Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Gian nan cuộc chiến giữ rừng

Thứ tư, 11/05/2016 - 06:31

(Thanh tra)- Năm 2015, tỉnh Điện Biên xảy ra 554 vụ vi phạm lâm luật. 4 tháng đầu năm 2016, đã xảy ra 238 vụ, trong đó có 128 vụ phá rừng, 71 vụ mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Những con số trên cho thấy, nạn phá rừng ở tỉnh Điện Biên có chiều hướng gia tăng. Cuộc chiến giữ rừng ở Điện Biên đầy cam go.

Rừng phòng hộ xã Mường Chà (huyện Điện Biên) đã bị “xẻ thịt”. Ảnh: Hồng Bài

Điện Biên hiện có 956.290,37 ha rừng tự nhiên. Trong đó đất lâm nghiệp 760.449,86 ha, chiếm 79,5% diện tích rừng tự nhiên (đất có rừng là 400.765,64 ha), độ che phủ của rừng đạt 41,8%.

Trong những năm gần đây, tình trạng phá rừng, khai thác, mua bán, cất giữ, chế biến kinh doanh lâm sản trái pháp luật và vận chuyển lâm sản trái pháp luật có chiều hướng gia tăng. Theo số liệu tổng hợp của Chi cục Kiểm lâm Điện Biên, năm 2015 toàn tỉnh có 188 vụ phá rừng (tăng 163 vụ so với năm 2014), xảy ra 299 vụ mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Lâm sản tịch thu 166,734m3 gỗ các loại. Xử phạt hành chính 453 vụ, xử lý hình sự 13 vụ. Tổng số tiền thu nộp ngân sách hơn 2,8 tỷ đồng. 4 tháng đầu năm 2016 đã xảy ra 128 vụ phá rừng, 71 vụ mua bán, vận chuyển lâm sản. Lâm sản tịch thu trên 140m3 gỗ các loại.

Ông Phạm Văn Khiêm, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm Điện Biên cho biết: Tình trạng phá rừng tập trung nhiều ở các huyện Mường Nhé, Mường Chà, Điện Biên Đông. Diện tích bị phá phần lớn là rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Đối tượng phá rừng chủ yếu là dân di cư tự do. Họ phá rừng làm nương. Vì vậy diện tích rừng bị phá lớn, phá đại trà, phá có tổ chức.

Điểm “nóng” về nạn phá rừng làm nương là huyện Mường Nhé. Chỉ tính trong năm 2015, các cơ quan chức năng đã xử lý hành chính 31 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 202 triệu đồng; củng cố hoàn thiện hồ sơ khởi tố hình sự 6 vụ với 6 đối tượng, trong đó xử lưu động 2 vụ nhằm răn đe, giáo dục.

Hàng chục cây gỗ sâng có đường kính hơn 1m bị chặt hạ. Ảnh: Hồng Bài

Tuy nhiên, nạn phá rừng vẫn xảy ra và ngày càng nghiêm trọng hơn. Cụ thể: Trong 4 tháng đầu năm 2016, tại Mường Nhé đã phát hiện 37 điểm phá rừng, làm thiệt hại gần 48 ha rừng, trong đó có hơn 9 ha rừng phòng hộ. Đầu tháng 3/2016, tại huyện Điện Biên, qua tuần tra, lực lượng Công an và Kiểm lâm tỉnh đã phát hiện, thu giữ 121m3 gỗ các loại tại tiểu khu 798, 799 rừng phòng hộ thuộc địa bàn bản Pha Lay, xã Mường Chà. Sau khi điều tra, Công an tỉnh Điện Biên đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Vì Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Mường Chà và Nguyễn Văn Đốc, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ gỗ “Xưởng Đốc”, phường Nam Thanh, TP Điện Biên Phủ phạm tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”. Đây là vụ phá rừng đầu nguồn lớn nhất từ đầu năm 2016 đến nay xảy ra trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Ngày 4/4, Công an huyện Tuần Giáo phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Phí Mạnh Hiếu, thường trú tại phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội về hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật gần 1,5m3 gỗ nghiến (58 thanh hộp). Ngày 14/4/2016, UBND tỉnh Điện Biên đã ra Quyết định số 536/QĐ-UBND xử phạt Phí Mạnh Hiếu 92,5 triệu đồng; tịch thu 58 thanh gỗ hộp nghiến, nộp tiền tương đương giá trị phương tiện 80 triệu đồng.

Nói về những khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR), ông Phạm Văn Khiêm cho biết: Điện Biên có diện tích rừng lớn, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn… trong khi lực lượng Kiểm lâm mỏng, thiếu; sự phối hợp giữa các ngành chức năng trong công tác QLBVR ở một số huyện hiệu quả chưa cao. Một số xã, chính quyền địa phương chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý Nhà nước trong lĩnh vực QLBVR. Trong khi đó, đối tượng khai thác, mua bán lâm sản trái phép ngày càng tinh vi. Việc xử lý vi phạm pháp luật về QLBVR tại một số đơn vị Hạt Kiểm lâm chưa kịp thời, còn để tồn đọng; chính quyền địa phương chưa xử lý cương quyết các vụ vi phạm pháp luật về QLBVR.

Khó khăn lớn nhất trong công tác QLBVR là đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng cao còn nhiều khó khăn; tập quán canh tác chủ yếu dựa vào nương rẫy, du canh, du cư. Thực tế trên cho thấy, việc giữ rừng ở Điện Biên còn gian nan và đầy cam go, quyết liệt.

Hồng Bài

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Không khí lạnh tăng cường, Hà Nội trời rét đậm, nhiệt độ 10 -13 độ C

Không khí lạnh tăng cường, Hà Nội trời rét đậm, nhiệt độ 10 -13 độ C

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, hiện nay không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết khu vực Trung Trung Bộ; ở vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, trạm đảo Cồn Cỏ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6.

Thái Hải

19:48 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm