Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thiếu nước sạch: Ít nhất 1 triệu người bị ảnh hưởng mỗi năm

Chủ nhật, 26/04/2015 - 14:04

(Thanh tra) - Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 250 nghìn người bị mắc bệnh tiêu chảy cấp phải nhập viện. Tình trạng thiếu nước sạch hàng năm gây ảnh hưởng tới ít nhất 1 triệu người Việt Nam. Thống kê trong 4 năm qua cho thấy, có tới 6 triệu các trường hợp mắc bệnh liên quan tới thiếu nước sạch, ước tính chi phí cho y tế là khoảng 20 triệu đô la Mỹ.

Ảnh minh họa

Kiểm tra nguồn nước còn hạn chế

Theo báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát định kỳ chất lượng nước trên cả nước, thì có tới 21,6% số cơ sở cấp nước từ 1 nghìn mét khối/ngày đêm trở lên không đạt vệ sinh chung. Tỷ lệ này ở các cơ sở cấp nước dưới 1 nghìn mét khối/ngày đêm là 27,4%. Một số chỉ tiêu không đạt thường gặp như: Nhiễm vi sinh và chất hữu cơ liên quan đến ngập lụt  ở một số tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long; chỉ tiêu Clo dư thấp hơn tiêu chuẩn cho phép. Một số trạm cấp nước quy mô nhỏ sử dụng nước ngầm của một số tỉnh, thành phố có chỉ tiêu asen không đạt tiêu chuẩn cho phép do khả năng xử lý asen trong nguồn nước ngầm chưa đảm bảo.

Theo các chuyên gia, ở Việt Nam, do tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, cộng với sự gia tăng dân số nên việc đầu tư phát triển cấp nước chưa đáp ứng yêu cầu, phạm vi bao phủ dịch vụ cấp nước còn thấp, chỉ đạt 80% dân số thành thị được cấp nước qua hệ thống cấp nước tập trung, chất lượng dịch vụ cũng chưa ổn định.

Mạng lưới đường ống cấp nước nhiều đô thị trải qua nhiều giai đoạn đầu tư đã cũ, rò rỉ, gây tỷ lệ thất thoát nước cao, thậm chí có thể có sự xâm nhập chất thải...

Ngoài ra, hiện nay vẫn chưa xây dựng được cơ chế phối hợp liên ngành Y tế, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường trong việc kiểm tra, giám sát chất lượng nước dẫn đến chồng chéo, trùng lặp trong việc kiểm tra chất lượng nước.

Bên cạnh đó, các ngành khi xét nghiệm đánh giá chất lượng nước sử dụng các labo và phương pháp xét nghiệm khác nhau dẫn đến nhận định kết quả khác nhau. Hiện tại, nhân lực làm công tác kiểm tra giám sát chất lượng nước tại các tỉnh, thành phố còn thiếu so với nhu cầu, năng lực xét nghiệm của các trung tâm y tế dự phòng còn hạn chế. Các đơn vị ngành Y tế từ Trung ương đến địa phương chưa có ngân sách thường xuyên dành riêng cho công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng nước định kỳ và đột xuất.

Bảo đảm 109 chỉ tiêu chất lượng

Theo ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, các bệnh lây truyền qua đường nước luôn luôn là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng. Và, "chỉ đến khi nào việc xét nghiệm mẫu nước trong các gia đình trở thành thói quen, thông lệ, mới có thể phần nào an tâm. Nhưng nếu cứ dựa vào người dân bỏ tiền ra xét nghiệm mẫu nước thì không được mà phải có kế hoạch hỗ trợ chi phí này cho họ”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Tại hội nghị phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế trong công tác kiểm soát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, ngành, trong đó có ngành Y tế, cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước đảm bảo sức khỏe cho nhân dân. Các bộ, ngành liên quan cũng cần quan tâm xây cơ chế giá nước sạch phù hợp với sự biến động giá của thị trường nhằm nâng cao chất lượng nước sạch cũng như ý thức người dân trong sử dụng nước, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư phát triển cấp nước. Đồng thời, cũng phải đặt ra và thực hiện theo tiêu chuẩn nước sạch đạt tầm quốc tế. Không có lý do gì mà người Việt Nam lại dùng nước với tiêu chuẩn thấp hơn quốc tế. Các nhà máy phải định kỳ kiểm tra và công bố chất lượng nước. Với mục tiêu sức khỏe người dân là trên hết, phải giữ cho được 109 chỉ tiêu chất lượng nước sạch hiện hành.

Phương Liên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm