Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bà Phấn “rút ruột” 6.000 tỷ đồng Ngân hàng Đại Tín thế nào?

Thứ bảy, 17/09/2016 - 10:32

(Thanh tra)- Cơ quan điều tra đã xác định bà Hứa Thị Phấn (người sở hữu 84,92% cổ phần Ngân hàng Đại Tín), cùng nhóm Phú Mỹ thông qua Ngân hàng Đại Tín đã chiếm giữ và sử dụng một phần tiền trong tổng số 9.444 tỷ đồng dư nợ gốc của nhóm Phương Trang.

Bà Hứa Thị Phấn là người có quyền và nghĩa vụ liên quan, trong những ngày đầu tại tòa, nay đã bị khởi tố.

Theo biên bản đối chiếu nợ vay của Ngân hàng Xây dựng (tiền thân của NH Đại Tín) và Cty Phương Trang ngày 18.12.2014 có sự giám sát của Thanh tra Ngân hàng (NH) Nhà nước, và biên bản làm việc giữa hai bên ngày 19.10.2015, Phương Trang đều xác nhận NH Đại Tín chỉ giải ngân 3.436 tỷ đồng cho đơn vị này, như vậy số tiền bà Hứa Thị Phấn và nhóm Phú  Mỹ đã chiếm và sử dụng là hơn 6.000 tỷ đồng.

Lợi dụng hợp đồng mua bán trái phiếu chiếm dụng 2000 tỷ đồng

Trong phiên tòa sơ thẩm Phạm Công Danh và 35 bị cáo, gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng (NH) Xây Dựng, Phan Thành Mai- nguyên Tổng giám đốc NH Xây Dựng (tiền thân là NH Đại Tín) đã khai: trước thời điểm 6/2013 trong quá trình rà soát hồ sơ NH, thấy có khoản 2000 tỷ đồng tiền trái phiếu của Cty Trường Vỹ (Công ty thành viên của Phương Trang) và Phương Trang là doanh nghiệp đầu tư trái phiếu này. Tuy nhiên, người chịu trách nhiệm trả nợ lại là nhóm Phú Mỹ, bà Hứa Thị Phấn đã ký.   

Khoản tiền này chính là khoản tiền NH Đại Tín mua bán trái phiếu (năm 2010), mà bên phát hành trái phiếu là Cty Trường Vỹ, với 2.000 trái phiếu, đương với 2.000 tỷ đồng. Sau khi Cty Trường Vỹ hoàn tất hồ sơ đầy đủ, theo đúng quy định thì NH Đại Tín phải giải ngân cho Cty Trường Vỹ. Tuy nhiên NH Đại Tín đã không thực hiện theo đúng khế ước đã ký, mà số tiền  2.000 tỷ đồng này lại được bà Hứa Thị Phấn dùng thủ đoạn giải ngân cho nhóm của mình (nhóm Phú Mỹ)

Trước cơ quan điều tra bà Phấn cũng đã thừa nhận, nhóm Phú Mỹ đã sử dụng khoản tiền 2.000 tỷ đồng này vào những việc như, nộp tiền vào tài khoản các cá nhân và Cty thuộc nhóm Phú Mỹ:125.400.000.000 đồng, tất toán gốc và lãi các khoản vay của nhóm Phú Mỹ: 802.619.746.276 đồng, trả lãi trái phiếu Trường Vỹ: 79.222.222.222 đồng, tổng số tiền nhóm Phú Mỹ sử dụng là: 1.625.431.400.000 đồng.

Điều đáng nói, khi Cty Trường Vỹ không nhận được bất kỳ khoản tiền nào từ 2.000 tỷ đồng trái phiếu, thì việc Trường Vỹ đóng lãi trái phiếu là không có thật, chứng tỏ bà Phấn lợi dụng hợp đồng mua bán trái phiếu của doanh nghiệp này rồi dùng thủ đoạn để  rút ruột NH. Tại buổi đối chiếu công nợ  ngày 18/12/2014 giữa Cty Phương Trang với  NH Xây Dựng (gốc là NH Đại Tín) có chứng kiến của cơ quan Thanh tra NH Nhà nước, Cty này đã xác nhận, Cty Trường Vỹ không nhận bất kỳ một đồng tiền nào từ hợp đồng mua bán trái phiếu. Chính vì thế nên NH Đại Tín đã trả cho Phương Trang quyền sử dụng đất dự án  289 Trần Hưng Đạo, Q.1 là tài sản thế chấp. Nhưng tài sản còn lại là thửa đất 721 diện tích 69.5804m2 tại xã Phúc Tân, Bình Chánh của Công ty Trường Vỹ đến nay vẫn bị NH Đại Tín chiếm dụng chưa trả.

  Giả chữ ký, ghi nợ khống

Trước tòa, ông Phan Thành Mai đã khai: Từ tháng 10 - 12/2013 trong hồ sơ, có đầy đủ các biên bản làm việc giữa NH và Cty Phương Trang có NH Nhà nước giám sát, nhóm Phương Trang đã đưa ra các chứng cứ, các hồ sơ trong quá trình vay và chuyển tiền thì nhóm Phương Trang bị giả mạo giấy tờ, giả mạo chữ ký và không nhận được các khoản tiền đầy đủ, các hồ sơ này có lưu lại NH và có chữ ký, xác nhận của NH Nhà nước.

Theo hồ sơ tại NH Đại Tín, năm 2010 Công ty Phương Trang có làm thủ tục vay vốn tại đây, với 47 hồ sơ vay và 1 khoản mua bán trái phiếu doanh nghiệp là Cty Trường Vỹ nói trên. Với tổng số tiền được NH Đại Tín ghi là 9.437 tỷ đồng, trong đó  có 7.437 tỷ đồng là tiền vay và 2.000 tỷ đồng từ trái phiếu doanh nghiệp. Tài sản đảm bảo cho số tiền vay theo NH Đại Tín định giá là 14.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế khoản nợ này đã bị bà Phấn và lãnh đạo NH Đại Tín đã dùng các thủ đoạn kê khống  lên hơn 6.000 tỷ đồng (trong đó có tiền trái phiếu).

Được biết, đại diện Phương Trang đã khẳng định, họ không có bất cứ mối quan hệ vay mượn hay hợp tác làm ăn nào với bà Hứa Thị Phấn và nhóm Phú Mỹ như bà Phấn đã trình bày với cơ quan điều tra,  và bà Phấn cũng không đưa ra được chứng từ vày mượn nào và sau khi sự việc này xảy ra, Phương Trang đã có đơn tố cáo nhóm bà Phấn gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công An…

Ngoài ra  Phương Trang còn xin được trả nợ khoản tiền khoảng 3.400 tỷ đồng này, để giải chấp khối tài sản 14.500 tỷ đồng, cùng với nhiều phương án có sự chứng kiến của NH Nhà nước.

Câu hỏi đặt ra là 6.000 tỷ  ấy được rút khỏi NH thế nào? Bà Phấn một mình không thể rút tiền, nếu như không có chữ ký  của ông Hoàng Văn Toàn- nguyên Chủ tịch HĐQT NH Đại Tín?. Ngoài ông Toàn, bà Phấn phải có nhiều chân rết trong NH Đại Tín nhưng chính bà Phấn là chủ mưu chỉ đạo, cấu kết với một số cán bộ chủ chốt, dùng thủ đoạn để rút ruột NH. Đó là nguyên nhân khiến khiến NH Đại Tín âm vốn, mất thanh khoản. Ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của người dân vào hệ thống NH cũng như làm hàng trăm cổ đông của NH Đại Tín bị mất trắng

Lan Minh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm