Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Giám sát quá trình sản xuất, thi công công trình cần thân thiện môi trường hơn

Trần Quý

Thứ hai, 07/10/2024 - 20:42

​(Thanh tra) - Đó là một trong những nội dung tại buổi Tọa đàm "Xanh trong xây dựng" với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực ngành xây dựng, do Báo Giao thông tổ chức chiều nay (7/10), tại TP Hồ Chí Minh.

Các diễn giả tại buổi tọa đàm. Ảnh: TQ

Tại buổi tạo đàm, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đã hiến kế những giải pháp, cách làm hiệu quả để các chủ đầu tư, doanh nghiệp, nhà thầu... cùng chuyển đổi, hiện thực cam kết Net Zero vào năm 2050.

Để thực hiện cam kết đến 2050 Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng bằng "0", Chính phủ đã ban hành Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25/7/2022 về việc Phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả hội nghị lần thứ 26 của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.

Quyết định 888 nêu rõ, một trong những mục tiêu cụ thể cần thực hiện để giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực xây dựng là tập trung vào xây dựng công trình xanh, sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng vật liệu tái chế, ứng dụng công nghệ xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng hiện đại có tác dụng hấp thụ và lưu trữ khi CO2.

Hiện nay, trên địa bàn cả nước, nhất là TP Hồ Chí Minh đang triển khai rất nhiều công trình, dự án giao thông, nhà ở với quy mô lớn.

Chủ đầu tư các dự án bất động sản đều hướng đến xây dựng các khu đô thị đẳng cấp, đô thị xanh, lối sống xanh…

Bên cạnh đó, các dự án như sân bay Long Thành, nhà ga T3, cao tốc, cảng biển cũng đang hướng đến công trình xanh, thân thiện môi trường khi đưa vào khai thác.

Tuy vậy, quá trình xây dựng các công trình, dự án, có những khâu quá trình quản lý, giám sát chưa chặt chẽ.

Vì tối ưu hóa lợi nhuận, một số nhà thầu chưa thực sự quan tâm đúng mức đến vấn đề bảo vệ môi trường.

Từ sản xuất các vật liệu như xi măng, sắt thép… chưa áp dụng các giải pháp xanh; các trạm trộn bê tông lấn chiếm kênh rạch, xả thải ra môi trường; cho đến việc thi công các hạng mục hầm, đào đất nhà thầu đổ thải ra môi trường không đúng quy định…

Tất cả những vấn đề này đặt công tác quản lý môi trường, hoạt động giám sát, kiểm soát chuỗi quá trình sản xuất, thi công công trình cần chặt chẽ, thân thiện môi trường hơn.

90% khói bụi ở đô thị là do hoạt động xây dựng gây ra. Ảnh: TQ

TS Phan Hữu Duy Quốc - thành viên Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Xây dựng số 1 cho rằng, 90% khói bụi ở đô thị là do hoạt động xây dựng gây ra. Hoạt động xây dựng tác động đến môi trường rất lớn, đó là điều tất nhiên. Vấn đề là làm thế nào để giảm thiểu?

“Các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường đi liền với chi phí, với trách nhiệm của các đơn vị, các nhà thầu cũng như việc quản lý của chủ đầu tư các công trình”, ông Quốc nêu.

Đề cập về việc thi công ảnh hưởng đến việc đi lại, có thể gây mất an toàn giao thông, chế tài kiểm soát đối với nhà thầu thi công ra sao, PGS.TS Trần Văn Miền, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng, công trình xây dựng nào khi thi công cũng ảnh hưởng đến giao thông do rào chắn, giảm diện tích lòng đường, gây tắc đường, khói bụi...

Đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh thì hiện tượng khói bụi thi công là tất yếu. Dù vậy, rất cần rà soát các chế tài chặt chẽ để buộc nhà thi công thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Hoàng Hà, Giám đốc Tư vấn kỹ thuật và Phát triển kinh doanh Fico-YTL nhìn nhận: "Thực trạng xe bồn chở bê tông vào giờ cấm đã tồn tại rất lâu, đòi hỏi những quy định chính sách đồng bộ. Nếu không làm chặt chẽ thì các đơn vị tìm cách lách để cân đối chi phí”.

Riêng với Fico, ông cho biết, việc cung cấp vật liệu cho bê tông luôn cố gắng tuân thủ không chở quá tải, siết từ nhà phân phối, từ đơn vị vận tải để không xảy ra việc vi phạm các quy chuẩn về an toàn lao động, về ô nhiễm môi trường và pháp luật về giao thông…

Đề cập về các hoạt động đổ bê tông ảnh hưởng đến môi trường, TS Phan Hữu Duy Quốc cho biết, ở nước ngoài, các doanh nghiệp rất coi trọng việc bảo vệ môi trường, tuyệt đối không dám lơ là.

"Nếu anh vi phạm thì không ai dùng sản phẩm của anh nữa, đó là cách người tiêu dùng và công chúng quay lưng đối với một sản phẩm, một nhãn hàng. Ngành Xây dựng đang ở các “nốt trầm” nên tôi hy vọng các doanh nghiệp sẽ nâng cao ý thức tự giác về bảo vệ môi trường hơn nữa", ông Quốc nói.

Bàn về vấn đề các chủ đầu tư tại Việt Nam đã thực sự quan tâm đến xu hướng xanh hay chưa và Việt Nam có đi chậm so với thế giới hay không, TS Phan Hữu Duy Quốc dẫn giải, trào lưu xây dựng xanh trên thế giới bắt đầu từ 1995 và phát triển dần. Tại Việt Nam, trào lưu xây dựng xanh xuất hiện từ khoảng năm 2010. Theo ông, một số công trình đầu tiên áp dụng tiêu chí xanh tại Việt Nam xuất hiện vào năm 2014 và có chứng nhận quốc tế.

PGS.TS Trần Văn Miền cũng chia sẻ liên quan đến công nghệ in 3D bê tông. Hiện nay, Đại học Bách khoa đang nghiên cứu công nghệ in 3D thiết kế thi công tự động hóa không cần ván khuôn. Loại bê tông đặc biệt này sẽ in theo mô hình đã được lập trình.

Việc in 3D cũng giúp lưu trữ, “nhốt” CO2 tốt hơn (tức nhốt CO2 trong bê tông). Các nước áp dụng công nghệ in 3D vào thi công cầu bộ hành, nhịp cầu ngắn qua kênh khoảng 15-20m, hay cầu đi bộ (trong các khuôn viên tại Hà Lan).

Việc này Đại học Bách khoa chỉ mới bắt đầu nghiên cứu do chưa có tiêu chuẩn định mức cho loại công nghệ này để áp dụng vào các công trình đại trà.

Các đại biểu đều cho rằng, cần có các giải pháp, chế tài hữu hiện để đưa mục tiêu “Xanh trong xây dựng” thành hiện thực, cùng với các ngành chuyển đổi, hiện thực cam kết Net Zero vào năm 2050.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm