Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phát hiện thủy ngân lơ lửng trong không khí ở Hà Nội

Thứ bảy, 23/04/2016 - 16:26

Số liệu quan trắc môi trường tự động gần đây nhất cho thấy chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội đều ở mức kém. Thậm chí, có điểm thiết bị quan trắc còn phát hiện có cả thủy ngân trong không khí tại một điểm ở Thủ đô.

Cảnh bụi mù ở đường Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội. (Ảnh chụp ngày 19/4/2016). Ảnh: Phượng Hằng

Hà Nội bắt đầu mùa nóng, người dân lại chật vật đối phó với khói bụi vốn chứa nhiều chất độc hại cho sức khoẻ.

Chỉ số ô nhiễm rất cao

Trạm quan trắc môi trường không khí tự động liên tục của Tổng cục Môi trường đặt tại khu vực 556 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội gần đây thường xuyên cảnh báo về mức độ ô nhiễm không khí tại Hà Nội.

Theo TS Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội thay đổi theo từng thời điểm và hiện nay là thời điểm giảm. Dù vậy, chỉ số AQI đo được vào ngày 14/4 vẫn dao động ở mức 54-140 - mức kém theo thang đánh giá, khuyến cáo những người nhạy cảm hạn chế ra ngoài.

Trước đó khoảng 6 tuần - vào đầu tháng 3, chỉ số AQI ở Hà Nội có lúc lên đến 388 - mức ô nhiễm rất nặng, cao nhất trên thang đánh giá, khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà (kết quả quan trắc của Đại sứ quán Mỹ tại tòa nhà số 7 Láng Hạ, quận Ba Đình, Hà Nội). Riêng nồng độ bụi mịn PM2,5 cao gấp 3 mức khuyến cáo theo quy chuẩn quốc gia về chất lượng không khí xung quanh và gấp 7 lần so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Nói về chỉ số AQI ở thời điểm đó, TS Tùng cho biết: “Chỉ số này cao hơn 1,5 lần so với mức độ cho phép. Thời gian này, mức độ ô nhiễm giảm nhưng không phải do giảm các nguồn gây ô nhiễm mà do thời tiết.

Nhìn vào các bài học trên thế giới, ông Tùng cho rằng, nếu không sớm có biện pháp bảo vệ môi trường hiệu quả, việc không khí Hà Nội ô nhiễm nghiêm trọng như Bắc Kinh sẽ tất yếu xảy ra trong một ngày không xa.

Lý giải sự khác nhau về mức độ ô nhiễm đo được tại các trạm quan trắc, GS-TSKH Phạm Ngọc Đăng - Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam - cho biết, nồng độ bụi mịn PM2,5 nêu trên chỉ là trị số cực hạn đột xuất ở thời điểm bất thường - chẳng hạn lúc gió thổi mang theo nồng độ bụi lớn đi qua thiết bị đo. Đây không phải là trị số trung bình ngày nên không được xem là trị số đại diện để đánh giá mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội.

Tuy nhiên, GS Đăng thừa nhận không khí Hà Nội đang thực sự ô nhiễm. Vì thế mà 3 năm nay, ông đã phải chuyển đến sống tại thành phố Nha Trang vào mùa đông và mùa hè, chỉ trở lại Hà Nội vào dịp tết và mùa xuân, mùa thu.

Phát hiện thủy ngân trong không khí

Một tiết lộ đáng lo ngại được TS Hoàng Dương Tùng cho biết là mới đây, thiết bị đo đạc, quan trắc đã phát hiện chất độc thủy ngân trong không khí - một vấn đề mà các nhà khoa học trong nước và trên thế giới đều đang lo ngại.

“Ngay tại Hà Nội, chúng tôi cũng đang đo được chỉ số ô nhiễm thủy ngân trong không khí. Tuy nhiên, do mới đo được ở một địa điểm nên chưa có đủ căn cứ để kết luận về chỉ số này. Vấn đề đáng quan tâm hơn cả vào lúc này là phải xác định được nguồn gây ô nhiễm thuỷ ngân trong không khí. Sắp tới, chúng tôi sẽ mở rộng hệ thống để quan trắc xác định những vấn đề này” - ông Hoàng Dương Tùng cho biết.

Biểu đồ diễn biến nồng độ bụi PM10 trung bình năm tại một số trạm quan trắc tự động, liên tục, giai đoạn 2011-2015. Nguồn: CEM, Tổng cục Môi trường

Các kết quả đo đạc cho thấy, không khí Hà Nội hiện chứa nhiều chất độc hại đối với sức khỏe con người như SO2, NO2, CO, benzene… Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm ngày càng tăng ở thành phố này là không kiểm soát chặt chẽ số lượng, chất lượng ôtô, xe máy, xăng dầu dẫn đến thải ra nhiều chất độc; không kiểm soát chặt chẽ nguồn đốt rác thải, rơm rạ; quản trị đô thị không tốt dẫn đến bụi bặm từ các công trình.

“Riêng ở Hà Nội có hơn 5 triệu xe máy, hơn nửa triệu ôtô. Các chương trình kiểm soát bảo trì, bảo dưỡng xe máy, lắp ống lọc bụi trong xe máy đã được đề ra nhưng chưa thực hiện. Rất nhiều xe không đảm bảo chất lượng vẫn lưu hành. Mình không kiểm soát được xe cũ, xe mới thì làm sao đảm bảo chất lượng môi trường?

Một vấn đề nữa là cứ gặt xong, dân thi nhau đốt rơm rạ. Trong khi đó, ở vùng Ninh Thuận, rơm rạ rất đắt, người ta còn phải tranh nhau mua để quấn quanh gốc thanh long, cho trâu bò ăn. Người dân khu vực miền Bắc có thể làm thế không?” - TS Hoàng Dương Tùng bày tỏ. Ông cho rằng điều đáng ngại hơn là chưa có biện pháp căn cơ, đặc biệt là sự thờ ơ của người dân đối với chất lượng không khí mà mình hít thở hằng ngày.

Từ thực tế này, thông điệp mà nhà quản lý môi trường muốn gửi tới cả cộng đồng là đừng thờ ơ với môi trường mà mình đang sống, đừng nghĩ chất thải độc chỉ từ người khác mà ra. Thực tế không phải như vậy. Theo ông Hoàng Dương Tùng, mỗi người đều phải có trách nhiệm và đóng góp của mình, ít nhất cũng bằng cách hiểu biết về nó để có hành vi đúng cũng như dạy dỗ con cái.

“Có bao nhiêu người mắc bệnh ung thư. Người ta cứ hì hục đi làm, gây ô nhiễm rồi lại dốc hết tiền ra chữa bệnh, nếu cảm thấy không đủ thì chạy vạy để sang nước ngoài. Vậy chúng ta cứ làm để làm gì?” - TS Hoàng Dương Tùng nói.

Theo VNN 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm