Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

An ninh môi trường cần được dự báo trước quy hoạch

Thứ ba, 19/09/2017 - 06:35

(Thanh tra)- Ô nhiễm môi trường công nghiệp gia tăng cùng với những ô nhiễm khác như: Môi trường đất, làng nghề... khiến “thành phố công nghiệp” Hải Phòng phải đối mặt với nhiều nguy cơ mất an ninh môi trường (ANMT).

Ô nhiễm môi trường tại một làng nghề. Ảnh: HO

Ô nhiễm công nghiệp gia tăng

TP Hải Phòng có 17 khu công nghiệp (KCN), trong đó 5 KCN: Đình Vũ, VSIP, Nam Đình Vũ, Tràng Cát, Tràng Duệ có diện tích gần 10.000ha. Còn 4 KCN khác: Nomura, Đồ Sơn, Nam Cầu Kiền, An Dương có diện tích 5.566ha. Trong 7 KCN đã xây dựng hạ tầng và có hoạt động thu hút đầu tư nhưng mới có 6 KCN xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung, còn KCN Nam Cầu Kiền đang xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung.

Ngoài ra, TP cảng còn có trên 11.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nằm ngoài các KCN, cụm CN. Hơn 5.000 cơ sở được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường, cam kết bảo vệ môi trường từ năm 1994 đến nay. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ sở vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường như xả thải vượt quy chuẩn cho phép, xả trộm, xả thẳng, không vận hành xử lý thiết bị xử lý, việc quản lý chất thải nguy hại không đúng quy định, không kê khai nguồn thải, quan trắc chưa đủ tần suất, thông số quy định.

“So với các năm trước đây, thì ô nhiễm môi trường không khí đang gia tăng tại một số khu vực mật độ tập trung công nghiệp cao như: Quán Toan, An Lão, Minh Đức, Tam Hưng, Vĩnh Bảo (Tân Liên)”, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường (TNMT) Hải Phòng Lê Sơn nhận định.

Bên cạnh việc ô nhiễm môi trường công nghiệp gia tăng, thì Hải Phòng còn phải đối mặt với rất nhiều vấn đề mất ANMT khác từ: Ô nhiễm môi trường đất; chất lượng nước bị đe dọa; ô nhiễm môi trường làng nghề; diễn biến đa dạng sinh học theo chiều hướng xấu, thậm chí là nguy cơ mất tên Cảng Hải Phòng.

Thanh tra Sở TNMT Hải Phòng cũng thẳng thắn chỉ ra thời gian qua, trên địa bàn xảy ra nhiều sự cố môi trường chủ yếu xảy ra trong sản xuất công nghiệp do nhiều nguyên nhân, thiệt hại đến tính mạng và ô nhiễm môi trường. Một số vụ tiêu biểu như: Sập mái phân xưởng nghiền clinke của CtyXi Măng Hải Phòng; vụ rò rỉ tồn đọng hóa chất độc hại - nổ kho xăng dầu K31 Thủy Nguyên khiến 3 người thiệt mạng; vụ tràn axit sunphuric từ bồn chứa và rò rỉ khí NH3 tại cảng nhập nguyên liệu của Cty TNHH Sản xuất Phân bón DAP gây ảnh hưởng tới các cơ sở xung quanh. Hay, vụ ô nhiễm cộng hưởng xảy ra đối với KCN Thép Quán Toan những năm 2010 - 2011 do 15 ống khói của 7 doanh nghiệp sản xuất thép thường xuyên xả khí thải độc hại ra môi trường khiến 40 học sinh Trường THPT Quán Toan bị ngất nhiều lần. Ngoài ra, còn rất nhiều vụ việc doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm kéo dài, nhiều năm chưa giải quyết dứt điểm...

Ô nhiễm môi trường nước tại các sông. Ảnh: HO

Cần có dự báo ANMT

Nhiều ý kiến chuyên gia môi trường cho rằng, ANMT mới chỉ được nêu 1 lần duy nhất trong Điều 3, Khoản 29 của Luật Bảo vệ môi trường mới nhất. Như vậy là không đủ làm cơ sở cho sự quan tâm của các cấp chính quyền từ TƯ đến địa phương cũng như hướng dẫn thực hiện.

Thực tế, hiện nay Bộ TNMT đang được giao chủ trì đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu xác định các chỉ số ANMT, đề xuất khung chính sách và giải pháp quản lý, ứng phó”.

Theo Chánh Thanh tra Sở TNMT Hải Phòng, trong khi chờ đề tài hoàn thành, Bộ TNMT có thể đưa nội dung ANMT như là dự báo trong hồ sơ để giúp điều chỉnh quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Hoặc đưa vào báo cáo của một số loại dự án có nguy cơ tiềm ẩn các tác động môi trường, gây ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị, xã hội và phát triển kinh tế của quốc gia như các dự án: Cảng Lạch Huyện, KCN Nam Đình Vũ, đổ bùn nạo vét hàng năm tại các cảng ở Hải Phòng cũng như các dự án thủy điện, sân bay quốc tế...

“Bộ chỉ số ANMT nên chia thành các cấp độ và đưa vào thành 1 nội dung trong báo cáo hiện trạng môi trường 5 năm của các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, cũng cần cân nhắc về nội dung phương pháp để tránh tác dụng ngược, ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, cũng như sự ổn định chính trị, xã hội và phát triển kinh tế chung”, Chánh Thanh tra Sở TNMT Hải Phòng Lê Sơn nhấn mạnh.

Oanh Hữu

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm