Ngày 10/1, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật, gồm: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Việc cho phép chuyển đổi các loại đất không phải đất ở để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại mà không phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án được nhiều đại biểu quan tâm nêu ý kiến, tranh luận.

Vấn đề rất lớn và rất khó

Giải trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhắc tới sự cần thiết sửa luật. Theo ông, luật hiện hành chưa xử lí được bất cập tạo ra sự phân biệt đối xử với các trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất nhưng không phải là đất ở, hoặc không có phần đất ở thì không được chấp thuận chủ trương đầu tư. 

Điều này, vừa gây lãng phí nguồn lực, thiếu hụt nguồn cung, làm giá nhà ở tăng cao, vừa không thống nhất với quy định khác trong Luật Đầu tư. “Theo phản ánh của các địa phương, hiệp hội, hiện đang có nhiều dự án thương mại kiểu này bị ách tắc, trong đó, Hà Nội có 102 dự án, TP HCM 150, Bình Dương 40 dự án…”, ông Dũng thông tin. 

Qua nghe ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng thừa nhận “đây là vấn đề rất lớn và rất khó”. Nếu không xử lý thì sẽ ách tắc, không khơi thông được nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhưng nếu làm không chặt chẽ, thận trọng thì sẽ gây hậu quả. 

“Vấn đề này liên quan đến rất nhiều luật, chính sách về đất đai, xây dựng, đầu tư, cần được nghiên cứu, đánh giá thật cẩn trọng và đầy đủ hơn, đảm bảo chặt chẽ, hài hòa giữa lợi ích nhà nước, nhà đầu tư và người dân”, ông Nguyễn Chí Dũng nói.

Từ đó, Bộ trưởng đề xuất 2 phương án.

Phương án thứ nhất như Chính phủ trình; rà soát lại chặt chẽ quy định chuyển đổi sử dụng đất. 

Phương án 2 là theo đề xuất của Uỷ ban Pháp luật, đó là đề nghị xây dựng đề án thí điểm riêng để áp dụng hình thức sử dụng đất khác mà không phải đất ở để trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 3, tháng 5/2022 với người đang có quyền sử dụng đất, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. 

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. Ảnh: Đ.X

“Quan điểm của Chính phủ là phải cân nhắc, tính toán điều này hết sức cẩn thận”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình thêm và đề nghị các đại biểu cân nhắc, xem xét để tính toán làm thí điểm.

Lo “phong trào gom đất”, khiếu kiện “càng nóng”

Trước khi 2 bộ trưởng giải trình, đại biểu Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (đoàn Đắk Lắk) cho rằng việc sửa đổi theo đề xuất của Chính phủ chỉ giúp tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư, chủ dự án. Trong khi, nếu đấu giá, đấu thầu thì giá trị địa tô mang lại cho Nhà nước rất lớn. 

“Đấu giá 1ha đất ở Thủ Thiêm mang lại cho ngân sách Nhà nước 24.500 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD). Nếu diện tích này, không đấu thầu, nhà đầu tư nộp tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thử tính 100 triệu đồng 1m2, thì chỉ thu được 1.000 tỷ đồng, chưa bằng số lẻ của đấu giá”, ông Thành dẫn chứng.

Thêm vào đó, theo ông Thành, với nội dung sửa đổi như đề xuất, “chắc chắn dẫn đến phong trào gom đất”, giá đất bị đẩy lên cao, làm phát sinh nhiều hệ lụy.

“Giá đất bị đẩy lên cao thì công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đã khó càng khó. Khiếu nại, tố cáo trong đất đai sẽ càng tăng, càng nóng nhiều hơn. Vì nguyên nhân sâu xa dẫn đến khiếu nại tố cáo, khó khăn giải phóng mặt bằng chủ yếu là chênh lệch giá bồi thường với giá trên thực tế”, ông Thành nói và đề nghị, chưa nên sửa đổi như Chính phủ đề xuất.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội). Ảnh: Đ.X

Đồng tình, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, việc sửa đổi như Chính phủ đề xuất sẽ gây ra tình trạng thất thoát vì chủ đầu tư chỉ cần trả tiền theo quy định.

“Dù có chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở giữa bờ Hồ hoặc TP HCM trên đường Nguyễn Huệ cũng chỉ phải trả tiền đất 312 triệu/m2. Như vậy, rõ ràng ở đây sẽ tạo ra một sự thất thoát rất lớn về nguồn lực cho Nhà nước. Vì vậy, tôi cho rằng phải hết sức cân nhắc”, ông Cường nói.

Phải gỡ nút thắt, hút nguồn lực cho phát triển

Tranh luận lại, từ điểm cầu Tây Ninh, đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) nhận định, nếu so sánh giữa giá trị thu được từ chuyển mục đích sử dụng đất với đấu giá thì “đúng là có chênh lệch lớn”, thế nhưng ở đây vấn đề lại khác.

Theo đại biểu, đất được chuyển đổi để xây dựng nhà ở thương mại là đất đã có quyền sử dụng hợp pháp và là đất của chính nhà đầu tư nhà ở thương mại. “Căn cứ pháp luật nào để Nhà nước có thể thu hồi đem đấu giá? Rồi nếu người trúng đấu giá là người khác lại xây dựng nhà ở thương mại trên đất của họ”, đại biểu nêu.

Ông Hậu cũng cho rằng, bất cập trong Luật Đầu tư 2020 nằm ở chỗ: Giả sử có 2 khu đất kề nhau, khu A có 1m2 đất ở thì được phép chuyển đổi mục đích để xây nhà thương mại, trong khi khu B không có mét vuông nào thì không được chuyển đổi. Ngoài ra, quy định hiện hành còn tạo ra câu chuyện “con gà, quả trứng”. Đó là, nếu muốn có chủ trương đầu tư thì phải có quyền sử dụng đất ở, còn nếu muốn có quyền sử dụng đất ở thì phải có chủ trương đầu tư.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh phiên thảo luận về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật. Ảnh: Đ.X

“Sửa như dự thảo là hợp lý, hợp tình và hợp thực tiễn. Nó sẽ tháo gỡ được nút thắt hiện nay trong quá trình phát triển nhà ở thương mại, thu hút được nguồn lực xã hội cho sự phát triển lĩnh vực này. Khi các nhà ở thương mại phát triển tạo nên các khu tập trung dân cư mới sẽ kéo theo sự phát triển thương mại, dịch vụ, thay đổi bộ mặt đô thị, Nhà nước và xã hội sẽ thu được nhiều giá trị, có những giá trị không thể tính được bằng tiền. Tôi tin rằng giá trị ấy lớn hơn nhiều so với chênh lệch địa tô mà các đại biểu lo lắng là Nhà nước mất”, ông Hậu phân tích.

Tranh luận với đại biểu Hậu, ông Nguyễn Minh Đức (đoàn TP HCM) nói, thực tế không có lô đất nào chỉ có 1m2 đất ở. Trong khi, tờ trình của Chính phủ chưa làm rõ những tác động để tránh tình trạng “thu gom” đất nông nghiệp hoặc các loại đất khác không phải đất ở.

“Nếu chúng ta không thận trọng vấn đề này sẽ dẫn đến hậu quả về khiếu nại, khiếu kiện, thậm chí khiếu nại, khiếu kiện đông người - nguy cơ cho vấn đề an ninh trật tự”, ông Đức đề nghị Quốc hội xem xét rất thận trọng.

Theo nghị trình, Quốc hội sẽ bấm nút thông qua dự thảo luật sửa đổi, bổ sung 8 luật vào chiều 11/1.

Phá thế độc quyền của Nhà nước về truyền tải điện

Một vấn đề nữa được nhiều đại biểu quan tâm là việc sửa đổi Luật Điện lực, cho phép tư nhân tham gia đầu tư đường dây truyền tải điện.

Bà Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách nhận định, dự thảo luật chưa phân định cụ thể giữa phạm vi độc quyền và không độc quyền, nên có thể dẫn tới tuỳ tiện trong áp dụng.

leftcenterrightdel
Bà Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách. Ảnh: Đ.X 

Vì vậy, bà đề nghị phân định rõ lưới điện truyền tải nào thành phần kinh tế tư nhân có thể tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành; loại nào do Nhà nước quy hoạch và giao EVN thực hiện.

Chung quan điểm, đại biểu Vũ Huy Khánh (đoàn Bình Dương) cũng đề nghị sửa quy định cho tư nhân tham gia đầu tư truyền tải điện theo hướng Nhà nước không độc quyền. Song việc này phải có kiểm soát và vận hành truyền tải điện trong những trường hợp có nguy cơ, tác động ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hệ thống truyền tải điện, kể cả các công trình đó do các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước đầu tư, xây dựng.

Ngoài ra, bà Mai cũng lo ngại việc tư nhân hoá có thể tác động đến giá điện, khiến giá điện có thể rất cao. Vì vậy, cần có đánh giá tác động, tránh ảnh hưởng đến người tiêu dùng. “Từ chính sách, chủ trương đến cuộc sống là cả một khoảng cách, và để pháp luật thực sự đi vào cuộc sống thì rất cần thiết có quy định cụ thể, kín kẽ, đảm bảo hiệu quả quản lý”, bà nhấn mạnh.

Giải trình, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, ở lần sửa này Chính phủ đề nghị phá thế độc quyền của Nhà nước về truyền tải điện. Còn để thể chế hoá Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về phát triển năng lượng thì còn nhiều việc phải làm. Hiện, Bộ Công Thương đang đề xuất sửa đổi Luật Điện lực, dự kiến trình Quốc hội xem xét, thảo luận ở kỳ họp tháng 5/2022.

Hương Giang