhất là rừng phòng hộ ven biển, rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng, thực hiện nghiêm việc đóng cửa rừng tự nhiên và các quy định về bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học để đạt tỷ lệ che phủ rừng trên 52%. Không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác trên địa bàn tỉnh (trừ các dự án phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc các dự án phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cần thiết do Thủ tướng Chính phủ quyết định).

d) Tăng cường bảo vệ nguồn nước và bảo vệ hệ sinh thái thủy sinh; khai thác, sử dụng hợp lý và bền vững không gian, mặt nước, tài nguyên thiên nhiên, vị thế của biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

đ) Khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng tiết kiệm năng lượng; đẩy mạnh nghiên cứu và xây dựng các dự án sử dụng công nghệ tái chế nước thải và chất thải; các dự án sử dụng năng lượng gió, năng lượng mặt trời.

e) Xử lý triệt để các cơ sở sử dụng lãng phí năng lượng, tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; kiểm soát chặt chẽ cơ sở tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và các nguồn xả thải; tập trung xử lý rác thải đô thị, nông thôn, nhân rộng mô hình xử lý rác thải hiệu quả, bền vững. Phấn đấu tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom đạt 88%; kiểm soát chặt chẽ các dự án có nguồn thải lớn như: dự án Formosa, nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, nhà máy bia Sài Gòn - Hà Tĩnh... đặc biệt là dự án Formosa. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về thăm dò, khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản.

g) Giảm cường độ năng lượng trong các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế; tiết kiệm năng lượng trở thành hoạt động thường xuyên đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và các ngành kinh tế trọng điểm tiêu thụ nhiều năng lượng. Thực hiện chương trình, đề án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh; tham gia hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất tỉnh Hà Tĩnh; phấn đấu giảm tổn thất điện năng xuống mức thấp nhất.

6. Trong quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách

a) Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp tăng cường quản lý các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách theo quy định tại Nghị quyết số 792/NQ-UBTVQH14 ngày 22/10/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách Nhà nước và Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 27/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý đối với các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách.

b) Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trong quản lý, sử dụng các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách để sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định nhằm đảm bảo đồng bộ, thống nhất và phù hợp với thực tế, hệ thống pháp luật. Nghiên cứu hình thành cơ sở pháp lý thống nhất quản lý các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách để nâng cao hiệu quả trong quản lý và sử dụng quỹ. Ngân sách Nhà nước không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách (hoạt động của tổ chức bộ máy quản lý quỹ tài chính ngoài ngân sách). Trường hợp được ngân sách Nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ theo quy định của pháp luật thì phải phù hợp với khả năng của ngân sách Nhà nước và chỉ thực hiện khi quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách đáp ứng đủ các điều kiện sau: Được thành lập và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật; có khả năng tài chính độc lập; có nguồn thu, nhiệm vụ chi không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách Nhà nước.

c) Thực hiện minh bạch, công khai trong xây dựng, thực hiện kế hoạch tài chính của các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 và các văn bản hướng dẫn.

Anh Tuấn

(Còn nữa)