Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Thứ tư, 06/01/2016 - 09:45

(Thanh tra) - Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2015 và triển khai kế hoạch 2016 ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT). Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang chủ trì Hội nghị.

Hội nghị tổng kết ngành Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: TH

Trong năm 2015 và giai đoạn 2011 - 2015, toàn ngành đã nỗ lực, sáng tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hệ thống chính sách, pháp luật về TN&MT cơ bản được hoàn thiện theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi cho các hoạt động kinh tế - xã hội; đã hoàn thành và cập nhật các quy hoạch, chiến lược, chương trình mục tiêu đối với từng lĩnh vực cụ thể, làm cơ sở định hướng quan trọng cho công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường trong giai đoạn tới. 

Hoạt động thanh tra, kiểm tra được triển khai hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm; đã tập trung giải quyết những vụ việc khiếu kiện về đất đai trọng điểm, phức tạp, kéo dài. Hệ thống tổ chức bộ máy của ngành TN&MT tiếp tục được hoàn thiện, kiện toàn; tăng cường một bước cải cách hành chính, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Công tác quản lý Nhà nước về TN&MT đã có chuyển biến rõ rệt; các nguồn tài nguyên được phát huy cho phát triển kinh tế - xã hội đóng góp quan trọng vào thu ngân sách Nhà nước; trong đó, thu từ đất đạt 39,4 nghìn tỷ đồng, thu từ cấp quyền khai thác khoáng sản đạt 7,5 nghìn tỷ đồng. Hoàn thành việc xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông; thực hiện tốt công tác tham mưu trong xử lý những vấn đề mang tính chiến lược trong công tác quản lý TN&MT, ứng phó biến đổi khí hậu; đề xuất chính sách, giải pháp trong giải quyết các vấn đề nóng của hợp tác Mê Công. Quan tâm công tác bảo vệ môi trường; nâng cao chất lượng dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo thiên tai; tích cực triển khai các hoạt động quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo. Công nghệ thông tin, công nghệ viễn thám được ứng dụng trong quản lý, giám sát TN&MT.

Tập trung hoàn thiện trình Quốc hội thông qua dự án Luật Đo đạc và Bản đồ. Tổ chức tốt việc xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật tài nguyên và môi trường biển, hải đảo, Luật Khí tượng thủy văn. Triển khai có hiệu quả các Chiến lược, chương trình hoạt động của ngành TN&MT. Tăng cường sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật…

Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: TH

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh: Năm 2015 cũng như giai đoạn 2011 - 2015, toàn ngành đã làm tốt công tác chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; phát huy hiệu quả nguồn lực TN&MT, đóng góp quan trọng cho ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo hướng bền vững.

Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đều bám sát chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, chuẩn bị tốt các điều kiện để hội nhập quốc tế, phát huy nguồn lực TN&MT cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đồng thời góp phần ngăn ngừa, hạn chế tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm giảm khiếu kiện, các yếu tố dẫn đến sự mất ổn định xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường...

Năm 2015 kết thúc một giai đoạn phát triển cũng được ngành TN&MT ghi đậm dấu ấn bằng việc tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng như: Đại hội Đảng bộ Bộ TN&MT lần thứ 3, Đại hội thi đua yêu nước ngành TN&MT lần thứ 3, Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ 4, Hội nghị Bộ trưởng Môi trường các nước ASEAN lần thứ 13 và nhiều sự kiện liên quan, Đại hội biển Đông Á lần thứ 5. Đặc biệt, ngành TN&MT đã phối hợp chuẩn bị tốt nội dung đàm phán của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 21 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) tại Paris, nơi đã thông qua bản Thỏa thuận Paris lịch sử với nhiều nội dung đề cập đến các cơ hội mà Việt Nam quan tâm.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải biểu dương toàn ngành TN&MT đã nỗ lực, sáng tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có những đóng góp quan trọng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: TH

Theo Phó Thủ tướng, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu luôn có vai trò quyết định đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc, là thách thức của nhân loại trong những thập niên tới đây. Đối với Việt Nam, thách thức này càng lớn hơn khi nguồn tài nguyên có hạn, trong khi nhu cầu khai thác, sử dụng không ngừng tăng; môi trường sống chịu áp lực lớn từ sự phát triển kinh tế - xã hội; nước biển dâng, các hiện tượng khí hậu cực đoan đang là vấn đề hiện hữu ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và đời sống người dân.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trong năm 2016, Phó Thủ tướng yêu cầu trước hết ngành phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách, tăng cường quản lý Nhà nước về TN&MT; tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường theo nguyên tắc thống nhất đầu mối, phối hợp liên ngành, liên vùng, tránh tình trạng cát cứ, cục bộ, chồng chéo; cập nhật, hoàn thiện các quy trình vận hành, điều tiết liên hồ chứa; quản lý tổng hợp thống nhất biển và hải đảo.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị, trước tiên toàn ngành cần tập trung cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống bằng biện pháp kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm, xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; ngăn chặn và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, lưu vực sông, khu công nghiệp và các đô thị; tăng cường bảo vệ và phát triển rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo và các nguyên vật liệu thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, toàn ngành cần chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu; đề cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, các lực lượng và mọi người dân; tăng cường hợp tác quốc tế, huy động các nguồn lực, thực hiện hiệu quả công tác phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; ưu tiên đầu tư các dự án ứng phó biến đổi khí hậu quan trọng, cấp thiết; đẩy mạnh xã hội hóa công tác khí tượng thủy văn, đặc biệt là công tác dự báo và thông tin phục vụ cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.                                                                        

  Thái Hải

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Không khí lạnh tăng cường, Hà Nội trời rét đậm, nhiệt độ 10 -13 độ C

Không khí lạnh tăng cường, Hà Nội trời rét đậm, nhiệt độ 10 -13 độ C

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, hiện nay không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết khu vực Trung Trung Bộ; ở vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, trạm đảo Cồn Cỏ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6.

Thái Hải

19:48 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm