Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nhức nhối những công trình đánh cắp bờ biển của cộng đồng

Thứ sáu, 04/05/2018 - 07:52

(Thanh tra)- Nếu như khách sạn Hương Biển, hay đã có tên mới là Seashells, vẫn nằm chình ình tại bờ biển khu trung tâm huyện Phú Quốc, và dự kiến sẽ cắt băng khánh thành trong tháng 5/2018, thì đây là câu hỏi đánh đố người dân về sự nghiêm minh của pháp luật. Tiền lệ xấu này sẽ làm không gian biển và hành lang bảo vệ bờ biển tại tỉnh Kiên Giang tiếp tục bị lấn chiếm.

Bờ biển khu vực Dinh Cậu là bãi tắm truyền thống của nhân dân địa phương với không gian biển hài hòa. Ảnh: GT

Theo các báo cáo của UBND tỉnh Kiên Giang thì cử tri huyện Phú Quốc đã kiến nghị quản lý các bãi biển đúng quy định pháp luật. Tại thời điểm tháng 12/2015, UBND tỉnh Kiên Giang đã giải trình với cử tri là hành lang bảo vệ bờ biển đối với tất cả các dự án là 50m. Các dự án có bãi biển theo quy hoạch được duyệt đều phải bố trí các quảng trường biển công cộng, các trục đường kết nối từ các trục đường chính xuống biển tại các vị trí trong dự án có quy mô chiếm đất với diện tích lớn, cũng như tại ranh giới giữa hai dự án có chiều dài mặt biển lớn để phục vụ cho cộng đồng.

Ngoài ra, UBND huyện Phú Quốc cũng tiến hành lập quy hoạch tuyến đường đi bộ ven biển thuộc khu phức hợp Bãi Trường để đảm bảo quỹ đất để bố trí khu dịch vụ công cộng, công viên, quảng trường, bãi tắm công cộng để phục vụ dân cư, khách du lịch. Về trách nhiệm quản lý, UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo UBND huyện Phú Quốc, Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc kiểm tra, xử lý các dự án có vi phạm hành lang bảo vệ bờ biển.

Để bảo đảm mục đích phát triển bền vững, ngày 8/7/2015, Chủ tịch nước đã ký Lệnh số 10/2015/L-CTN, công bố Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo số 82/2015/QH13, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016, riêng quy định tại Khoản 1 Điều 79 được áp dụng từ thời điểm 8/7/2015. Khoản 1 Điều 79 đã quy định, kể từ ngày 8/5/2015 phải giữ nguyên hiện trạng, không được phép đầu tư, xây dựng mới công trình trong phạm vi 100m tính từ đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm về phía đất liền hoặc về phía trong đảo.

Nhưng từ kiến nghị của Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế đảo Phú Quốc là không cần thực hiện Khoản 1 Điều 79 tại bờ biển của Phú Quốc, ngày 14/10/2006, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng đã chỉ đạo không đưa 20 khu vực biển vào danh mục phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển. Ngay sau khi văn bản chỉ đạo này được công bố, hàng loạt khách sạn, biệt thự biển đã được thi công ồ ạt trên phạm vi toàn đảo Phú Quốc như không hề biết đến quy định hành lang bảo vệ bờ biển 100m. Hâu quả là hành lang bờ biển và không gian biển là tài sản của cộng đồng đã và đang bị nhiều công trình xây dựng đủ hình, đủ dạng vô tư chiếm dụng.

Khi báo chí vào cuộc và dư luận phản ứng dữ dội, với đỉnh điểm là công trình khách sạn hình con tàu cao 8 tầng, được xây dựng trên đất quy hoạch là công viên biển, có nguồn gốc là tài sản của Tỉnh ủy Kiên Giang, nhưng đã thay tên đổi chủ thành tài sản của Cty Cổ phần Du lịch Phú Quốc, với hơn 90% vốn góp do Tập đoàn Trần Thái của ông Trần Minh Chí làm đại diện pháp luật. Dù chỉ có quy mô 250 phòng, với vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng nhưng công trình này lại là điểm đen vi phạm hành lang biển, lấn chiếm hầu như cả không gian của di tích văn hóa tâm linh Dinh Cậu, che lấp gần hết tầm nhìn ra biển của Huyện ủy Phú Quốc.

Khách sạn hình con tàu cao 8 tầng, đã phá nát bờ biển, phá vỡ không gian tâm linh của khu trung tâm Phú Quốc. Ảnh: GT

Điều đáng ngại là tại Văn bản số 938/UBND-KTTH do ông Huỳnh Vĩnh Lạc, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang ký ngày 20/6/2017, với dấu hỏa tốc, gửi Báo Thanh tra, lại nêu lên một thực trạng đáng lo của chính sách pháp luật biển đảo tại Kiên Giang nói chung và huyện Phú Quốc nói riêng. Đó là trách nhiệm quản lý Nhà nước đã được Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang "đá ngược" lên cho Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khi khẳng định rằng: Quyết định số 487/QĐ-BTNMT ngày 10/3/2016 của  Bộ Tài nguyên và Môi trường về công bố Danh mục các điểm có giá trị đặc trưng mực nước triều của vùng ven biển Việt Nam và ban hành Hướng dẫn kỹ thuật xác định đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm, đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm, đã không có các số liệu các đảo trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, kể cả đảo Phú Quốc.

Ngang nhiên lấn biển

Nếu đọc kỹ các văn bản pháp lý liên quan đến khách sạn hình con tàu đã đổi tên thành Seashells, mà dự kiến sẽ khai trương trong nay mai, thì các quan chức làm quy hoạch sẽ giật mình về khoảng cách quá gần bờ biển khi khoảng lùi xây dựng so với kè biển hiện hữu chỉ có 3m. Hay nói khác hơn công trình này đã có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng hành lang bảo vệ bờ biển dù là 50m hoặc 100m tùy theo cách hiểu của cơ quan chức năng.

Vì đoạn đầu khu vực biển của quy hoạch 818ha thị trấn Dương Đông đã bị lấn chiếm nên dọc tuyến đường Trần Hưng Đạo chạy dài xuống đến ngã 3 sân bay quốc tế Phú Quốc, đã có thêm hàng trăm công trình xây dựng kiên cố, thậm chí có cả khách sạn 5 sao ngang nhiên chiếm toàn bộ không gian biển, với hàng chục hạng mục xây dựng thò ra, thụt vào trong hành lang bảo vệ biển. Điều khó hiểu là diện tích đất cho hàng trăm công trình này mọc lên vẫn là đất trồng cây lâu năm vì thực tế toàn bộ dải đất ven biển của thị trấn Dương Đông và đoạn đường Trần Hưng Đạo nối dài đều chưa được chuyển đổi thành đất chuyên dùng để phục vụ khách sạn, nhà nghỉ, quán nhậu. Đây là cơ sở quan trọng để cơ quan quản lý Nhà nước có thể quyết tâm đập bỏ toàn bộ các công trình xây dựng này mà không bồi thường nếu vận dụng công tâm, khách quan quy định pháp luật về đất đai, xây dựng, hành lang bảo vệ biển để trả lại bờ biển, trả lại không gian biển cho cộng đồng.

Đây cũng là một trong nhiều nội dung kết luận tại buổi làm việc ngày 14/4/2017 tại huyện Phú Quốc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là: Chính sách phát triển Phú Quốc phải bảo đảm lợi ích hài hòa giữa nhà đầu tư, người dân và Nhà nước. Đặc biệt quan tâm đến sinh kế và lợi ích của người dân, không để người dân đứng bên lề trong quá trình phát triển. Kết hợp xây dựng hạ tầng du lịch, công viên, khu giải trí, bệnh viện... tạo điều kiện để người dân địa phương tiếp cận với các dịch vụ công cộng thuận lợi nhất. Không “phân lô bán nền” mặt biển, phát triển du lịch cộng đồng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, chú trọng việc tham gia của người dân vào các hoạt động kinh tế, tăng cường đào tạo nghề, tạo việc làm cho người dân địa phương, bảo đảm an ninh trật tự trong cộng đồng người dân làm du lịch.

Thế nhưng chỉ đạo này vẫn không được các cơ quan chức năng địa phương thực hiện, mà cụ thể là Ban Quản lý Khu kinh tế đảo Phú Quốc vẫn vô tư ban hành các văn bản để tạo điều kiện cho hàng loạt dự án xây dựng lấn chiếm hành lang biển, che lấp không gian biển. Đó là công trình nhà trưng bày ngọc trai của doanh nghiệp tư nhân Ngọc Hiền do ông Hồ Phi Thủy là người đại diện pháp luật vô tư nằm trọn trong hành lang bờ biển, dưới đường hạ cánh của sân bay quốc tế Phú Quốc. Khi phát hiện ra công trình này không có giấy phép xây dựng thì Ban Quản lý Khu kinh tế đảo Phú Quốc lại nhiều lần bảo vệ cho hành vi sai phạm để ông Hồ Phi Thủy có thời gian bổ sung thủ tục xây dựng.

Một điểm đen nhức nhối khác về phân lô bờ biển là tại khu vực xã Hàm Ninh mà nhiều lần UBND huyện Phú Quốc muốn xử lý nhưng không dứt điểm. Hàng chục nhà hàng, quán nhậu đã ngang nhiên đóng cọc bê tông, xây tường, đổ đất lấn chiếm toàn bộ bờ biển, có công trình còn vô tư lấn ra phía biển như không hề biết đến pháp luật. Hàng chục ống thoát nước thải được xả thẳng xuống biển làm vùng nước ven bờ ô nhiễm, rác thải cũng nổi lềnh bềnh ven các móng nhà cao cẳng gần sát bên trạm biên phòng trong cơn mưa đầu tháng 5/2018.

Hàng chục nhà hàng, quán nhậu đã ngang nhiên đóng cọc bê tông, xây tường, đổ đất lấn chiếm bờ biển làng chài Hàm Ninh. Ảnh: GT

Đi ngược về phía bờ biển gần siêu dự án sân golf Bãi Vòng thuộc địa bàn xã Hàm Ninh là một tiểu dự án phân lô bán nền cũng ngang nhiên san lấp khu vực hành lang biển. Theo người dân địa phương thì đứng sau lưng tiểu dự án này là một quan chức cấp cao nên mới xé được quy hoạch tỷ lệ 1/500 của sân golf Bãi Vòng và dự án nghỉ dưỡng cao cấp có vốn đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng, nhằm chen ngang vào giữa để có thể phân lô đất nông nghiệp, đất rừng phòng hộ với số tiền thu được hàng chục tỷ đồng.

Tất cả những điều bất thường và có thể là bình thường theo cách hiểu của các cơ quan chức năng địa phương, trong đó có Ban Quản lý Khu kinh tế đảo Phú Quốc về hành lang bờ biển và không gian biển đã biến nhiều khu vực biển đẹp như mơ trở thành ”bức tranh vân cẩu, loang lổ màu cháo lòng”. Vì một lẽ giản đơn nếu vì tâm thế vì đảo ngọc Phú Quốc thành đặc khu kinh tế thì Ban Quản lý Khu kinh tế đảo Phú Quốc phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là kiến nghị tháo dỡ toàn bộ các khách sạn xây dựng vi phạm hành lang bảo vệ bờ biển và không gian biển, trong đó phải lấy điểm đột phá là khách sạn hình con tàu mang tên Seashells để làm gương cho các trường hợp sai phạm khác.

Nhưng không hiểu vì sợ mất lòng lãnh đạo Tập đoàn Trần Thái, hay vì một lý do nhạy cảm nào đó, thay vì kiến nghị UBND tỉnh Kiên Giang ban hành quyết định thu hồi chủ trương xây dựng, giao đất cho UBND huyện Phú Quốc triển khai hạng mục công viên biển, thì Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế đảo Phú Quốc vào ngày 16/11/2016 lại có văn bản đề xuất cho nâng tầng cao khách sạn Seashells.

Giáng Thăng

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sẽ cưỡng chế dự án trường đang dở bán đấu giá hơn 88 tỷ đồng

Sẽ cưỡng chế dự án trường đang dở bán đấu giá hơn 88 tỷ đồng

(Thanh tra) - Theo cơ quan chức năng, toàn bộ công trình xây dựng Dự án Trường Tiểu học và THCS dân lập Thanh Hóa tại khu đô thị mới Đông Hương, TP Thanh Hóa được xây dựng trên diện tích hơn 40.000m2, vừa được đấu giá thành bằng hình thức đấu giá trực tuyến với giá trúng là hơn 88 tỷ đồng.

Hương Trà

09:24 11/12/2024
Vì sao giá bất động sản tăng chóng mặt?

Vì sao giá bất động sản tăng chóng mặt?

(Thanh tra) - Trong 5 năm qua, tăng trưởng giá bất động sản của Việt Nam là gần 60%, cao hơn nhiều quốc gia khác như Mỹ, Australia - đang ở mức trên dưới 50%, hay Nhật Bản- Singapore, hiện ở mức trên dưới 40%, theo số liệu thống kê của trang batdongsan.com

Uyên Uyên

17:33 04/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm