Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần có chính sách để bảo vệ người lao động

Thứ bảy, 11/01/2014 - 10:57

(Thanh tra) - Đó là những thông tin được chia sẻ tại buổi tọa đàm về “An toàn môi trường và sức khỏe nghề nghiệp trong các nhà máy sản xuất và lắp ráp điện tử: Kinh nghiệm quốc tế và hướng giải pháp cho Việt Nam” do Trung tâm Phát triển & Hội nhập CDI vừa tổ chức.

Các đại biểu chia sẻ thông tin tại buổi tọa đàm. Ảnh: Phương Hiếu

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu Việt Nam và quốc tế đã chia sẻ những thông tin và bằng chứng khoa học và thực tế về những ảnh hưởng đối với môi trường và sức khỏe người lao động tại các nước trên thế giới cũng như quan ngại về các rủi ro liên quan đến an toàn lao động và môi trường trong ngành điện tử và hướng can thiệp tại Việt Nam.

Bà Ngô Vân Hoài, Trưởng nhóm Nghiên cứu (CDI) “Đánh giá tác động ban đầu về an toàn môi trường và sức khỏe nghề nghiệp trong một số nhà máy sản xuất và lắp ráp điện tử tại Việt Nam” cho biết: Ở Việt Nam, chưa có một nghiên cứu toàn diện về an toàn vệ sinh lao động trong ngành điện tử cũng như các chương trình nâng cao nhận thức các tác động tiêu cực của ngành này đối với sức khỏe con người và môi trường. Do vậy, CDI đã đề xuất với Tổ chức Oxfam Bỉ (OSB) tiến hành nghiên cứu tại các khu công nghiệp Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương.

Trong quá trình triển khai nghiên cứu và khảo sát ở một số doanh nghiệp xác định có khoảng 26 loại hóa chất, dung môi được sử dụng trong quá trình sản xuất, lắp ráp các thiết bị điện tử mà người lao động sẽ phải tiếp xúc trực tiếp. Điều kiện lao động của ngành sản xuất và lắp ráp điện tử tại Việt Nam đã gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người lao động. Đặc biệt là ở một số công đoạn như sản xuất pin, con chíp, test chức năng, tiếp xúc với các hóa chất nguy hiểm, bức xạ ion hóa và không ion hóa…

Trong tổng số hơn 200.000 lao động trong ngành này, có trên 90% là lao động nữ từ 18 - 30 tuổi. Những lao động này đều đang ở độ tuổi sinh sản nên yêu cầu bảo đảm an toàn lao động lại càng cấp thiết hơn.

Qua phản ánh của người lao động đứng hoặc ngồi làm việc tại chỗ đều cho rằng thường xuyên đau mỏi lưng, vai gáy, cổ tê nhức, mỏi gối, rối loạn cơ xương. Bên cạnh các hiện tượng đau mỏi cơ xương, người lao động còn xuất hiện các hiện tượng đau mỏi giác quan, cơ quan chức năng như tai mắt, hô hấp… Các hiện tượng đau mỏi này là do tác động của điều kiện làm việc kéo dài 12 tiếng, không nghỉ ngơi đầy đủ…

Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Phương Hiếu

Tham gia tọa đàm trực tuyến từ Mỹ, TS.BS Thomas H. Gassert - Khoa Y tế công cộng, Đại học Harvard cho rằng, nhiều trường hợp người lao động sau khi rời bỏ doanh nghiệp mới phát hiện các bệnh, hoặc những người bị phơi nhiễm bởi bụi silic thì được chẩn đoán là bệnh lao… Do vậy, các quốc gia phải có chính sách ban hành để bảo vệ người lao động, các doanh nghiệp phải cung cấp thông tin đầy đủ cho người lao động về nguy cơ phơi nhiễm các loại hóa chất, dung môi, môi trường lao động mà mình làm việc…

Trưởng ban Chính sách - Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Quang Điều thì cho rằng, bản thân doanh nghiệp chưa tự giác công khai danh mục các hóa chất độc hại đang sử dụng nên không có đủ thông tin để cảnh báo người lao động tự bảo vệ bản thân. Do vậy, doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử phải tăng cường khám sức khỏe cho người lao động và có biện pháp phòng ngừa cho người lao động khi tiếp xúc với linh kiện độc hại...

Việt Nam là nước đang có sự phát triển nhanh cả về số lượng và quy mô các nhà máy điện tử. Hiện, cả nước có trên 500 nhà máy, công ty điện tử và 2/3 trong số đó là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ vẫn là địa điểm thu hút đầu tư của nhiều tập đoàn điện tử lớn trên thế giới.

Việc phát triển ngành lắp ráp điện tử đã có những đóng góp tích cực trong giải quyết việc làm cho lao động nhất là lao động phổ thông khu vực nông thôn và góp phần tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, làm thế nào để phát triển một nền "công nghiệp điện tử an toàn, bền vững” rất cần những kinh nghiệm quý từ quốc tế và sự tham gia của các doanh nghiệp, người lao động và các cơ quan chức năng bảo đảm an toàn môi trường và sức khỏe nghề nghiệp.

Phương Hiếu

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm