Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Có dấu hiệu vi phạm pháp luật?

Thứ ba, 01/12/2015 - 15:52

(Thanh tra) - Vừa xây dựng, vừa phê duyệt “định mức dự toán”, vừa thi công… và đang phơi lộ dấu hiệu vi phạm pháp luật là những vấn đề nổi cộm liên quan đến dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 được triển khai xây dựng trong khi chưa có định mức dự toán được phê duyệt. Anh: ND

Theo Quyết định 1791, ngày 29/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thí điểm 3 nhà máy nhiệt điện, trong đó Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 được giao chỉ tiêu định mức nội địa hoá không dưới 50%. Tuy nhiên cho tới nay, tính toán trên hợp đồng ký kết, dự án này mới nội địa hoá được 20,6%.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Viện Nghiên cứu Cơ khí (Narime) nhận được gói thầu hệ thống vận chuyển than có giá trị thiết bị theo hợp đồng EPC là 58.601.818 USD, phần gia công chế tạo trong nước của gói thầu này là 330 tỉ đồng. Như vậy, chỉ riêng Narime đã thâu tóm tới 26,77% tỉ trọng phần gia công trong nước/20,6% giá trị khối lượng công việc do các đơn vị cơ khí trong nước thực hiện tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1.

Khi hỏi về số lượng công nhân ít ỏi thì sẽ triển khai dự án thế nào, ông Nguyễn Chỉ Sáng, Viện trưởng Viện Narime lý giải là sẽ hợp tác với đối tác nước ngoài có kinh nghiệm. Điều đó phần nào hé lộ dấu hiệu nhận thầu rồi bán cái cho các đơn vị khác để hưởng lợi. 

Điều khó lý giải là với năng lực như thế nhưng không hiểu sao Narime có thể thực hiện chế tạo thiết bị cơ khí với tổng doanh thu năm 2014 lên tới trên 740 tỉ đồng? 

Tại hội thảo Chiến lược Phát triển ngành cơ khí Việt Nam được Bộ Công thương tổ chức vào ngày 10/11, nhiều doanh nghiệp cơ khí trong nước đã bày tỏ nghi ngờ vào năng lực của Tổng thầu EPC trong việc thực hiện xây dựng dự án Nhà máy Nnhiệt điện Sông Hậu 1.

Khi báo chí đặt vấn đề: Vì sao các gói thầu thiết bị dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 được triển khai xây dựng trong khi chưa có định mức dự toán được phê duyệt, Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng cho biết: “Cũng có nhiều lý do! Bộ Công thương đang rà soát lại”.

Khi báo chí hỏi về định mức dự toán, ông Nguyễn Chỉ Sáng, Viện trưởng Viện Narime nói là không biết. Trước câu hỏi không có định mức giá về thiết bị, gói thầu thì căn cứ vào đâu để thi công, ông Sáng lại cho rằng, việc này là thẩm quyền của tổng thầu Lilama.

Để tìm hiểu về tính chính xác của “tập định mức” của Bộ Công thương, trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Khánh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, Bộ Xây dựng đã có văn bản trả lời Bộ Công thương phải có báo cáo đánh giá cụ thể về dự án. “Hiện Bộ Công thương mới chỉ gửi sang kết quả, nhưng kết quả này lại chưa có căn cứ. Khi có đánh giá về kết quả còn phải áp dụng với quy định hiện hành và lúc đó mới đi đến thống nhất định mức sao cho phù hợp với thị trường” - ông Khánh nói.

Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm Văn phòng Luật sư Trường Lộc cho biết, dự toán, dự án đầu tư xây dựng phải tuân theo Nghị định 32/2015 ngày 25/3/2015 của Chính phủ về việc quản lý đầu tư xây dựng.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 của Nghị định 32, quản lý chi phí đầu tư xây dựng phải đảm bảo mục tiêu đầu tư, hiệu quả dự án đã được phê duyệt theo Khoản 1 Điều 50 Luật Xây dựng. Theo đó, chi phí xây dựng phải được tính đúng, tính đủ cho từng dự án, công trình, gói thầu xây dựng, phù hợp với yêu cầu thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật, điều kiện xây dựng.

Theo Khoản 5 Điều 10 Nghị định 32, dự toán xây dựng công trình được phê duyệt là cơ sở xác định giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu và đàm phán ký kết trong trường hợp chỉ định thầu. Trong trường hợp này, dự án đã thi công và chọn nhà thầu khi chưa phê duyệt dự toán xây dựng đã vi phạm Nghị định 32 của Chính phủ, vi phạm pháp luật.

ND

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm