Theo dõi Báo Thanh tra trên
Kim Thành
Chủ nhật, 30/01/2022 - 06:36
(Thanh tra)- Năm 2021, kinh tế Hải Phòng tiếp tục có sự tăng trưởng, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Các mục tiêu Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI đề ra về phát triển kinh tế hầu hết đã hoàn thành, tạo bước đột phá phát triển cho các năm tiếp theo.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng. Ảnh: Kim Thành
Năm 2021, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả “nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, các đơn vị trên địa bàn thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, không làm lây lan bùng phát trong cộng đồng, nên đời sống của người dân vẫn được đảm bảo. Gia đình chính sách được quan tâm. Kinh tế thành phố tiếp tục có sự tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung cả nước và các tỉnh, thành phố khác.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt trên 90.421 tỷ đồng, đạt 117,2% dự toán Trung ương giao và 101% dự toán HĐND thành phố giao.
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước đạt 3,13 tỷ USD, tăng 91,44% so với cùng kỳ, vượt kế hoạch đề ra, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI.
Thành phố đã khánh thành một số công trình, dự án lớn trong lĩnh vực giao thông, đô thị, góp phần nâng tầm vị thế của thành phố và mở đường phát triển cho nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Vừa qua, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 35/2021/QH15 thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng. Đó sẽ là công cụ pháp luật quan trọng để Hải Phòng phát triển bứt phá và trở thành động lực tăng trưởng của cả nước.
Tại các phiên thảo luận trước khi Nghị quyết số 35/2021/QH15 được thông qua, các đại biểu thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Phòng đều thống nhất đánh giá, cơ chế đặc thù sẽ mang đến cho thành phố cơ hội phát triển mới.
Với chính sách thu phí và lệ phí, thành phố sẽ có nguồn thu quan trọng để phục vụ đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hải Phòng Đỗ Mạnh Hiến đánh giá cao việc Nghị quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội cho phép điều chỉnh thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý.
Hải Phòng là thành phố trực thuộc Trung ương, nhưng lương cơ bản của cán bộ, viên chức, người lao động chỉ tương đồng với các tỉnh, thành phố khác. Do đó, Nghị quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội quy định HĐND thành phố được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách thành phố và cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan chính quyền, Đảng, đoàn thể do thành phố quản lý theo hiệu quả công việc, với mức không quá 0,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ hoặc mức lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo.
Mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt do HĐND thành phố quy định sẽ là cơ sở quan trọng để thành phố điều chỉnh thu nhập cho người lao động và giữ chân nhân tài.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành uỷ Hải Phòng đã ban hành 3 nghị quyết, 20 chương trình công tác, 2 quy chế, 9 chỉ thị, 100 kế hoạch, 163 kết luận, 615 thông báo là cơ sở pháp lý để thành phố Hải Phòng triển khai toàn diện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XVI trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Với hệ thống văn bản đồng bộ, là tiền đề để các cấp chính quyền tập trung triển khai vào 3 trụ cột kinh tế chính: Kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao và du lịch. Đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế của thành phố, xây dựng Hải Phòng là thành phố cảng quan trọng, điểm đến của các tập đoàn đa quốc gia và trung tâm du lịch chất lượng cao tầm cỡ quốc tế.
Nhân dịp bước sang Xuân mới, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng cho biết: Thành phố xác định chủ đề năm 2022 là: “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số”.
Để hiện thực hóa chủ đề trên, thành phố đề ra 19 nhóm chỉ tiêu về kinh tế, xã hội, môi trường: Tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 13% trở lên so với năm 2021.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 19 - 20%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt 46,66%; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 53%.
Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 105.645,46 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa 41.000 tỷ đồng; thu hải quan đạt 60.000 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 200.000 tỷ đồng.
Sản lượng hàng hoá thông qua cảng đạt 168 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 31 tỷ USD; thu hút khách du lịch đạt khoảng 4,5 triệu lượt khách. Xây dựng 100% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới; hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại 14 xã năm 2021; xây dựng tiếp 35 xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Đồng thời, thành phố đưa ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện trong năm 2022: Tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho đầu tư phát triển; tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn chi.
Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển 3 trụ cột chủ yếu: Công nghiệp công nghệ cao; cảng biển - logistics; du lịch - thương mại. Xây dựng, phát triển, hiện đại hóa đô thị Hải Phòng; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số…
Nhằm cụ thể hóa các giải pháp đột phá phát triển kinh tế, tại 4 kỳ họp HĐND thành phố Khóa XVI đã thông qua hơn 65 nghị quyết. Đây là tiền đề tốt cho Hải Phòng tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, phát huy những mặt tích cực vào sự phát triển của thành phố.
Hải Phòng hoàn toàn có thể phát triển bứt phá vươn lên, mục tiêu xác định đến năm 2025: Hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thành phố là trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước; là trung tâm du lịch quốc tế.
Đến năm 2030, Hải Phòng sẽ trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Ðông Nam Á.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sau khi kết quả lựa chọn nhà thầu được công bố, bên phía Viettel cho rằng lí do đơn vị bị loại khỏi gói thầu là chưa thỏa đáng, và có các kiến nghị gửi đến chủ đầu tư Gói thầu 01XL là Công an tỉnh Phú Yên.
Thanh Giang
20:37 22/12/2024(Thanh tra) - Theo các chuyên gia chứng khoán, tuần giao dịch cuối năm thường là giai đoạn nhạy cảm trên thị trường khi các yếu tố nội tại và ngoại cảnh đều có thể ảnh hưởng mạnh đến tâm lý và quyết định đầu tư.
Đông Hà
19:41 22/12/2024TC
18:51 22/12/2024Phúc Anh
09:44 22/12/2024Trần Quý
17:26 21/12/2024TC
23:05 20/12/2024Đông Hà
Thanh Giang
Kim Thành
Đông Hà
Trần Quý
Ngọc Giàu
Trần Kiên
Nhật Minh
TC
TC
Thu Huyền