Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Các địa phương triển khai khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng bão số 3

Chủ nhật, 04/08/2019 - 13:53

Theo ghi nhận của phóng viên, trên Quốc lộ 12, đoạn đèo Cò Chạy (địa phận xã Hua Thanh, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) xuất hiện nhiều điểm sạt lở lớn nhỏ.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, từ đêm 2/8 đến ngày 4/8, trên địa bàn tỉnh Điện Biên xảy ra mưa lớn kéo dài khiến Quốc lộ 12 nối hai tỉnh Điện Biên-Lai Châu xuất hiện hàng chục điểm sạt lở, gây cản trở cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Theo ghi nhận của phóng viên, trên Quốc lộ 12, đoạn đèo Cò Chạy (địa phận xã Hua Thanh, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) xuất hiện nhiều điểm sạt lở lớn nhỏ.

Khối lượng lớn đất đá, cây cối từ vách taluy dương sạt lở xuống lòng đường, ngăn đường mương thoát nước khiến nước, bùn tràn ra đường gây khó khăn cho các phương tiện qua lại.

Ông Hà Văn Khương, Đội trưởng Đội Quản lý đường bộ 3 (Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Quản lý đường bộ II Điện Biên cho biết mưa lớn từ đêm 2/8-4/8, trên tuyến Quốc lộ 12 từ thành phố Điện Biên Phủ-thị xã Mường Lay xuất hiện hơn 20 điểm sạt lở lớn nhỏ. Trong đó có 3 điểm sạt lở lớn tại Km179, Km180 (địa phận xã Hua Thanh, huyện Điện Biên) và Km142+200 (địa phận xã Na Sang, huyện Mường Chà) với hàng vạn m3 đất đá từ vách taluy dương sạt lở xuống lòng đường.

Các điểm sạt lở chưa gây tắc đường nhưng gây nhiều khó khăn cho người đi đường. Để khắc phục tình trạng này, đơn vị đã huy động mắc móc cùng nhân lực tiến hành hót sụt sạt, san gạt các điểm sạt lở để đảm bảo giao thông trên tuyến.

Cũng theo ông Hà Văn Khương, tại một số điểm sạt lở lớn dù đơn vị đã tiến hành khắc phục nhưng do phía trên vách taluy dương địa chất yếu nên nguy cơ tiếp tục xảy ra sạt lở vẫn rất cao.

Mặt khác do trời vẫn mưa gây nhiều khó khăn cho công tác khắc phục tại các điểm sạt lở. Đơn vị thi công đã bố trí máy móc và nhân lực trực 24/24 trên tuyến để kịp thời khắc phục khi có sự cố xảy ra, đảm bảo không gây tắc đường.

Từ rạng sáng đến chiều 3/8, do ảnh hưởng của bão số 3 gây mưa lớn kéo dài làm nhiều diện tích lúa và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Hưng Yên bị ngập úng. Lượng mưa tại các địa phương trên địa bàn Hưng Yên ở mức từ 150 mm-220 mm.

Mưa lớn nhất là tại huyện Kim Động với hơn 220mm; huyện Văn Giang và thành phố Hưng Yên gần 200mm; tại các huyện Ân Thi, Phù Cừ, Khoái Châu, Tiên Lữ, Yên Mỹ, thị xã Mỹ Hào là trên dưới 150 mm. Mưa lớn đã làm cho hàng trăm hecta canh tác bị ngập úng cục bộ.

Khoái Châu là nơi bị ảnh hưởng nặng nhất với hơn 300 ha cây ăn quả gồm nhãn, chuối, cây có múi bị ngập úng ở các xã Đông Ninh, Chí Tân, Liên Khê... Các địa phương đã chủ động khơi thông, bơm, tháo gạn các diện tích bị úng tại các vườn cây ăn quả; nhiều diện tích chuối đến thời kỳ thu hoạch đã được nông dân đã tranh thủ thu sớm.

Tại huyện Văn Giang, vùng chuyên canh cam, quất, bưởi cảnh thuộc các xã Tân Tiến, Liên Nghĩa, Thắng Lợi, Mễ Sở đều có diện tích bị ngập cục bộ với hàng chục hecta, chủ yếu là các diện tích xen kẹt và khu vực hệ thống tiêu kém. Một số đoạn đường ra đồng ở 2 xã trồng hoa Xuân Quan và Phụng Công đã bị úng ngập.

Là nơi có lượng mưa lớn nhất tỉnh, huyện Kim Động có nhiều diện tích cây có múi tại xã Song Mai và Đồng Thanh bị ngập úng cục bộ. Tương tự, tại các huyện Ân Thi, Phù Cừ và Tiên Lữ, mưa lớn kèm gió mạnh đã làm ảnh hưởng đến 1 số diện tích rau màu của các xã Nhật Tân (Tiên Lữ); Hạ Lễ, Đào Dương (Ân Thi)...

Trên địa bàn thành phố Hưng Yên, một số tuyến đường nội thành và đường ra đồng bị ngập úng cục bộ. Mưa lớn đã làm cho một số diện tích lúa và hoa màu ở thôn Tính Linh, xã Trung Nghĩa và gần 10ha diện tích nhãn của xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên bị ngập nặng.

Ông Đỗ Minh Tuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên cho biết, Sở đã chỉ đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi chủ động gạn, tháo, tiêu thoát nước đệm bảo đảm chống úng triệt để; kiểm tra hoạt động của hệ thống thiết bị, máy bơm, cửa cống, khả năng tiêu thoát của hệ thống sông trục Bắc Hưng Hải.

Hiện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi đã huy động hơn 50 trạm bơm tích cực bơm tiêu thoát úng, nhất là với khu vực chuyên canh nhãn tại các huyện Khoái Châu, Tiên Lữ, Ân Thi, Kim Động, Phù Cừ, thành phố Hưng Yên; tăng cường công tác trực ban, điều hành hệ thống trạm bơm, kịp thời chỉ đạo bơm tiêu úng.

Xí nghiệp khai thác Công trình thủy lợi các huyện, thành phố đã cho vận hành trạm bơm để gạn tháo nước tại các tuyến kênh mương nội đồng; chỉ đạo nông dân chằng buộc, sử dụng tre, luồng để chống cành, chống cây hạn chế đổ gãy cây, rụng quả khi có gió mạnh. Đồng thời, khơi thông rãnh thoát nước không để ngập, úng ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây, sự phát triển của quả; đồng thời khẩn trương thu hoạch các diện tích cây ăn quả đã chín... nhằm giảm thiểu thiệt hại nếu mưa lớn kéo dài.

Các huyện Kim Động, Khoái Châu, Tiên Lữ, thành phố Hưng Yên hướng dẫn người dân neo đậu tàu thuyền trên sông, neo giữ lồng bè nuôi thả cá trên sông Hồng, sông Luộc; chặt tỉa cành cây; tranh thủ thu hoạch hoa màu, cây ăn quả đặc biệt là cây nhãn đang trong thời kỳ thu hoạch; có biện pháp chống tràn, bảo vệ khu nuôi trồng thủy sản, khơi thoáng hệ thống rãnh thoát nước, bảo đảm tiêu thoát nước thuận lợi, giảm mọi thiệt hại do mưa lớn gây ra.

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, từ đêm 2/8 đến 20 giờ ngày 3/8, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có mưa vừa, mưa to đến rất to và dông, đã làm nhiều đập tràn ở các huyện miền núi Tân Sơn, Thanh Sơn bị ngập, gây khó khăn cho người và các phương tiện khi tham gia giao thông.

Ông Phan Minh Đức, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tân Sơn cho biết, đến chiều 3/8, trên địa bàn huyện Tân Sơn mưa bão chưa xảy ra thiệt hại về người cũng như thiệt hại về tài sản nhưng đã làm toàn bộ đập tràn, điểm giao thông bị ngập sâu, gây nguy hiểm cho người dân khi tham gia giao thông, một số điểm giao thông đã bị chia cắt hoàn toàn.

Cụ thể, đã có 30 điểm cầu tràn bị ngập nước, một số điểm không thể qua lại. Tại xã Tân Minh, huyện Thanh Sơn, mưa to cũng đã làm ngập điểm tràn trên tuyến đường chính di chuyển qua các xã Văn Miếu, Tân Minh, Hương Cần, khiến các phương tiện tham gia giao thông gặp nhiều khó khăn.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu hộ cứu nạn các huyện Tân Sơn, Thanh Sơn đã chỉ đạo các địa phương trên địa bàn huyện túc trực 24/24 tại các điểm có nước lũ chảy qua, kiên quyết không cho người dân, phương tiện giao thông di chuyển qua lại, đảm bảo an toàn về tính mạng cũng như tài sản cho nhân dân; theo dõi sát sao tình hình mưa lũ, đặc biệt là sạt lở, đề phòng lốc xoáy.

Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Việt Bắc, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, từ đêm 3/8 đến ngày 4/8, các nơi trong tỉnh Phú Thọ có mưa vừa, mưa to đến rất to và dông (lượng mưa phổ biến từ 100-200mm/đợt, có nơi trên 250mm), trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét, gió giật mạnh. Các huyện miền núi như Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Hạ Hòa... cần đề phòng lũ ống, lũ quét./.

(Theo TTXVN/Vietnam+)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm