Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tham nhũng trong lĩnh vực môi trường: Tương lai con cháu trả giá

Thứ ba, 10/05/2016 - 13:29

(Thanh tra) - Đó là nhận định của GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tại buổi tọa đàm “Chất thải công nghiệp: Hạn chế trong quản lý và khuyến nghị chính sách” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức vào sáng 10/5.

Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: TH

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, quản lý chất thải công nghiệp đang có vấn đề. Ông Võ dẫn ra câu chuyện môi trường Dự án Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh, trong đó có Formosa khi Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ TN&MT có những phát ngôn khác nhau. Ông ủng hộ quan điểm của Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà khi cho rằng pháp luật hiện hành của Việt Nam không cho phép đặt đường ống xả thải ngầm ra biển.

Theo kế hoạch ban đầu, nước thải dự án Formosa sẽ xả ra sông Quyền nhưng khi đi vào vận hành lại đổ ra biển. "Vậy Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh ở đâu trong quá trình xây dựng dự án?" - ông Võ đặt vấn đề. 

“Việc xả thải cắm thẳng ra biển có được giám sát hay không giám sát trong quá trình xây dựng, cái đó Sở TN&MT Hà Tĩnh phải nắm được. Tại sao lại có sự xảy ra khác với giải pháp nêu ra trong ĐTM? Rõ ràng câu chuyện kiểm soát ở đây đang có cái gì đấy thiếu sót. Chuyện chấp nhận đường ống xả thải ra sông Quyền và đường ống xả thải ra biển là hai tư duy hoàn toàn khác nhau. Xả ra biển nguy hiểm hơn xả thải ra sông Quyền. Xả thải trực tiếp ra biển là nguy hiểm hơn, không dừng được nếu có sai lầm”, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT nêu rõ.

Theo ông Võ, một dự án có quy mô lớn như Formosa mà cơ quan quản lý môi trường ở Hà Tĩnh lại không giám sát thường xuyên, không kết nối giữa trung ương và địa phương để nắm tình hình. Hay nói cách khác Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh chưa làm hết trách nhiệm trong quản lý.

Ông Võ cho rằng tuy chưa có kết luận chính thức nguyên nhân cá chết hàng loạt nhưng dư luận có quyền đặt nghi vấn Formosa. Bởi công nghiệp thép, nhiệt điện để ven biển sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nước biển. 

Theo ông Võ, việc giám sát kiểm tra, thanh tra, quan trắc môi trường ở Việt Nam đang thiếu tính hệ thống. “Bây giờ chúng ta mới yêu cầu kết nối nguồn xả thải ra với hệ thống quan trắc môi trường của Hà Tĩnh, còn trước đây họ xả thải ra cái gì chúng ta không biết. Tất cả mọi chuyện chúng ta không hề hay biết thế nào cả. Chắc chắn câu chuyện kiểm tra, giám sát, thanh tra đặt ra trong hệ thống pháp luật khá chu đáo nhưng thực hiện trong thực tế qua vụ việc Formosa đã cho thấy rằng rất rời rạc, gần như không có kết nối giữa trung ương với địa phương, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm không kết nối với nhau".

GS Đặng Hùng Võ kiến nghị cơ quan chức năng phải tiến hành rà soát để không thể có cơ hội xảy ra ô nhiễm môi trường như vừa qua nữa. Hệ thống kiểm soát, thanh tra, kiểm tra phải kết nối thành một hệ thống thì mới có mặt bằng giám sát toàn bộ.

Mặc dù, Luật Bảo vệ môi trường đưa ra quy hoạch môi trường là một thành phần của quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhưng GS Võ khẳng định đến nay quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chưa làm về quy hoạch môi trường.

“Chúng ta đã quy hoạch khoảng 60 khu kinh tế ven biển và cửa khẩu. Các khu kinh tế mới thiên về yếu tố phát triển kinh tế chứ chưa đề cập tới vấn đề môi trường. Đặc biệt việc phát triển các nhà máy lọc dầu hiện nay đều nằm ở khu kinh tế ven biển. Xả thải ở nhà máy lọc dầu chắc chắn cực kỳ lớn, nguy hiểm”, ông Võ phân tích.

Ngoài ra, ông Võ cũng nhận xét, việc giám sát xả thải tại các doanh nghiệp, các khu công nghiệp, khu kinh tế còn thiếu sát sao, chặt chẽ. "Tôi vẫn luẩn quẩn trong đầu suy nghĩ trong câu chuyện này có tham nhũng hay không? Hãy nên nhớ rằng, tham nhũng hôm nay một đồng thì ngày mai sẽ phải trả giá hàng tỉ đồng. Có tham nhũng ở đâu thì tham nhũng nhưng đừng tham nhũng ở lĩnh vực môi trường,  bởi tất cả những hậu quả đó thế hệ con cháu chúng ta sẽ phải gánh chịu, tương lai phải trả giá".

Cũng tại buổi tọa đàm ông Nguyễn Xuân Sinh, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công Thương, cho rằng: “Doanh nghiệp Nhật, châu Âu không cần quản lý thì họ cũng đã có tính tự giác cao rồi nhưng doanh nghiệp Châu Á và Việt Nam thì ý thức thấp. Doanh nghiệp đầu tư vận hành hệ thống xử lý chất thải rất tốn kém, không phải công ty nào cũng làm được. Hơn nữa, năng lực quản lý của cơ quan nhà nước cũng cần xem lại” .

Theo TS Trần Hiếu Nhuệ, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ môi trường, đánh giá “vụ Formosa là nguyên nhân của mọi nguyên nhân”. Lý giải, ông Nhuệ cho rằng, “Đó là vì chúng ta tham về kinh tế quá, nóng vội lợi nhuận kinh tế quá mà giờ mắc bẫy. Hy sinh bao nhiêu tiền giải phóng mặt bằng để đổi lại như thế”. Về giải pháp,  ông Nhuệ cho rằng ý thức của chủ đầu tư các dự án có vai trò là rất lớn bởi nếu họ không nhận thức được thì chúng ta không đủ thời gian, nhân lực, phương tiện để kiểm soát được.

Thái Hải

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm