Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

1.150 hồ đập bị xuống cấp nghiêm trọng

Thứ hai, 14/07/2014 - 06:23

(Thanh tra) - Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện cả nước còn 1.150 hồ đập bị xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao, do đó cần triển khai ngay các giải pháp cấp bách để đảm bảo an toàn đời sống người dân.

Hội thảo về an toàn hồ đập vừa diễn ra. Ảnh: T.A

Gia tăng nỗi lo về mất an toàn hồ đập

Bộ NN&PTNT nhận định, hệ thống hồ đập có vai trò rất quan trọng trong cung cấp nước phục vụ thuỷ điện, tưới tiêu, điều tiết phòng chống lũ… Rất nhiều hồ đập có vị trí rất quan trọng đối với an toàn ở vùng hạ lưu. Do đó, việc đảm bảo an toàn hồ đập là đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, hiện năng lực quản lý dù đã rất cố gắng, nhưng công tác này còn rời rạc, chưa có hệ thống. Việc đảm bảo an toàn cho vùng hạ du đã được triển khai trên một số dự án, nhưng trên diện rộng thì còn hạn chế.

Theo Ban Quản lý Trung ương các dự án thủy lợi (CPO), cả nước hiện có 6.648 hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích khoảng 11 tỷ m3. Trong đó 560 hồ chứa lớn dung tích hơn 3 triệu m3 hoặc đập cao trên 15 m; 1752 hồ có dung tích trữ từ 0,2 đến 3 triệu m3, còn lại là 4336 hồ có dung tích nhỏ hơn 0,2 triệu m3. Các địa phương đã xây nhiều hồ chứa là Nghệ An, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Hòa Bình, Bắc Giang…

Sau hơn 10 năm triển khai Chương trình Đảm bảo an toàn hồ chứa, đến nay các hồ có dung tích lớn hơn 100 triệu m3 đã được sửa chữa, nâng cấp ở mức đảm bảo cao. Tuy nhiên, số lượng hồ chứa có dung tích dưới 3 triệu m3 được sửa chữa không nhiều, ước tính khoảng 1150 hồ chứa bị hư hỏng xuống cấp và thiếu khả năng xả lũ cần phải sửa chữa. Trong đó 334 hồ chứa bị hư hỏng nặng cần đặc biệt quan tâm bảo đảm an toàn trong mua mưa lũ năm 2014.

Theo các chuyên gia, các nguyên nhân chính là do các hồ đập đã qua thời gian sử dụng từ 30 đến 40 năm thậm chí lên đến 50 năm đã xuống cấp. Hầu hết các hồ chứa vừa và nhỏ được xây dựng từ nguồn lực huy động trong nhân dân và địa phương nên việc khảo sát thiết kế còn hạn chế, việc thi công chủ yếu bằng vật liệu tại địa phương và đào đắp bằng thủ công… Số lượng hồ hư hỏng chủ yếu là hồ chứa nhỏ. Trong khi đó, việc nắm bắt thông tin về hồ trong mùa mưa bão còn hạn chế, việc triển khai ứng cứu khi có sự cố thường chậm.

Bà Keiko Sato, Giám đốc Phụ trách hoạt động và chương trình đầu tư, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đánh giá: Vấn đề về an toàn hồ đập đang rất bức xúc ở Việt Nam. Bởi vì, Việt Nam có số lượng hồ đập rất lớn, nhưng trong đó nhiều hồ không được xây dựng theo tiêu chuẩn và chất lượng cao; việc nâng cấp, duy trì bảo dưỡng chưa được thực hiện hợp lý. Thực tế, cùng với tác động của thiên tai, đã có những ảnh hưởng từ mất an toàn hồ đập đến đời sống người dân. Với tác động của biến đổi khí hậu, rủi ro từ thiên tai cho con người ngày càng tăng.

Mất an toàn hồ đập có nguy cơ dẫn tới lũ lụt mất kiểm soát. Ảnh minh họa: T.A

Thu vốn các địa phương đã bố trí ngân sách sai quy định

Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, khó khăn lớn nhất trong đảm bảo an toàn hồ đập hiện nay là kinh phí để sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa thủy lợi. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ có Thông báo 260/TB-VPCP, chỉ đạo ứng trước 426 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương trong kế hoạch năm 2015 để hoàn thành các dự án, công trình sửa chữa hồ chứa nước thủy lợi đang thực hiện dở dang của các địa phương đã được hỗ trợ vốn từ năm 2013 nhưng còn thiếu vốn.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ NN&PTNT có trách nhiệm rà soát, bổ sung các quy định pháp luật về quản lý an toàn hồ, đập, trong đó xác định rõ trách nhiệm của các bộ, cơ quan, địa phương trong việc quản lý, điều hành nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các công trình.

Cùng với đó, Bộ NN&PTNT phải phê bình các địa phương đã để xảy ra sai sót trong quản lý và sử dụng không đúng nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình hồ chứa nước thủy lợi năm 2013. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ NN&PTNT thu hồi toàn bộ về ngân sách Trung ương đối với số vốn các địa phương đã bố trí sai quy định.

Ông Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn Việt Nam cho rằng, hiện nay pháp luật còn nhiều lỗ hổng về tiêu chuẩn pháp lý đối với chủ đầu tư, người thiết kế hồ đập. Ai cũng làm được thiết kế đập, ai cũng xây dựng được đập trong khi đây là những công trình đòi hỏi chuyên môn cao, đã khiến tình trạng đập nhanh hư hỏng, mất an toàn xảy ra. Mặt khác sở dĩ hồ đập thường trực nguy cơ mất an toàn vì mỗi địa phương quản một kiểu.

“Vì vậy, cần có quy định khung giao cho cơ quan cụ thể làm "nhạc trưởng” để giải quyết vấn đề hồ chứa không thể điều hành theo kiểu cảm tính được. Việc nâng cao an toàn hồ đập phải xuyên suốt từ quá trình quy hoạch, khảo sát thiết kế, lập dự án đầu tư, tổ chức thi công xây dựng, quản lý vận hành. Ngoài các giải pháp công trình cũng cần phải có những giải pháp phi công trình như: năng lực của người quản lý, tổ chức hệ thống bộ máy để vận hành cũng hết sức quan trọng” - ông Giang nhấn mạnh.

T.An - C.Khôi

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Không khí lạnh tăng cường, Hà Nội trời rét đậm, nhiệt độ 10 -13 độ C

Không khí lạnh tăng cường, Hà Nội trời rét đậm, nhiệt độ 10 -13 độ C

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, hiện nay không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết khu vực Trung Trung Bộ; ở vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, trạm đảo Cồn Cỏ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6.

Thái Hải

19:48 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm