Tại báo cáo gửi Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cuối tháng 4, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt; trong đó có 3 ngân hàng mua bắt buộc (gồm: Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP Bank)) và Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank).

Các nội dung tiếp theo đang được các bên liên quan thực hiện để trình Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại các ngân hàng này theo trình tự, thủ tục quy định, theo Ngân hàng Nhà nước.

Trước đó, trong quá trình cơ cấu hệ thống ngân hàng, 3 ngân hàng (CBBank, OceanBank, GPBank) bị mua lại với giá 0 đồng vào năm 2015. Cùng năm này, DongABank bị kiểm soát đặc biệt.

Với Ngân hàng Sài Gòn (SCB) - ngân hàng được đặt vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đang thực hiện các thủ tục đánh giá tổng thể thực trạng để có cơ sở xây dựng phương án cơ cấu lại ngân hàng này, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Sau thời gian được đặt vào kiểm soát đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cho hay, hoạt động của SCB vẫn trong tầm kiểm soát và dần ổn định; không xảy ra tình huống mất an ninh, trật tự trên các địa bàn có chi nhánh, phòng giao dịch của SCB.

Liên quan tới xử lý nợ xấu, theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối 2022 ở mức 2%. Tuy nhiên, tỷ lệ này đến cuối tháng 2 năm nay đã tăng lên 2,91%, tăng 0,91% so với cuối 2022 và gần gấp đôi cuối năm 2021 (1,49%).

Dù tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các ngân hàng được kiểm soát dưới 3%, nhưng Ngân hàng Nhà nước cho rằng, một số khoản nợ chưa phải là nợ xấu nhưng có nguy cơ chuyển nhóm nợ, như các khoản được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ hay các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái.

Nếu tính các khoản nợ tiềm ẩn này và nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) chưa xử lý, tổng nợ xấu nội bảng thì nợ xấu của các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 2/2023 khoảng 5% tổng dư nợ, theo Ngân hàng Nhà nước.

“Cần ghi nhận những khoản này để có giải pháp quản lý, xử lý nhằm ngăn ngừa nguy cơ chuyển nợ xấu trong tương lai”, Ngân hàng Nhà nước lưu ý.

Về xử lý nợ xấu, tháng 2/2023, các tổ chức tín dụng xử lý được 21.300 tỷ đồng nợ xấu, trong đó số xử lý nhờ trích lập dự phòng rủi ro chiếm 41%, còn khách hàng trả nợ chiếm gần 49% tổng nợ xử lý.

Bên cạnh xử lý nợ nội bảng, đến cuối tháng 1 năm nay có 416.000 tỷ đồng nợ xấu được xác định và xử lý theo Nghị quyết 42 của Quốc hội. Trong đó, tỷ lệ nợ nội bảng là 211.900 tỷ đồng, tương đương gần 51% tổng nợ xấu đã xử lý.

Các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế hoạch là 122.100 tỷ đồng; nợ đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 82.100 tỷ đồng.

Đến cuối tháng 1, các tổ chức tín dụng đã sử dụng khoảng 223.500 tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý các khoản nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết 42 và bán cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt 40.500 tỷ.

Công tác thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước chú trọng và tăng cường nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các rủi ro, tồn tại và sai phạm.

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Kế hoạch thanh tra năm 2023, trong đó tập trung thanh tra chuyên đề đối với những vấn đề tiềm ẩn nhiều rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Theo cơ quan này, trong quý I/2023, thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng đã triển khai 371 cuộc thanh tra, kiểm tra; ban hành 69 quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Đồng thời, đang rà soát, kiện toàn mô hình tổ chức và hoạt động của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, giám sát ngân hàng. 

Hương Giang