Sử dụng phà hoặc cầu phao để thay thế cầu Phong Châu

Tại hiện trường, hai đầu cầu Phong Châu bị phong tỏa khoảng một km, cấm toàn bộ phương tiện lưu thông. Trên bờ, gần 100 chiến sĩ sẵn sàng tham gia cứu nạn. Do nước sông Hồng chảy xiết, một số đội cứu hộ đã đưa dây xuống sông song vẫn chưa tiếp cận được phương tiện dưới lòng sông.

UBND tỉnh Phú Thọ cho biết mực nước sông Hồng tại Ấm Thượng đạt 27,25 m, trên báo động ba 1,25 m.

Gần 20 người dân đã đến hiện trường trình báo người thân mất tích và chờ đợi tìm kiếm. Họ được cảnh sát cho nhận diện hình ảnh phương tiện tại thời điểm cầu sập, một số người òa khóc khi thấy hình ảnh xe.

Tại hiện trường, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết bước đầu cơ quan chức năng xác định có khoảng 10 ôtô, 2 xe máy và khoảng 13 người dân mất tích. Con số này sẽ tiếp tục được cập nhật.

Theo ông Phớc, Thủ tướng đã chỉ đạo thực hiện khắc phục thiệt hại, trong đó giao quân đội, công an chủ trì cùng Bộ Giao thông Vận tải và địa phương xem xét, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn người bị nạn, cứu chữa cho những người bị nạn được tìm thấy. Lực lượng chức năng cũng chốt chặn 2 đầu, không cho lưu thông, đảm bảo an toàn cho người dân.

Cơ quan chức năng cho biết để đảm bảo giao thông, trước mắt có hai phương án là sử dụng phà, hoặc là cầu phao. Tuyến đường sông này ít phương tiện thủy qua lại nên có thể làm cầu phao cố định, về lâu dài phải làm cầu mới chứ không thể sửa chữa cầu cũ.

Phó thủ tướng yêu cầu các cơ quan nhanh chóng rà soát số lượng phương tiện, nạn nhân. Khi nước cao sóng to thì các lực lượng tổ chức tìm kiếm ven bờ, lúc điều kiện cho phép thì mở rộng phạm vi tìm kiếm. Phú Thọ cần cứu chữa, động viên người bị nạn và thân nhân; di dời dân khi lũ lụt dâng cao; đề xuất cấp gạo, phương tiện (xuồng, máy phát điện)... để trình Chính phủ xem xét quyết định.

Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Quân khu 2 làm cầu phao sớm nhất, tốt nhất để bảo đảm lưu thông và chủ trì công tác tìm kiếm cứu hộ. Bộ Giao thông Vận tải đánh giá nguyên nhân sập cầu; nghiên cứu xây dựng cầu mới bảo đảm vững chắc, lâu bền.

Ông yêu cầu hai bên cầu phải được ngăn người đi vào bằng rào cứng, đặt biển báo và có lực lượng ứng trực, hướng dẫn tài xế đi vào đường tránh.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang cho biết để đảm bảo an toàn tìm kiếm cứu hộ, lực lượng chỉ có thể triển khai khi điều kiện thời tiết cho phép.

Nước sông Hồng dâng cao, lưu tốc dòng chảy xiết

Theo Sở Giao thông Vận tải Phú Thọ, do ảnh hưởng của cơn bão Yagi gây mưa lũ, nước sông Hồng dâng cao, lưu tốc dòng chảy xiết làm thay đổi địa hình, địa mạo dưới lòng sông khu vực cầu Phong Châu, kéo đổ trụ T7 và làm sập hai nhịp dàn chính của cầu là nhịp 6 và nhịp 7.

Cầu Phong Châu được xây dựng, bàn giao đưa vào khai thác sử dụng năm 1995. Cầu được xây dựng bằng thép và bêtông cốt thép dự ứng lực với quy mô vĩnh cửu, tải trọng thiết kế 18 tấn. Phần đường xe chạy 7 m, lề người đi mỗi bên 1 m; bề rộng mặt cầu 9,5 m.

Cầu gồm 8 nhịp, trong đó hai nhịp 6 và 7 được chế tạo từ hai nhịp giàn giản đơn 64 m do Bungari chế tạo.

Năm 2013, cầu Phong Châu được sửa chữa, thay 4 dầm nhịp 8, dán sợi thủy tinh và sợi carbon gia cường dầm, thay thế bulông cường độ cao bị đứt gãy, han gỉ; tẩy gỉ bằng phun cát sau đó quét sơn chống gỉ cho phần hạ bộ của hệ dàn thép; sửa chữa mặt cầu bằng, thảm bêtông nhựa dày 5 cm, thay thế các khe co giãn cũ. Theo kết quả kiểm định sau khi sửa chữa, cầu không phải cắm biển hạn chế tải trọng.

Năm 2019, cầu Phong Châu được xử lý xói lở trụ T7, tăng cường 8 cọc khoan nhồi bêtông cốt thép và gia cường khả năng chống va xô. Kết quả kiểm định cầu vào thời gian này cũng đánh giá không phải cắm biển hạn chế tải trọng xe qua cầu.

Năm 2023, cầu tiếp tục được sửa chữa, tẩy gỉ, sơn lại toàn bộ các thanh mạ thượng, thanh đứng, thanh xiên; thay thế khe co giãn trên trụ T5, T6, T8 bằng khe co giãn răng lược và sửa chữa phần bêtông phía trước khe đã bị nứt vỡ; kiểm định cầu.

Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, bước đầu cơ quan chức năng xác định có khoảng 10 ôtô, 2 xe máy và khoảng 13 người dân mất tích. Con số này sẽ tiếp tục được cập nhật.

PV