Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Báo động chất lượng nước vùng ven

Thứ năm, 18/12/2014 - 06:38

(Thanh tra)- Thời gian gần đây, sự phát triển đô thị nhanh và sự yếu kém trong công tác quản lý khiến môi trường nước ở nhiều nơi tại TP Hồ Chí Minh đang rơi vào tình trạng ô nhiễm nặng nề và ngày càng có chiều hướng gia tăng. Hậu quả của tình trạng này là hàng trăm nghìn hộ dân ở các quận, huyện vùng ven của thành phố đang phải sống chung với rác thải và sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh.

Rác thải tràn lan trên các kênh, rạch ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè. Ảnh: Trung Đức

Đến các quận, huyện vùng ven của TP Hồ Chí Minh, hình ảnh dễ thấy nhất là những dòng kênh nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối. Dù là những người trực tiếp chịu hậu quả, nhưng một bộ phận không nhỏ người dân ở những địa phương này vẫn hồn nhiên vứt rác và xả chất thải ra sông, kênh, rạch. Hiện tượng này phổ biến ở các quận: 9, Thủ Đức, Bình Tân; các huyện: Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè. Tình trạng ô nhiễm càng nghiêm trọng hơn khi nước thủy triều xuống thấp. Trong đó, đáng lo ngại nhất là nước thải khu vực dân cư, cụ thể là nước thải sinh hoạt nhiễm phân chảy tràn trên mặt đất.

Bà Dương Thị Thẩm, người dân ở ấp 1, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè bức xúc: “Cứ sau mỗi trận mưa lớn, cống ở đây đùn lên, nước bẩn tràn vào nhà khiến người dân cực khổ quá. Ở đây nhà nào cũng chịu cảnh như vậy chứ không riêng gì mình tôi. Nước sinh hoạt, ăn uống mình cũng phải dung từ nguồn đó thôi chứ biết làm sao”.

Hiện nay, khi nguồn nước mặt trên các sông, kênh, rạch ở các quận, huyện ngoại thành của TP Hồ Chí Minh đã bị ô nhiễm nặng và không thể sử dụng thì người dân chuyển sang khai thác nước ngầm từ các giếng khoan. Tuy nhiên, nguồn nước này cũng đang bị ô nhiễm nặng. Qua phân tích của ngành Y tế TP, trong hơn 100 mẫu nước đang được các hộ dân sử dụng tại quận 9, quận Thủ Đức và các huyện: Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi đều bị nhiễm vi sinh vật với nồng độ rất cao. Vậy mà mỗi ngày vẫn có khoảng 600.000m3 nước ngầm được người dân ở các quận, huyện ngoại thành của thành phố khai thác và sử dụng.

Ông Trần Văn Tạo, người dân ở ấp 4, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè nói: “Nước giếng khoan bây giờ nhiễm phèn nhiều quá, người dân ít dùng nên người ta không lọc, không xúc hồ gì hết, muốn bỏ luôn quá. Người dân ở đây mong muốn công ty cấp nước làm sao để  cho người dân có nước sạch xài, chứ bà con cứ phải đi câu lại của một số hộ nên bị tính theo giá nước phạt”.

Nguồn nước thải từ thượng nguồn ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương chảy ra sông Sài Gòn và sông Đồng Nai cũng góp phần không nhỏ làm cho nguồn nước ở TP Hồ Chí Minh ô nhiễm hơn. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm cho người dân TP khi sử dụng nguồn nước này, nhất là bệnh đường ruột và bệnh ngoài da.
 
Ông Lê Văn Cư, người dân ở tổ 5, khu phố Long Đại, phường Long Phước, quận 9 cho biết: “Người dân ở đây chủ yếu xài nước rạch, từ sông chảy vào. Có nhiều nhà phải chứa nước lại để xài trong các thiết bị như thùng, lu, bể bê tông. Nguồn nước từ sông Đồng Nai vào hiện nay so với ngày xưa thì đã bị ô nhiễm rất nhiều, ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe của bà con. Tôi nghĩ rằng, đây là sự thiếu quan tâm của cấp trên”.

Một nguyên nhân khác khiến tình trạng ô nhiễm trên các sông, kênh, rạch tại TP Hồ Chí Minh ngày càng trầm trọng là do ý thức của một bộ phận người dân còn thấp, trong khi đó, công tác quản lý về môi trường của các ngành chức năng và chính quyền địa phương của TP còn nhiều hạn chế.

Theo số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, hiện nay, TP có khoảng 3.300 nguồn thải từ các cơ sở sản xuất, thương mại, dịch vụ. Trong số đó, chỉ có khoảng 35% nguồn thải được xử lý. Các thành phần như: Nhu cầu oxy sinh học (BOD5), nhu cầu oxy hóa học (COD), chỉ tiêu vi sinh (Coliform), hàm lượng chất lơ lửng (SS), kim loại nặng… đều vượt tiêu chuẩn từ vài chục đến cả nghìn lần cho phép.

Ông Trần Nguyên Hiền, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường TP) cho biết: “Thực tế thì công tác bảo vệ môi trường nước trên địa bàn TP đang rất cần sự tham gia, phối hợp của các ban, ngành, địa phương và sự đồng thuận của người dân, nhất là người dân sống dọc các tuyến kênh, rạch. Khó khăn nhất trong công tác bảo vệ môi trường của TP hiện nay là làm sao vận động được người dân đồng lòng thực hiện công tác bảo vệ môi trường. Công tác này cần phải thực hiện một cách liên tục và lâu dài”.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học về môi trường, nếu cứ đối xử với môi trường như hiện nay, chỉ đến khoảng năm 2035 - 2050, toàn bộ nguồn nước mặt của TP Hồ Chí Minh sẽ không thể sử dụng được vì ô nhiễm quá nặng. Để trả lại môi trường sống trong lành cho người dân nông thôn, bên cạnh việc tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức của cộng đồng, chính quyền các cấp TP cần có hình thức xử phạt thích đáng đối với hành vi xả rác và chất thải bừa bãi ra môi trường.

Trung Đức

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm