Mặc đồ dân sự, có hơi men khi làm nhiệm vụ?

Ông Đinh Minh Đệ (trú thôn Tân Tiến, xã Yên Hoá, huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình) và người thân cho biết, hiện đang rất bức xúc với hành vi đánh người của 3 Công an xã Yên Hoá (lực lượng Công an chính quy bố trí về xã).

leftcenterrightdel
Hiện trường nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: Lê Phương 

Người nhà ông Đinh Minh Đệ phản ánh: Vào khoảng 20 giờ ngày 1/7/2020, ông Đệ đi thả lưới ở hồ Cha Rơm (hồ thuộc thôn Tân Tiến, xã Yên Hoá do anh em ông Đệ thầu lại của xã để bảo vệ khai thác), có mang theo một máy kích điện. Trong lúc đang thả lưới thì có 3 người lạ chạy xe máy đến quát nạt và doạ lấy súng bắn. Lúc đó đêm tối và bất ngờ nên ông Đệ không nhận ra ai, sự việc gì nên vẫn thả lưới xong mới lên bờ. Khi vừa vào bờ thì bị  3 người xông đến đánh tới tấp vào mặt, vừa đánh vừa dìm xuống nước khiến ông Đệ bị kiệt sức.

Trong lúc xảy ra sự việc, nhiều người dân ở gần đó đã nghe lời qua tiếng lại nên đến xem thì phát hiện 3 người thuộc lực lượng Công an xã Yên Hoá. Trong đó xác định được ông Đinh Quốc Vương - Trưởng Công an xã Yên Hoá, ông Đinh Nhật Anh, Công an viên và một người chưa rõ tên. Ông Cao Xuân Lệ - Công an viên thôn Tân Tiến xác nhận có vụ việc xảy ra.

Khi nhận được thông tin của người dân báo, ông Lệ lập tức đến hiện trường thì đã thấy ở đó có rất đông người. Trong đó có lãnh đạo Công an huyện và một số người thuộc lực lượng Công an huyện đã có mặt.

“Sau đó 30 phút thì ông Lâm, Trưởng Công an huyện cũng có mặt. Khi tìm hiểu thì họ nói là do kích cá nên gây đánh nhau. Phía người nhà ông Đệ yêu cầu công an viên lập biên bản nhưng ông Đinh Xích Thắng, Phó trưởng Công an huyện nói bây giờ có cơ quan điều tra về đây rồi thì để công an làm. Nhưng người dân vẫn yêu cầu nên tôi lập biên bản hồ sơ ban đầu về vụ việc, sau đó bàn giao cho Công an huyện. Tại đó tôi thấy ông Đinh Minh Đệ bị chảy máu mũi, mặt bị tím bầm. Còn ông Vương thì cho biết khi hai người đi cùng đưa ông Đệ lên bờ một đoạn thì bị một số người đánh khiến ông Vương cũng bị thương ở mũi”, ông Lệ nói.

Chị Đinh Thị Tình trú cùng thôn Tân Tiến cho biết: “Hôm đấy tôi cũng đi bắt ốc gần đó nên chứng kiến rõ sự việc. Ban đầu là 2 người mặc quần đùi, áo cộc tay đi đến nhưng tôi không biết ai, họ quát và bảo anh Đệ lên. Nhưng đang mắc lưới nên anh Đệ chưa lên được thì có một người nói nếu không lên là bắn. Sau đó thấy giằng co và anh Đệ kêu bị bóp cổ và bị đấm. Tôi hoảng quá tiến đến thì nhận ra ông Vương là Công an xã Yên Hoá, vì ông Vương từng đến nhà tôi. Khi đó nhìn thấy mặt anh Đệ bị chảy máu, mắt thâm. Tôi liền gọi vợ con anh Đệ ra và một số người nữa đến để can ngăn”.

Còn anh Đinh Ngọc Hoàng, nhà ở ngay cạnh hồ cũng bức xúc cho biết: “Tối đó tôi nghe tiếng kêu nên tôi chạy ra và dọi đèn thì thấy hai người còng tay ông Đệ còn một người dùng tay đấm vào mặt ông, lúc đó mặt ông đầy máu, tôi vào can và xin họ nhưng họ không thả ra”.

Bà Đinh Thị Quang ở cùng thôn Tân Tiến nói: “Hôm đó tôi đi tắm gần đó và nghe quát đi lên, đi lên, nên tôi nghĩ là ai bắt trộm cá ở hồ, một lúc sau tôi đến đó thì thấy hai người họ kẹp cổ ông Đệ nên tôi hô lên là sao đi trộm cá của ông Đệ mà còn đánh người? Nhưng lúc đó thì có mấy người đến trước nói là công an. Lúc đó thấy mặt ông Đệ be bét máu”.

Người dân cũng phản ánh khi xảy ra vụ việc họ ngửi có mùi rượu và nghi vấn 3 công an đó có sử dụng rượu bia dẫn đến lệch chuẩn khi thực hiện nhiệm vụ, người dân đề nghị đo nồng độ cồn 3 người này nhưng phía Công an huyện không thực hiện, mặc dù có đầy đủ thành phần, kể cả lực lượng cảnh sát giao thông?

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Ông Đinh Minh Đệ bị đánh mạnh vào vùng mặt, bước đầu bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế chẩn đoán bị gãy xương chính mũi; vỡ xương sọ và xương mặt. Ảnh: Lê Phương 

 

Và những lời giải thích mâu thuẫn của Trưởng Công an huyện?

Để xác minh thực hư thông tin mà người dân phản ánh, phóng viên đã liên hệ hẹn lịch làm việc với lãnh đạo Công an huyện Minh Hoá. Tuy nhiên ông Cao Ngọc Lâm - Trưởng Công an huyện này đã từ chối gặp mà không rõ lý do? Trao đổi qua điện thoại, Trưởng Công an huyện xác nhận có sự việc xảy ra. Ông Cao Ngọc Lâm cho rằng: Tối đó là công an thực hiện nhiệm vụ tuần tra ban đêm phát hiện người sử dụng xung kích điện đánh cá và đã yêu cầu giao nộp. Trong khi khống chế đã xảy ra thương tích nên đã đưa cả hai người bị thương đi cấp cứu điều trị. Vụ việc được Công an viên, Công an huyện và Viện Kiểm sát tham gia từ đầu ghi nhận lại để xem xét xử lý sau này.

Đưa ý kiến người dân thắc mắc 3 người được cho là Công an xã đi làm nhiệm vụ nhưng lại mặc đồ dân sự như thế có đúng quy định không, thì ông Lâm khẳng định như thế là đảm bảo đúng quy định của ngành? “Trong cả công tác nắm tình hình, tuần tra địa bàn, có những trường hợp công an sẽ tuần tra theo hình thức công khai. Có những khi đêm hôm nắm tình hình thì nhiều khi cũng hoá trang mặc thường phục nên cái đó là đúng quy định. Đặc biệt đối với đấu tranh ma tuý, các trường hợp có dấu hiệu sai phạm cần phải mật phục tìm hiểu thì thường anh em mặc áo quần thường phục. Còn những trường hợp tuần tra kiểm soát công cộng, tuần tra giao thông hoặc kiểm tra hành chính thì có kế hoạch công khai và mặc quân phục”.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel

Ông Đệ điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế. Ảnh: Lê Phương 

Trao đổi về việc hôm đó, trước khi thực hiện nhiệm vụ lực lượng Công an xã Yên Hoá có báo cáo với lãnh đạo Công an huyện không thì ông Lâm không trả lời trực tiếp câu hỏi của phóng viên: “Cái đó thì hiện nay đồng chí Trưởng Công an xã đang bị thương, các nội dung làm việc với Công an xã thì có đồng chí Phó Công an xã và đồng chí công an viên đang thực hiện việc báo cáo. Trước mắt về thẩm quyền để tổ chức lực lượng tuần tra kiểm soát thì cứ biết như vậy đã”.

Về nghi vấn 3 công an đó có sử dụng rượu bia dẫn đến lệch chuẩn khi thực hiện nhiệm vụ, ông Lâm lại một lần nữa trả lời có những mâu thuẫn khó hiểu: “Cái đó có một số ý kiến phản ánh và yêu cầu. Nhưng vì đây là cán bộ của công an do đó để cho đồng chí công an viên bán chuyên trách ghi nhận hồ sơ ban đầu, đưa đi lên viện và tôi có đề nghị lên ở bệnh viện thực hiện xem xét về nồng độ cồn, bệnh viện người ta có điều kiện để đo. Do dân có ý kiến nếu lấy máy đo của cảnh sát giao thông thì không khách quan. Khi lên viện thì người ta có ghi chép vấn đề này”.

Tuy nhiên, kiểm tra hồ sơ bệnh án của ông Đinh Quốc Vương ở Bệnh viện Đa khoa huyện Minh Hoá, thì mục xét nghiệm, đo nồng độ cồn không có. Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Minh Hoá, ông Đinh Viễn Anh cho biết: “Khi nhập viện bệnh nhân khai thương tích do bị đánh. Bệnh viện chỉ thực hiện nhiệm vụ sơ cấp cứu kịp thời, đảm bảo an toàn tính mạng cho bệnh nhân. Còn việc đo nồng độ cồn thì không thực hiện vì không có ai đề xuất”.

Như vậy, việc xét nghiệm, đo nồng độ cồn đối với 3 người Công an xã nói trên theo đề xuất của người dân bị bỏ qua? Lý do vì sao? Lẽ nào ông Cao Ngọc Lâm, người đứng đầu lực lượng Công an huyện Minh Hoá lại quên khi đề xuất của người dân được ghi vào biên bản và ông từng hứa trước đó chưa lâu?

CTV Lê Phương