Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Trước 17 giờ phải di dời người dân khỏi khu vực nguy hiểm

Thứ ba, 16/09/2014 - 13:49

(Thanh tra) - Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại buổi giao ban trực tuyến khẩn với Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão Trung ương và đại diện 26 tỉnh, thành nằm trong khu vực ảnh hưởng của bão số 3, vào cuối giờ chiều ngày 15/9.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo giao ban trực tuyến đối phó cơn bão số 3. Ảnh: Phương Hiếu

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, bão số 3 đang có dấu hiệu di chuyển nhanh với cường độ mạnh hơn và sẽ tác động đến miền Bắc nước ta vào chiều tối nay (16/9). Đây là cơn bão mạnh, tốc độ nhanh, tuy dự báo cơn bão đi theo hướng Tây Tây Bắc nhưng cũng không nên chủ quan, cơ quan khí tượng cần thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin để người dân nắm được.

Phó Thủ tướng chỉ đạo, vùng chịu ảnh hưởng cơn bão số 3 được xác định từ vĩ tuyến 17 đổ lên. Các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp phải dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết, bố trí trực ban nhằm chỉ đạo, đối phó với cơn bão. Chậm nhất, tới 17 giờ ngày 16/9, công tác kêu gọi tàu thuyền cập bến, di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm phải được hoàn tất.

"Chúng ta đã ứng phó rất tốt trên khu vực biển mỗi khi xảy ra thiên tai, giảm đáng kể thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên, mưa lũ sau bão vẫn là mối lo ngại. Dù đã lên phương án đề phòng, song tại các vùng núi Tây Bắc, Bắc Trung Bộ vẫn xảy ra thiệt hại lớn về người. Có những trường hợp rất đáng tiếc do tâm lý chủ quan của người dân khi đi lại trong ngày mưa lũ. Do vậy, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân, tránh những tai nạn không đáng có xảy ra”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương Hoàng Đức Cường, đây là cơn bão mạnh lên rất nhanh. Cụ thể, chỉ trong 24 tiếng bão đã tăng lên 5 cấp (từ cấp 8 lên cấp 12) là hiện tượng hiếm có trong quá khứ. Hiện, bão đang di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, vào phía Bắc đảo Hải Nam và bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) rồi đi sâu vào vịnh Bắc bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển Quảng Ninh -  Hải Phòng. 

Dự báo, khoảng chiều tối nay (16/9), các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương có gió mạnh cấp 8 - 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10 - 11, giật cấp 12 - 13. Các nơi khác ở khu Đông Bắc và Đồng bằng Bắc bộ, trong đó có Hà Nội có gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8.

Cũng bắt đầu từ đêm nay, Bắc bộ có mưa vừa, mưa to, riêng khu Đông Bắc và vùng núi phía Bắc có mưa to đến rất to. Dự báo, vùng ven biển các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 4 - 5m.

Toàn cảnh buổi giao ban. Ảnh: Phương Hiếu

"Nếu đúng vào thời điểm bão đổ bộ là đêm nay, vùng tâm bão là Quảng Ninh - Hải Phòng đang ở mức triều cường thấp nhất trong ngày và thấp trong năm. Do đó, mực nước dâng chỉ đạt 2,6 - 3m. Hy vọng với diễn biến như vậy sẽ không xảy ra ngập lụt diện rộng ở vùng tâm bão. Tuy nhiên, nếu bão vào muộn hơn, tức là đến tận trưa ngày 17/9, thì sẽ gây ngập lụt ở vùng trũng ven biển. Do vậy, nguy cơ sạt lở đất ở vùng núi trung du, bởi dự báo trên toàn miền Bắc sẽ có mưa nhanh với cường độ cao 200 - 300ml”, ông Cường nhận định.

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện TP Hải Phòng cho biết, đến 15 giờ chiều  ngày 15/9, toàn bộ lực lượng biên phòng địa phương đã thông báo tới 4.075 phương tiện đang hoạt động trên biển biết về tình hình cơn bão. Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất là hiện vẫn còn 57 phương tiện xa bờ, dự báo đến 15 giờ chiều mai mới có thể vào vùng trú ẩn an toàn. Các phương tiện ở Bạch Long Vĩ được di chuyển vào bờ. Dự kiến, trưa 16/9, tất các các hoạt động chở khách tuyến Hải Phòng - Cát Bà sẽ dừng hoạt động.

Đại diện Quảng Ninh cho biết, tính đến 16 giờ 30 chiều ngày 15/9, Quảng Ninh đã có 2 công điện gửi các thành phố, huyện, thị chuẩn bị công tác phòng, tránh bão. Đã liên lạc với các tàu đánh bắt xa bờ, yêu cầu các tàu về nơi neo trú an toàn. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 25 tàu chưa liên lạc được. Chậm nhất đến sáng 16/9, trên 8.000 tàu, thuyền cập bờ sẽ nhận lệnh cấm ra khơi. 500 tàu du lịch chậm nhất trưa mai sẽ vào nơi trú an toàn, cấm hoạt động; các phương tiện lồng, bè thủy sản bảo đảm an toàn không để người dân ở lại lồng bè…

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn, Yên Bái, Lào Cai và Hà Giang là 3 tỉnh miền núi phía Bắc có nguy cơ sạt lở núi và lũ quét cao nhất. Báo cáo Phó Thủ tướng tại cuộc họp trực tuyến, đại diện 3 địa phương trên cho biết đã cơ bản thực hiện các phương án phòng, chống bão số 3, đặc biệt là công tác phòng, chống sạt lở đất và lũ quét…

Lào Cai đã có phương án di dời đối với 198 hộ dân đang sống ở nơi cực kỳ nguy hiểm có thể sạt lở núi hoặc lũ quét; Hà Giang cũng có phương án di chuyển đối với 302 hộ nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao. Dự kiến, trong ngày 16/9, Lào Cai và Hà Giang sẽ di chuyển hết các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét cao về nơi an toàn. 

Vị trí và hướng di chuyển của cơn bão số 3. Ảnh: Phương Hiếu


Tính tới 17 giờ ngày 15/9, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 18,7 độ vĩ Bắc; 115,4 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 380km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 - 149 km/giờ), giật cấp 15, cấp 16. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30km và còn có khả năng mạnh thêm.

Đến 16 giờ ngày 16/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,8 độ vĩ Bắc; 108,7 độ kinh Đông, cách bờ biển Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 130km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp12, cấp 13 (tức là từ 118 - 149 km/giờ), giật cấp 15, cấp 16.

Trong khoảng 24 - 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi vào đất liền các tỉnh phía Đông Bắc Bộ với cường độ cấp 10 - 11, sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 16 giờ ngày 17/9, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 22,5 độ vĩ Bắc; 102,4 độ kinh Đông, trên khu vực vùng núi Tây Bắc, Bắc bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39km/giờ).

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 8 - 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11 - 13, giật cấp 15 - 16, sóng biển cao 7 - 9m. Biển động dữ dội. Từ sáng 16/9, vùng biển vịnh Bắc bộ có gió mạnh dần lên cấp 8, riêng khu vực Bắc vịnh Bắc bộ (bao gồm cả các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Bà, Cát Hải) tăng lên cấp 10 - 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12 - 13, giật cấp 15 - 16, sóng biển cao 7 - 9m. Biển động dữ dội.

Từ chiều tối 16/9, các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương có gió mạnh cấp 8 - 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10 - 11, giật cấp 12 - 13. Các nơi khác ở khu Đông Bắc và Đồng bằng Bắc bộ có gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8. Vùng ven biển các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 4 - 5m. Ở Bắc bộ từ đêm 16/9 có mưa vừa, mưa to, riêng khu Đông Bắc và vùng núi phía Bắc có mưa to đến rất to.



Phương Hiếu

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Chuyện lạ nhà máy chế biến cà phê tiền tỷ “tự mọc” giữa vùng biên Quảng Trị

Chuyện lạ nhà máy chế biến cà phê tiền tỷ “tự mọc” giữa vùng biên Quảng Trị

(Thanh tra) - Chưa hề có bất cứ thủ tục nào về đầu tư, xây dựng… nhưng nhà máy chế biến cà phê cùng các hạng mục khác đã được đầu tư triển khai với hơn 8.000m2. Thế nhưng, chính quyền địa phương cũng chỉ làm cho có lệ và có dấu hiệu buông lỏng quản lý khi nhà máy vẫn tiếp tục hoạt động.

Minh Tân

20:30 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm