Bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết, tất cả các thế hệ đều sẵn sàng thay đổi tư duy, từng thành viên trong gia đình đều cởi mở khi cùng tham gia điều hành tổ chức và có chung ý tưởng và quyết định bởi mục tiêu của doanh nghiệp được ưu tiên hàng đầu.

Thế hệ đi trước sẵn sàng tiếp thu những cái mới, lắng nghe quan điểm của thế hệ đi sau khi những quan điểm đó hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển.

“Tất cả thế hệ nên cùng nhau tham gia một khoá học về doanh nghiệp gia đình vì không thể một người thay đổi mà những người khác vẫn giữ nguyên tư duy”, bà Phương nhìn nhận.

Tại Tân Hiệp Phát, quyền lực vô hình của nhà sáng lập được tách ra thành ba vai trò là Chủ tịch HĐQT, Ban Giám đốc và người điều hành quản trị hàng ngày. Nhờ tách bạch ba vai trò đó, người sáng lập cởi mở chia sẻ chức năng, quyền hạn, doanh nghiệp này đã hình thành một tổ chức đơn giản hơn, hơn 5.000 nhân viên sẽ dễ tương tác với cả ba vai trò.

Yếu tố văn hoá, tình cảm cũng rất được coi trọng ở Tân Hiệp Phát, đặc biệt là văn hoá ghi nhận những người xung quanh. Đây là một nét văn hoá chưa thực sự phổ biến ở Việt Nam.

Tân Hiệp Phát đã kêu gọi hai sáng lập của mình tham gia phát động phong trào “Người Tân Hiệp Phát yêu”. Tình yêu và yếu tố gắn kết gia đình mang lại sự sáng tạo và phát triển mạnh mẽ cho doanh.nghiệp. Gia đình hoá công ty tức là xây dựng văn hoá công ty như xây dựng văn hoá gia đình.

Tình yêu gia đình là động lực cho doanh nghiệp gia đình phát triển. Doanh nghiệp gia đình như một con tàu, mỗi toa tàu đại diện cho mỗi thế hệ. Nếu yếu tố gia đình là trái tim, là động cơ thì đường ray và những bánh lái chính là yếu tố quản trị.

Tuy nhiên, quá trình tuyển dụng thành viên gia đình vào các vị trí quản trị phải nghiêm ngặt và bình đẳng như tuyển dụng các nhân sự bên ngoài khác. Đây cũng là bài học thành công được rút ra từ các tập đoàn, doanh nghiệp gia đình trên thế giới.

Kế nghiệp phải mang tinh thần khởi nghiệp, kế nghiệp sáng tạo, làm nên một bước phát triển mới thay vì chỉ tiếp thu.

Thanh Uyên