Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hạn chế tình trạng thiếu nước, bảo đảm cấp đủ nước cho hạ du lưu vực sông Hồng

Thái Hải

Thứ sáu, 08/10/2021 - 21:43

(Thanh tra) - Để chủ động, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thiếu nước có thể xảy ra trên lưu vực sông Hồng, bảo đảm cân đối đủ nguồn nước cấp cho hạ du lưu vực sông Hồng trong mùa cạn năm 2021 - 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các bộ, ngành và địa phương thực hiện lập kế hoạch tích nước, xả nước đảm bảo cân đối nguồn nước và ưu tiên cho các nhu cầu sử dụng nước ở hạ du từ nay đến cuối mùa cạn.

Hạn chế tình trạng thiếu nước, bảo đảm cấp đủ nước cho hạ du lưu vực sông Hồng. Ảnh: Internet

Ngày 8/10, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) có công văn gửi các bộ, ngành và địa phương đề nghị chủ động, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thiếu nước có thể xảy ra trên lưu vực sông Hồng, bảo đảm cân đối đủ nguồn nước cấp cho hạ du lưu vực sông Hồng trong mùa cạn năm 2021 - 2022.

Bộ TN&MT cho biết, năm 2021, không xuất hiện lũ lớn trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình, mặc dù, các hồ chứa lớn, quan trọng trên lưu vực sông Hồng đã chủ động vận hành, ưu tiên việc tích nước ở thời điểm cuối mùa lũ, đầu mùa cạn. Tuy vậy, hiện nay, mực nước các hồ chứa lớn, quan trọng đều đang ở mức rất thấp, tổng lượng nước tích được của các hồ chỉ đạt từ 30% đến 65% so với trung bình nhiều năm.

Hiện tại, mực nước hồ Hòa Bình là 107,8m (thấp hơn mực nước yêu cầu tối thiểu 5,1m, thiếu hụt so với yêu cầu tối thiểu khoảng 945 triệu m3); hồ Thác Bà là 53,1m (thấp hơn 1,9m, thiếu hụt khoảng 415 triệu m3); các hồ Lai Châu, Sơn La mực nước thấp hơn mực nước dâng bình thường (MNDBT) từ 5-10m. Tổng lượng thiếu hụt so với MNDBT của cả hệ thống hồ chứa khoảng 5,7 tỷ m3.

Với tình trạng thiếu hụt nguồn nước như nêu trên, cùng với nhận định xu thế khí tượng thủy văn đến cuối năm 2021 của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, khả năng nguồn nước trong 3 tháng cuối năm 2021 đến các hồ chứa lớn trên thượng lưu sông Hồng và trên các lưu vực sông khu vực Bắc Bộ sẽ tiếp tục thiếu hụt từ 30 - 50% so với trung bình nhiều năm, đặc biệt thiếu hụt tại vùng hạ lưu sông Lô và sông Hồng từ 60 - 80%, nguy cơ thiếu nước trong thời gian còn lại của mùa cạn có khả 0kknăng sẽ diễn ra nghiêm trọng.

Để chủ động, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thiếu nước có thể xảy ra trên lưu vực sông Hồng, bảo đảm cân đối đủ nguồn nước cấp cho hạ du lưu vực sông Hồng trong mùa cạn năm 2021 - 2022, đặc biệt là bảo đảm nguồn nước cho vụ Đông Xuân khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các bộ, ngành và địa phương thực hiện các giải pháp trọng tâm.

Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia có phương án điều chỉnh kế hoạch huy động điện của các nhà máy thủy điện Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà, Bản Chát và Huội Quảng; đồng thời chỉ đạo các đơn vị quản lý, vận hành các hồ chứa thủy điện nêu trên lập kế hoạch tích nước, xả nước để nâng dần mực nước các hồ, bảo cân đối nguồn nước và ưu tiên cho các nhu cầu sử dụng nước ở hạ du từ nay đến cuối mùa cạn.

Đồng thời, chỉ đạo các chủ hồ chứa, đặc biệt là hồ Hòa Bình phải phối hợp chặt chẽ với Công ty Cổ phần Nước sạch Sông Đà, bảo đảm việc lấy nước của Nhà máy Nước sông Đà phù hợp với lịch vận hành xả nước và năng lực hiện tại của hồ Hòa Bình, bên cạnh việc cấp nước an toàn cho nhân dân còn phải bảo đảm cho hồ Hòa Bình có đủ nguồn nước để điều tiết cho hạ du trong các tháng còn lại của mùa cạn, đặc biệt là cấp nước cho vụ Đông Xuân.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chức năng, tính toán, lập kế hoạch lấy nước cụ thể phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân năm 2021-2022; chủ trì, thống nhất với các cơ quan liên quan về thời gian cụ thể và phương án điều tiết nước cho hạ du theo hướng linh hoạt về thời gian lấy nước và mực nước hạ du sông, bảo đảm phù hợp với thực tế mực nước sông bị hạ thấp và khả năng lấy nước hiệu quả của công trình thủy lợi; hướng dẫn các địa phương khu vực hạ lưu thống nhất mùa vụ, thời gian lấy nước phù hợp với thời gian xả nước gia tăng của các hồ chứa theo kế hoạch, không để kéo dài thời gian lấy nước.

Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị quản lý vận hành hệ thống công trình thủy lợi phía hạ du rà soát, nâng cao năng lực, hiệu quả lấy nước phù hợp với điều kiện nguồn nước các hồ chứa và trên lưu vực sông, đặc biệt là các công trình lấy nước dọc dòng chính sông Hồng, sông Đuống và các hệ thống thủy lợi lớn ở hạ du như Bắc Hưng Hải, Bắc Đuống… tránh lãng phí nguồn nước.

UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các tổ chức trực thuộc, các cơ quan liên quan trong phạm vi cấp tỉnh quản lý lập kế hoạch sử dụng nước phù hợp trong điều kiện thiếu hụt nguồn nước; chỉ đạo các đơn vị quản lý vận hành hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh quản lý thực hiện việc lấy nước phù hợp với thời gian, kế hoạch vận hành xả nước của các hồ chứa; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong triển khai thống nhất mùa vụ, thời gian lấy nước phù hợp với kế hoạch vận hành xả nước của các hồ chứa; đồng thời cải tạo, nâng cấp, bổ sung công trình để chủ động, linh hoạt trong việc tổ chức lấy nước trong điều kiện nguồn nước tiếp tục có nguy cơ thiếu hụt trong thời gian tới.

UBND tỉnh Hòa Bình và TP Hà Nội khẩn trương chỉ đạo các các cơ quan chuyên môn xử lý các vấn đề liên quan đến việc cải tạo, nâng cao năng lực lấy nước của Nhà máy Nước sông Đà, giảm áp lực cấp nước đối với hệ thống hồ chứa trên sông Đà, đặc biệt là hồ chứa thủy điện Hòa Bình nhằm giảm thiểu nguy cơ thiếu nước cấp cho hạ du trong các tháng còn lại của mùa cạn.

Các đơn vị quản lý vận hành hồ chứa Lai Châu, Sơn La, Huội Quảng và Bản Chát, trên cơ sở điều chỉnh kế hoạch huy động điện của Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia và kế hoạch lấy nước ở hạ du, lập kế hoạch điều chỉnh phương án điều tiết nước phù hợp. Đối với Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà phối hợp chặt chẽ với đơn vị quản lý, vận hành hồ Hòa Bình trong quá trình lấy nước và khẩn trương hoàn thành giải pháp công trình để khai thác hiệu quả nguồn nước điều tiết từ hồ Hòa Bình.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất