Bộ Y tế cho biết, Luật BHYT được ban hành đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hệ thống pháp luật về BHYT, là cơ sở pháp lý cao nhất để thể chế hoá quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển BHYT, thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân và đã thực sự đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn, tính phù hợp trong lựa chọn chính sách tài chính y tế thông qua BHYT - một trong những chính sách an sinh xã hội, nhân đạo, ưu việt của Đảng và Nhà nước ta và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tính đến nay, mặc dù có tác động của đại dịch COVID-19, song đến cuối năm 2022, theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tổng số người tham gia BHYT đạt trên 91 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 92% dân số. Quyền lợi của người tham gia BHYT được điều chỉnh phù hợp, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, công tác tổ chức khám, chữa bệnh và thanh toán chi phí đã được cải thiện đáng kể về quy trình, thủ tục. Người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội, người có công, trẻ em dưới 6 tuổi đã được quan tâm trong tiếp cận, trong thụ hưởng các dịch vụ y tế theo quy định của luật.  

Việc mở rộng cơ sở khám, chữa bệnh BHYT, nhất là việc tổ chức khám, chữa bệnh BHYT tại tuyến xã, cũng như quy định lộ trình điều chỉnh phạm vi và mức chi trả của quỹ BHYT đối với trường hợp tự đi khám, chữa bệnh không đúng nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu (trừ trường hợp cấp cứu) đã tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế phù hợp với điều kiện, nhu cầu và khả năng chi trả ngay từ tuyến y tế cơ sở, cũng giảm tải cho cơ sở y tế tuyến tỉnh, Trung ương. Chất lượng dịch vụ y tế ngày càng được cải thiện, nâng cao; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ y tế, quản lý bệnh viện và giám định BHYT được thực hiện hiệu quả. Quỹ BHYT đang trở thành nguồn tài chính cơ bản phục vụ cho hoạt động của các bệnh viện.

Chính sách BHYT đã bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT, đồng thời cũng đảm nhận nhiều chính sách phúc lợi xã hội khác. Về cân đối quỹ BHYT, mặc dù trong một số năm 2017-2019 có số thu BHYT dành cho khám, chữa bệnh trong năm thấp hơn số chi, nhưng tính chung từ năm 2010 đến năm 2022, quỹ BHYT đảm bảo cân đối thu chi và có kết dư, góp phần tạo ra nguồn tài chính ổn định cho công tác khám, chữa bệnh, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, đã xuất hiện một số khó khăn, vướng mắc nên Bộ Y tế đã trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật BHYT (sửa đổi).

Với mục tiêu tăng bền vững tỷ lệ dân số tham gia BHYT và cải thiện phạm vi quyền lợi BHYT hợp lý, chi phí - hiệu quả, Bộ Y tế cho biết, nội dung của chính sách BHYT nhằm bảo đảm mọi đối tượng trong xã hội được quyền và có trách nhiệm tham gia BHYT. Cải cách thủ tục hành chính, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho tham gia BHYT: Thủ tục tham gia BHYT đơn giản, thuận tiện, cho phép thời gian đóng BHYT đối với hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên.

Bổ sung một số quyền lợi được hưởng như: Dịch vụ vận chuyển người bệnh khi chuyển viện (hiện mới được khi chuyển từ tuyến huyện lên tuyến trên); dịch vụ khám, chẩn đoán sớm một số bệnh; làm rõ để giảm các trường hợp không được BHYT chi trả như giới hạn trong dịch vụ y tế thuộc phạm vi thử nghiệm lâm sàng.

Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp trốn đóng, chậm đóng BHYT đối với doanh nghiệp nhằm bảo đảm quyền lợi người lao động và tính nghiêm minh của pháp luật.

Bổ sung đối tượng thuộc các nhóm chưa quy định trong Luật BHYT hiện hành, như nhóm đối tượng do người sử dụng lao động đóng, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, người chưa đủ giấy tờ tùy thân hay chứng minh về nhân thân; nhóm tự đóng BHYT.

Quy định đồng bộ về mức hưởng đối với ngoại trú và nội trú với cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản khi phân lại cấp theo Điều 104 về cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 và quy định về mức hưởng có liên quan đến tuyến (theo chủ trương "thực hiện lộ trình thông tuyến" nêu tại Nghị quyết 20/NQ-TW).

Tại tờ trình này, Bộ Y tế đề xuất mở rộng hình thức thanh toán trực tiếp. Theo đó, bổ sung hình thức thanh toán trực tiếp cho người bệnh khi phải tự mua thuốc do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không cung ứng được và việc thanh toán theo dòng mua sắm tập trung cấp quốc gia hoặc thông qua mua sắm đặc biệt qua tổ chức quốc tế.

Ngoài ra, Bộ Y tế đề xuất mở rộng thêm một số phạm vi quyền lợi được hưởng như: Chi phí dịch vụ vận chuyển người bệnh khi chuyển viện (hiện mới được khi chuyển từ tuyến huyện lên tuyến trên); dịch vụ khám, chẩn đoán sớm một số bệnh phù hợp hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế.

Theo Bộ Y tế, tác động quan trọng nhất của chính sách là việc dự kiến sẽ phân loại lại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo Luật Khám bệnh chữa bệnh 2023 (bệnh viện tuyến huyện và tương đương với bệnh viện tuyến tỉnh không được giao nhiệm vụ là tuyến cuối) của việc không giới hạn quyền lợi khi khám, chữa bệnh ngoại trú của cơ sở tuyến tỉnh như hiện nay. Do chưa triển khai phân cấp lại nên chưa có con số cụ thể, tuy nhiên, do được hưởng ngoại trú dẫn tới giảm điều trị nội trú và không có sự phân biệt về danh mục thuốc theo hạng bệnh viện như hiện nay.

Bên cạnh đó, việc tác động chính sách do thay đổi đối tượng đã được tính toán trong quá trình thẩm định Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 146/2018/NĐ-CP. Do vậy, việc mở rộng quyền lợi với nhóm dịch vụ xét nghiệm chẩn đoán sớm theo hướng dẫn của Bộ Y tế sẽ tính toán cụ thể khi ban hành.

Phương Anh