Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Có “bảo kê” cho “đá tặc” lộng hành?

Chủ nhật, 10/05/2015 - 06:40

(Thanh tra)- Thời gian gần đây, nhân dân thôn 3, xã Tân Phúc bức xúc về việc huyện Nông Cống ký “bùa hộ mệnh” cho hộ dân thuê đất sản xuất, thực chất là tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác đá trái phép. Việc làm này làm thất thoát tiền thuế, tài nguyên khoáng sản của Nhà nước...

Lợi dụng vào việc được chính quyền huyện cho thuê đất, núi Chúa bị đá tặc phá tan hoang. Ảnh: Văn Thanh

Núi Chúa tan hoang

Để tìm hiểu thực hư thông tin phản ánh của người dân, chúng tôi đã tìm về núi Chúa, thuộc địa phận thôn 3, xã Tân Phúc. Nhìn từ xa, núi như đang bị “tứa máu” bởi tình trạng nổ mìn, khai thác đá nham nhở. Lại gần hơn, các loại máy khoan, máy nghiền, máy múc hoạt động hết công suất, tiếng nổ nghe đinh tai nhức óc nhưng không hề bị lực lượng chức năng nào “sờ gáy”.

Tại chân núi, đá nằm lăn lóc khắp nơi như một bãi chiến trường, đường giao thông đi lại khó khăn, nhớm nháp bùn đất. Những tảng đá khổng lồ vừa được đánh xuống đang tiếp tục được công nhân hì hục khoan lỗ nhồi thuốc đánh mìn lấy đá hộc.

Một số công nhân không mang bảo hộ lao động vẫn ngang nhiên lái máy múc, bốc đá đưa lên thùng xe ô tô vận chuyển về trạm nghiền của Doanh nghiệp Tư nhân Toàn Thắng (DN Toàn Thắng) để sản xuất. Khi thấy chúng tôi tiếp cận, những công nhân này cố tình lẫn tránh bằng cách rời khỏi hiện trường, để lại máy khoan và những tuyến dây điện loằng nhoằng.

Việc khai thác đá ở đây cực kỳ nguy hiểm bởi việc nổ mìn, đánh đá không tuân thủ bất kỳ trình tự, thủ tục nào, cứ địa điểm có đá thì bị khai thác vô tội vạ.

Ngày 12/4/2015, tại khu vực mỏ đá thuộc địa bàn xã Hoàng Sơn, xảy ra vụ điện giật khiến 1 tài xế ô tô làm việc tại công trường khai thác đá của DN Toàn Thắng bị điện thiêu cháy đen. Sau đó, giữa gia đình bị nạn và DN Toàn Thắng đã có sự thỏa thuận đền bù bằng tiền để không kiện cáo đến các cơ quan chức năng.

“Bùa hộ mệnh” cho “đá tặc” phá núi

Tại thôn 3, khu vực núi Chúa, xã Tân Phúc không được cơ quan chức năng nào cấp phép cho tận thu, thăm dò, khai thác đá. Chỉ có chính quyền huyện Nông Cống ký cho hộ cá nhân thuê đất tại khu vực này để sản xuất đá. Lợi dụng “bùa hộ mệnh” này, DN Toàn Thắng đã đưa về chân núi một máy nghiền đá có công suất lớn để hoạt động. Theo đó, hầu hết lượng đá khai thác trái phép đều được đưa về đây để xay rồi đem bán ở khắp nơi. Đặc biệt, máy móc, điện sử dụng cho khoan lổ nổ mìn của “đá tặc” cũng được lấy ra từ đây.

Trước sự việc này, người dân địa phương đặt câu hỏi: Tại sao huyện Nông Cống lại cho thuê đất ở chân núi Chúa để DN Toàn Thắng xay nghiền đá. Đây có phải là hành vi “cố tình tiếp tay” cho việc khai thác đá chui? Việc nổ mìn khai thác đá trái phép diễn ra công khai nhưng chưa có lực lượng chức năng nào kiểm tra giấy phép cấp mỏ, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, thủ tục cấp thuốc nổ? Có hay không một thế lực đang “bảo kê” cho đá tặc lộng hành ở đây?

Hằng ngày, núi đá bị phá trái phép, nguyên liệu được lấy sản xuất thành đá nghiền đưa đi tiêu thụ khắp nơi, làm thất thoát tài nguyên khoáng sản của Nhà nước. Ảnh: Văn Thanh

Xuống kiểm tra thì núi… vắng tanh

Trao đổi với PV Báo Thanh tra, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Cống cho biết sẽ kiểm tra lại thông tin. Nếu đúng, địa phương sẽ xử lý nghiêm minh.

Sau một hồi xem hình ảnh, video clip do PV ghi lại tại hiện trường, ông Tuấn điện thoại cho Chủ tịch UBND Tân Phúc yêu cầu kiểm tra, dừng mọi hoạt động khai thác đá, báo cáo sự việc về UBND huyện. “Việc ký hợp đồng cho thuê đất ở đây, nếu làm quy mô thì phải làm các thủ tục để UBND tỉnh ký hợp đồng. Còn huyện cho thuê như thế nào phải kiểm tra lại các trình tự, thủ tục rồi mới quyết định sau”, ông Tuấn nói.

Còn ông Lê Hồng Tới, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện khẳng định: Khu vực thôn 3, huyện cho 1 hộ thuê đất để sản xuất (trong khi đây là khai trường khai thác đá trái phép, chế biến, sản xuất đá nghiền của DN Toàn Thắng - PV). Việc khai thác đá trái phép ở khu vực này là có thật, chỉ là các hộ dân nhỏ lẻ. “Mấy ngày qua, do mưa nên chúng tôi không đi kiểm tra được, huyện đã có văn bản yêu cầu UBND xã Tân Phúc dừng mọi hoạt động khai thác. Xã cũng có văn bản báo cáo đã xử lý dứt điểm”, ông Tới cho hay.

PV đã cùng ông Tới xuống hiện trường kiểm tra. Thế nhưng, tại khu vực núi Chúa lại vắng tanh, máy móc, dụng cụ khai thác đá được cất giấu, không còn bóng công nhân nào? Liệu thông tin có bị “mật báo” trong quá trình PV trao đổi với lãnh đạo huyện?

Được biết, trên địa bàn xã Tân Phúc hiện có 9 vị trí đang khai thác đá, trong đó 2 vị trí được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép cho DN, còn lại 7 vị trí chưa được cấp phép. Việc khai thác thổ phỉ này đã diễn ra trong một thời gian dài, gây thất thoát tài nguyên khoáng sản của Nhà nước, thế nhưng đến nay chính quyền các cấp vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.

Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, thông tin đến bạn đọc.

Văn Thanh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm