Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2020 vẫn còn thấp

Thứ ba, 30/06/2020 - 06:00

(Thanh tra)- Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 của các bộ, ngành, địa phương đến hết ngày 31/5 là hơn 122.241 tỷ đồng, đạt gần 26% kế hoạch.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Trần Quý

Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 của các bộ, ngành, địa phương đến hết ngày 31/5 là hơn 122.241 tỷ đồng, đạt gần 26% kế hoạch.

Trong tổng vốn giải ngân của 5 tháng đầu năm nay, vốn trong nước đã giải ngân hơn 114.819 tỷ đồng (đạt 27,96% kế hoạch), vốn nước ngoài là 7.421 tỷ đồng (đạt 12,37% kế hoạch).  

Theo Bộ Tài chính, có 7 bộ, ngành và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 30%. Có 34 bộ, cơ quan Trung ương và 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%. Trong đó, có 18 bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 5%. Đáng chú ý, nhiều đơn vị chưa giải ngân được đồng vốn nào, như: Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam…

Đối với nguồn vốn nước ngoài, tỷ lệ giải ngân 5 tháng đầu năm 2020 đạt 12,37% kế hoạch, cao hơn so với cùng kỳ năm 2019 (đạt 3,38% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 5,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Tuy nhiên, vẫn còn số lượng rất lớn, 44 đơn vị (11 bộ, ngành và 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) tỷ lệ giải ngân đạt dưới 2% tổng số vốn kế hoạch được giao khoảng 21.700 tỷ đồng.

Tại hội nghị trực tuyến sơ kết và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài năm 2020 do Bộ Tài chính vừa tổ chức, các đại biểu đã chỉ ra nhiều nguyên nhân trong việc chậm giải ngân vốn đầu tư công nói chung và vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài nói riêng.

Việc giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ là do một số các dự án của các bộ, ngành, địa phương được bổ sung kế hoạch từ nguồn dự phòng trung hạn và 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm của các dự án quan trọng quốc gia, nhưng đến nay chưa được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch đầu tư công trung hạn nên chưa đủ điều kiện giao kế hoạch năm 2020, do đó, chưa thể giải ngân.

Một số dự án đang trình phê duyệt thiết kế, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, chưa ký hợp đồng nên chưa thực hiện và giải ngân (các dự án của Bộ Y tế là hơn 1.241 tỷ đồng). Một số dự án mới được phê duyệt bổ sung kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và mới giao kế hoạch vốn năm 2020 trong tháng 4 và tháng 5/2020 nên chưa giải ngân.

Đối với nguồn vốn nước ngoài, từ đầu năm đến nay, một số bộ, ngành, địa phương vẫn đang tập trung giải ngân kế hoạch vốn 2019 còn lại và được kéo dài đến hết ngày 31/12/2020. Một số dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, sửa đổi hiệp định vay, hiện nay vẫn chưa xong thủ tục để giải ngân kế hoạch vốn năm 2020...

Theo ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), có 7 nguyên nhân làm ảnh hưởng đến kết quả giải ngân của các dự án, trong đó nguyên nhân cơ bản xuất phát từ việc triển khai thực hiện dự án của các cơ quan chủ quản, các chủ dự án. Bên cạnh đó, thời gian thống nhất được với nhà tài trợ nước ngoài về các nội dung hoạt động của dự án thường kéo dài; một số dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay nên chậm triển khai.

Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm nay, nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, do đó, các dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi cũng gặp nhiều khó khăn.

Ông Long cho rằng, hầu hết các hoạt động của các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát... nên đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện dự án. Hoạt động giải ngân do đó cũng ngưng trệ do không có khối lượng, hoặc nếu có khối lượng thì cũng chậm được xác nhận.

Nhiều bộ, ngành, địa phương giải ngân vốn đầu tư công chậm. Ảnh: Trần Quý

Tại hội nghị, đại diện một số địa phương cũng chia sẻ những vướng mắc khi thực hiện các quy định tại Nghị định 56/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ 25/5/2020 có nhiều quy định thay đổi so với nội dung các Nghị định trước đó (Nghị định 132/2018/NĐ-CP, Nghị định 16/2016/NĐ-CP) đặc biệt là các nội dung liên quan đến quy trình điều chỉnh hiệp định vay. Điều này dẫn đến việc các bộ, địa phương, chủ dự án còn lúng túng trong quá trình triển khai dự án.

Ngoài ra, vấn đề giải phóng mặt bằng chậm, năng lực hạn chế của các nhà thầu, chậm giải quyết tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu, quá trình thẩm định của cơ quan cho vay lại đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thường bị kéo dài... cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công được các đại biểu nêu ra tại hội nghị.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh hoặc thu hồi kế hoạch vốn năm 2020 đối với các trường hợp chưa đủ điều kiện bố trí vốn; tổng hợp phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020 của các bộ, cơ quan Trung ương, tập đoàn kinh tế và các địa phương về danh mục, mức vốn bố trí cho từng dự án của các cơ quan, đơn vị trực thuộc và UBND cấp dưới để báo cáo Chính phủ, đồng gửi Bộ Tài chính để kiểm soát việc giải ngân theo dự án.

Đối với các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, Bộ Tài chính đề nghị cần khẩn trương phân bổ hết số vốn kế hoạch năm 2020 còn lại chưa phân bổ theo quy định. Các bộ, ngành, địa phương cần tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án sử dụng vốn đầu tư công; kiên quyết cắt giảm, điều chuyển kế hoạch vốn của các dự án giải ngân chậm. Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền phải xử lý nghiêm các trường hợp làm chậm, thiếu trách nhiệm, vi phạm quy định, đảm bảo giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công.

Liên quan đến việc giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản đề nghị các đồng chí bí thư tỉnh ủy, thành ủy, bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020. Thủ tướng yêu cầu phải phấn đấu giải ngân hết số vốn đầu tư công được giao kế hoạch năm 2020 (kể cả số vốn các năm trước chuyển sang). Kết quả giải ngân dự án đầu tư công là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020 của tổ chức, cá nhân được phân công theo dõi.

Trần Quý

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

BIDV tăng cường hợp tác để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu

BIDV tăng cường hợp tác để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu

(Thanh tra) - Ngày 02/12/2024, trong khuôn khổ Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và hơn 500 đại biểu, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển hoạt động xuất nhập khẩu với Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương.

Uyên Uyên

20:18 06/12/2024
Vinamilk chiêu mộ hơn 100 nhân viên kinh doanh toàn quốc

Vinamilk chiêu mộ hơn 100 nhân viên kinh doanh toàn quốc

(Thanh tra) - Không ngừng tiên phong chuyển đổi số, Vinamilk mang tới hơn một trăm cơ hội để nhân viên bứt phá năng lực kinh doanh trong thời đại mới. Cụ thể, Vinamilk tìm kiếm đội ngũ nhân tài kinh doanh mới, thành thạo đa kênh, bán hàng đa nhiệm, "cân số" đa nền tảng với: công cụ bán hàng 4.0, chương trình đào tạo kỹ năng bán hàng đa nền tảng, thu nhập hấp dẫn, lộ trình thăng tiến rõ ràng.

Uyên Phương

17:56 06/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm