Nhận diện những thủ đoạn, chiêu bài thâm độc nhằm phá hoại từ bên trong

Các thế lực thù địch, phản động thường lợi dụng các vấn đề về lịch sử, đất đai và cuộc sống khó khăn của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để vu cáo Nhà nước ta "phân biệt đối xử”, “đàn áp người DTTS"… để kích động, lôi kéo người DTTS biểu tình, bạo loạn, xâm phạm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội (TTATXH) ở nước ta; lợi dụng sơ hở, thiếu sót trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, giải quyết khiếu nại tố cáo… ở vùng DTTS để mua chuộc, lôi kéo những phần tử xấu và người DTTS gây mất ổn định an ninh chính trị TTATXH tại địa phương.

Chúng còn lợi dụng sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên để tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phủ nhận thành tựu công cuộc đổi mới nhằm làm cho nhân dân mất niềm tin vào Đảng, vào chính quyền. 

Chúng đánh tráo và đồng nhất khái niệm quyền dân tộc tự quyết là quyền của quốc gia - dân tộc với quyền của các DTTS để tuyên truyền, xuyên tạc nhằm làm cho đồng bào các dân tộc ngộ nhận rằng, quyền dân tộc tự quyết là quyền của riêng đồng bào các DTTS. 

Từ đó, chúng tìm cách kích động, lôi kéo đồng bào dân tộc đòi “quyền dân tộc tự quyết, tự quản”, đòi thành lập nhà nước riêng, thoát ly khỏi sự quản lý của Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc như: “Nhà nước Tin lành Đề-ga” ở Tây Nguyên, “Vương quốc Khmer Krom” ở Tây Nam Bộ, “Nhà nước Mông” ở Tây Bắc, qua đó, nhằm hình thành các tổ chức đối lập với Đảng, Nhà nước ta.

Bên ngoài, các tổ chức người Việt lưu vong như: "Hội người Mông thế giới", "Hội người Thượng Đề-ga"… tích cực móc nối, tài trợ, chỉ đạo số đối tượng trong nước thu hút, tập hợp lực lượng, hình thành nhen nhóm phản động gây mất ổn định chính trị ở địa phương.

Chúng lợi dụng kênh ngoại giao song phương, đa phương, hợp tác quốc tế với Việt Nam để lồng ghép vấn đề “cải thiện dân chủ, nhân quyền” trong các nội dung hợp tác với nước ta; gây sức ép về vấn đề quyền của người DTTS, đòi “quyền dân tộc tự quyết” cho các nhóm DTTS trong quan hệ với Việt Nam. 

Các thế lực thù địch lợi dụng trình độ dân trí thấp, phong tục, tập quán lạc hậu của đồng bào các DTTS để “tôn giáo hóa” các vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa, tập trung vào địa bàn Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Chúng lập ra các tôn giáo riêng cho đồng bào DTTS như "Tin lành Đề-ga" ở Tây Nguyên; "Tin lành của người Mông" ở Tây Bắc, "Phật giáo của người Khmer" ở Tây Nam Bộ… 

Triệt để lợi dụng công nghệ 4.0 để tiến hành các hoạt động phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc ta qua các diễn đàn trên Internet, website, blog, mạng xã hội… đăng tải các bài viết, hình ảnh, video xuyên tạc với cường độ cao, tính chất “đánh lận con đen” nhằm gây chia rẽ nội bộ, sự đồng thuận xã hội và tình cảm giữa các dân tộc.

Một số diễn đàn, như: BBC, RFI, RFA, VOA,… thường đăng tải các bài viết xuyên tạc, vu cáo, chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam. Chúng lợi dụng các phương tiện phát thanh, phát tán tài liệu phản động, thông tin mập mờ để tung tin thất thiệt, sai lệch về đường lối, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta. Từ đó khoét sâu tâm lý ly khai “tự trị” hình thành lực lượng đối lập, phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết vùng miền, đoàn kết lương giáo, đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài với quê hương, đoàn kết quân - dân, đoàn kết Đảng với Nhân dân…

Giải pháp đồng bộ để vô hiệu hóa mọi âm mưu, thủ đoạn

Để đấu tranh với mưu đồ đen tối đó, chúng ta cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ, phù hợp, tính khả thi cao, trước hết cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng giáo dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và liên quan công tác dân tộc, tôn giáo nói riêng.

Đồng thời, phát huy vai trò của các phương tiện thông tin, công nghệ 4.0 trong đấu tranh, phản bác, nhận diện những âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của các thế lực thù địch, phản động nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trên cơ sở đó, đề cao truyền thống đoàn kết, yêu nước, tinh thần cảnh giác cách mạng, trách nhiệm của mỗi công dân đối với cộng đồng, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, sự đồng thuận xã hội, ý thức tự lực, tự cường, chống mọi biểu hiện tư tưởng cực đoan, hẹp hòi, cục bộ… coi đó là yếu tố quan trọng để củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Không ngừng củng cố, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy Quy chế Dân chủ cơ sở, thực hiện hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; kết hợp hài hòa giữa lợi ích cá nhân, tập thể và xã hội; phát huy dân chủ gắn liền với giữ nghiêm kỷ cương, phép nước, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí.

Đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính, đổi mới phong cách, lề lối làm việc, chấn chỉnh thái độ phục vụ Nhân dân; thường xuyên đối thoại, lắng nghe, tiếp thu, tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến chế độ chính sách, nhu cầu đời sống, kinh tế, việc làm, đất đai, môi trường…

Làm tốt công tác dân vận, đổi mới phương pháp vận động, tuyên truyền; huy động sức mạnh tổng hợp, sự đồng thuận cao trong việc triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, phòng, chống dịch bệnh, phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn.

Tăng cường quốc phòng - an ninh, xây dựng nông thôn mới, định canh, định cư, tạo việc làm cho lao động tại chỗ là người DTTS; hướng dẫn đồng bào phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tôn trọng tín ngưỡng truyền thống của đồng bào các dân tộc, vùng giáo dân, bài trừ mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu, tà đạo, đạo lạ…

Phát huy vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể trong việc chăm lo, phát huy và bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân; bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

Thực hiện đúng đắn, hiệu quả, dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các cấp một cách công khai, minh bạch.

Chống kỳ thị dân tộc; nghiêm trị những âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch. Vận động đồng bào các dân tộc phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền, biên giới, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh.

Làm tốt công tác vận động tranh thủ các chức sắc, chức việc trong tôn giáo, người uy tín trong dân tộc để tuyên truyền về âm mưu, phương thức thủ đoạn hoạt động mới của các thế lực thù địch, phản động...

Đại tá Đinh Xuân Thiệp, Phó Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái cho biết, những năm qua, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị của tỉnh trong việc thực hiện công tác dân tộc, tôn giáo, tình hình an ninh chính trị, TTATXH trên địa bàn tỉnh được bảo đảm, đồng bào các dân tộc luôn gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.

Đối với ngành, Công an tỉnh Yên Bái thường xuyên tổ chức triển khai tuyên truyền phổ biến các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo đến các chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo.

Kịp thời thăm hỏi động viên các chức sắc, chức việc, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống sinh hoạt và hoạt động tôn giáo tại địa phương. Từ đó, tác động, đề nghị chức sắc, chức việc các tổ chức tôn giáo tham gia phối hợp với chính quyền cơ sở tuyên truyền, vận động tín đồ sinh hoạt tôn giáo thuần túy, chấp hành các quy định của pháp luật.

Bùi Bình - Hoàng Thanh