Yên Bái là tỉnh miền núi phía Bắc nằm ở trung tâm vùng núi và trung du Bắc Bộ, giàu tiềm năng, lợi thế về đất đai, khoáng sản, giao thông và du lịch; song nhiều địa phương trong tỉnh vẫn còn khó khăn, nhất là hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,76%, trong đó, huyện Mù Cang Chải giảm 9,83%, huyện Trạm Tấu giảm 6,95%.
Ngay từ năm đầu tiên thực hiện Chỉ thị số 40 cho đến nay, các cấp ủy Đảng trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm, chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách. Cùng với đó, các cấp chính quyền đã ưu tiên bổ sung nguồn vốn ngân sách chuyển sang Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Cụ thể, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành tài chính tham mưu, ưu tiên bổ sung nguồn vốn cho NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí ngân sách mua sắm phương tiện, máy móc phục vụ công tác, góp phần nâng cao hiệu quả, năng lực hoạt động của tín dụng chính sách.
Hàng năm, UBND các huyện, thị xã, thành phố trích ngân sách chuyển sang NHCSXH để cho vay các đối tượng chính sách đặc thù tại địa bàn. Bên cạnh đó, Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh phối hợp với NHCSXH vận động các nguồn lực từ cuộc vận động vì người nghèo, bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách.
Tính đến ngày 30/6/2024, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác đạt 217,2 tỷ đồng, trong đó, ngân sách cấp tỉnh đạt 1,79 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện 37 tỷ đồng. Nhờ đó, tổng nguồn vốn chính sách toàn tỉnh đã đạt xấp xỉ 5.300 tỷ đồng, tăng 3.573 tỷ đồng so với 10 năm trước.
Từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban ngành, cùng với việc tiếp nhận các nguồn lực, nguồn vốn ở nhiều nơi, cán bộ tín dụng chính sách trong hệ thống Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã kiên trì, năng động, đổi mới quy trình thủ tục, phương thức cấp tín dụng, đáp ứng đầy đủ, nhanh chóng nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của hộ nghèo và các đối tượng được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước.
Đặc biệt, những cán bộ tín dụng chính sách không ngại khó khăn, vất vả, đem nguồn vốn đến tận các điểm giao dịch của NHCSXH mở tại xã, giúp người nghèo vay vốn thuận lợi. Các cán bộ điều hành của NHCSXH huyện cũng thường xuyên tham gia trực tiếp chỉ đạo công việc giải ngân, thu nợ, cũng như họp bàn với trưởng thôn bản, ban lãnh đạo hội đoàn thể, thực hiện việc xây dựng, củng cố, kiện toàn hoạt động của mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn, nhằm nâng cao chất lượng tín dụng chính sách.
Chính sự tận tâm, nhiệt tình của những cán bộ tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong quá trình thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước giúp khơi thông dòng chảy vốn tín dụng chính sách về tới thôn, bản, để người nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn phát triển sản xuất, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong cách nghĩ, cách làm để thoát nghèo nhanh, làm giàu chính đáng.
Ông Sùng A Dinh, Chủ tịch UBND xã Chế Tạo Sùng, huyện Mù Cang Chải chia sẻ: “Từ khi thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư, đồng bào Mông ở 7 bản trong xã được vay vốn chính sách rất thuận lợi, kịp thời. Đảng bộ chính quyền xã luôn phối hợp hiệu quả với NHCSXH làm tốt công tác vận động, hướng dẫn bà con sử dụng vốn vay đúng mục đích phát triển sản xuất, xây dựng nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi đem lại cuộc sống cho đồng bào dân tộc Mông nơi đây đỡ khó khăn và vươn lên trong cuộc sống”.
Từ chủ trương đúng đắn của cấp uỷ, chính quyền địa phương trong xây dựng vùng hàng hoá cây ăn quả có múi, trong đó bưởi là cây chủ lực. Hiện nay, toàn xã Đại Minh, huyện Yên Bình có 425ha, với 720 hộ gia đình trồng bưởi, năm 2023 mang lại tổng thu nhập 50 tỷ đồng cho người dân, nhiều gia đình đã thoát nghèo từ cây bưởi.
Trước đây, Bí thư Chi đoàn thôn Cầu Mơ Hoàng Thị Hồng Thương luôn trăn trở mình phải làm gì và làm như thế nào để vừa hoàn thành thành tốt nhiệm vụ của các đoàn thể, công việc gia đình và phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương đất Bưởi ngày càng giàu mạnh, hạnh phúc.
Năm 2016, Thương đã được vay 100 triệu đồng từ NHCS huyện Yên Bình để phát triển kinh tế. Từ 20 gốc Bưởi ban đầu cho thu nhập thấp, gia đình đã áp dụng kỹ thuật thụ phấn chéo, tưới tiêu tự động, trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGap, theo hướng hữu cơ... Đồng thời, nhân rộng mô hình trồng thêm 120 gốc Bưởi mới, cùng với việc tái đầu tư vào chăn nuôi cá, lợn, gà và nuôi ong.
Đến nay, mô hình kinh tế của gia đình Thương đã cho thu nhập ổn định, trừ chi phí thu nhập bình quân của hộ gia đình đạt từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng/năm, 140 gốc Bưởi của gia đình Thương hiện tại đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Chất lượng đời sống của gia đình được nâng lên.
|
|
Người dân làm thủ tục vay vốn tại trụ sở xã. Ảnh: Hoàng Yên |
Hiện tại, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đang triển khai 18 chương trình tín dụng chính sách, cho 87.083 hộ gia đình được vay vốn, với tổng dư nợ đạt 5.284,4 tỷ đồng. Trong đó, riêng dư nợ chương trình cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chiếm 52,8% tổng dư nợ.
Tỷ trọng vốn đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế hộ gia đình chiếm 84,6%. Vốn tín dụng chính sách đã thực sự giúp hộ nghèo, hộ chính sách nâng cao thu nhập, đảm bảo đời sống và từng bước thoát nghèo; góp phần thực hiện tăng trưởng kinh tế, ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát; giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh mỗi năm từ 3 - 4%.
Việc triển khai hoạt động tín dụng chính sách xã hội không những tạo điều kiện về vốn, mà còn giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách thay đổi nhận thức, tư duy về kinh tế, từ việc trước đây quen với được Nhà nước trợ cấp, cho không; đến nay các hộ dân đã chủ động tham gia vào Tổ tiết kiệm và vay vốn mạnh dạn vay vốn để làm ăn phát triển kinh tế gia đình, tính toán hiệu quả vốn vay, thực hành tiết kiệm để trả nợ gốc và lãi.
Hàng năm, toàn tỉnh có 91.985 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, 1.045 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập; 21.986 lao động được tạo việc làm, 119.186 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn được xây dựng; 3.660 căn nhà cho hộ nghèo và đối tượng chính sách được xây mới; 38.050 lượt hộ sản xuất kinh doanh, thương nhân ở các xã thuộc vùng khó khăn được vay vốn để thực hiện phương án kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.