Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Việt Nam cần ưu tiên phát triển năng lượng điện gió

Thứ ba, 26/11/2013 - 16:31

(Thanh tra) - Hội thảo “Phát triển năng lượng điện gió tại các nền kinh tế APEC” do Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cùng Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) phối hợp tổ chức trong 2 ngày 25 - 26/11 tại Hà Nội với sự tham gia của các diễn giả đến từ các nước châu Âu, châu Á và Việt Nam.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Nguyễn Thanh

Theo số liệu từ Trung tâm Năng lượng tái tạo và Cơ chế phát triển sạch, Viện Năng lượng Việt Nam, mục tiêu phát triển năng lượng gió đã được Chính phủ đưa vào quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, năng lượng gió tại Việt Nam sẽ chiếm 5,6% tổng lượng điện sản xuất trong nước, tương đương 1.000MW. Đến năm 2030, năng lượng gió chiếm khoảng 9,4% tương đương 6.200MW.

Việt Nam có thế mạnh về điện gió, để nguồn năng lượng này được sử dụng phổ biến trong sinh hoạt cũng như sản xuất, Việt Nam cần có chính sách khuyến khích nguồn năng lượng tái tạo nói chung và năng lượng gió nói riêng. Đây là các ý kiến được đưa ra tại Hội thảo.

Ông Eric Pyle, Giám đốc Điều hành Hiệp hội Năng lượng gió New Zealand cho rằng, các nước châu Á, trong đó có Việt Nam đương nhiên chịu nhiều sự chi phối về công nghệ, nguồn vốn, phụ thuộc vào hỗ trợ tài chính, rồi phải tính đến nhu cầu sử dụng năng lượng của cá nhân hàng ngày cũng như trong sản xuất có đắt hơn than và khí ga không, có bảo vệ được môi trường không… Vì thế ở các nước đang phát triển, rất cần tạo ra các chính sách để không làm khập khiễng đầu vào, giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát triển năng lượng gió thay thế năng lượng truyền thống, vừa bảo vệ môi trường, vừa tận dụng các nguồn năng lượng thiên nhiên sẵn có, đỡ chi phí nhập khẩu năng lượng cho quốc gia.

Hiện nay, với sự hỗ trợ của tổ chức quốc tế từ các nước phát triển, Việt Nam đã lắp đặt thiết bị đo tốc độ gió, cũng như lập bản đồ tốc độ gió trên cả nước. Kết quả cho thấy, Việt Nam có tiềm năng phát triển gió rất cao. Cùng đó, nhu cầu về điện trong thời gian tới tại Việt Nam cũng rất cao, do đó, đây chính là cơ hội để Việt Nam có thể phát triển năng lượng gió thay thế các nguồn năng lượng khác hiện có.

Đồng tình quan điểm, bà Phạm Quỳnh Mai, Vụ phó Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho rằng, việc  bảo đảm nguồn cung năng lượng cho nền kinh tế vận hành trơn tru trong bối cảnh các nguồn năng lượng truyền thống ngày càng cạn kiệt, giá cả dao động bất ổn, bị trầm trọng thêm bởi khủng hoảng kinh tế và sự gián đoạn thương mại do các nguy cơ khủng bố, thiên tai thảm họa… trở thành nhu cầu và điều kiện quan trọng để duy trì sự ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh đó, năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng gió trở thành nguồn năng lượng thay thế tiềm năng, góp phần đảm bảo ổn định nguồn cung năng lượng, duy trì sự ổn định và phát triển bền vững cho các nền kinh tế.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng để hiện thực hóa đưa năng lượng gió vào sản xuất và sử dụng phổ biến trên quy mô rộng, vẫn còn rất nhiều thách thức cần được giải quyết thấu đáo. Năng lượng gió có đặc tính không ổn định, chỉ thích hợp phát triển ở những khu vực có nhiều đất rộng rãi, nhưng lại thưa người nên không đơn giản để áp dụng trên quy mô lớn. Ngoài ra, khó tiếp cận vốn vay, với mức lãi suất hợp lý; kinh nghiệm quản lý phát triển năng lượng gió còn hạn chế; Chính phủ vẫn đang trợ cấp giá than, điện; nhiều chồng chéo trong quy hoạch đất, quy trình thủ tục còn yếu kém chưa đồng bộ… cũng đang là thách thức để Việt Nam có thể phát triển nguồn năng lượng gió trong tương lai.

Các chuyên gia năng lượng cho rằng, để giải quyết những thách thức nêu trên, các nền kinh tế APEC, trong đó có Việt Nam cần đóng vai trò chủ động nhằm đưa ra đường lối, chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo nói chung, năng lượng gió nói riêng, tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp có điều kiện đầu tư vào năng lượng gió. Với quy mô khu vực và toàn cầu, các nền kinh tế APEC cần hợp tác chặt chẽ và cam kết mạnh mẽ hơn, nhằm phát triển năng lượng gió thành một trong những nguồn năng lượng tái tạo thay thế hiệu quả, bền vững và ổn định.

Theo ông Heymi Bahar, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), dự báo đến năm 2016 nhu cầu nguồn năng lượng tái chế sẽ vượt qua nguồn năng lượng truyền thống, trong đó, năng lượng gió sẽ chiếm tỷ trọng thứ 2 sau thủy điện. Năm 2018, năng lượng gió sẽ tăng trưởng tương đương với năng lượng thủy điện và đến năm 2020, năng lượng gió sẽ đạt đạt mục tiêu mà IEA đề ra là chiếm 30% tổng các nguồn năng lượng.


Nguyễn Thanh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm