Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định cụ thể và thống nhất mục tiêu tập trung xây dựng kinh tế biển trở thành trọng điểm kinh tế của tỉnh; góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, an ninh biên giới quốc gia.

Trên thực tế, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế biển của Thái Bình thời gian qua đều xác định rõ nhiệm vụ phải thực hiện. Trong đó, chú trọng xây dựng hệ thống đường trục kết nối với các trục giao thông đối ngoại và các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ trong khu kinh tế; các dự án đầu tư nuôi thủy sản công nghệ cao, các ngành thương mại, du lịch, dịch vụ, kinh tế biển có giá trị gia tăng lớn gắn với bảo vệ rừng phòng hộ ven biển.

leftcenterrightdel

Thái Bình triển khai Dự án đầu tư tuyến đường số 3 Khu Kinh tế Thái Bình, chạy qua xã Nam Phú - nơi có Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Ảnh: Thaibinhtv.vn 

Để khai thác và phát huy các tiềm năng, lợi thế, những năm qua, cấp ủy, chính quyền, các ngành, địa phương trong tỉnh đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo; cụ thể hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế biển.

Đặc biệt, tập trung tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế biển. Qua đó, đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức cũng như sự đồng thuận từ phía người dân.

Song song với công tác tuyên truyền, các ngành trong tỉnh đã đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế khu vực ven biển; ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng kết nối khu vực ven biển với các địa phương trong tỉnh và các tỉnh, TP trong khu vực.

Các địa phương ven biển đã căn cứ vào điều kiện thực tế, đề xuất các chính sách, giải pháp thu hút đầu tư, tạo chuyển biến căn bản trong đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, toàn diện.

leftcenterrightdel
 Một phần bản đồ quy hoạch phân khu Khu Kinh tế Thái Bình đoạn ven biển huyện Tiền Hải. Ảnh: T.D

Cùng với đó, tập trung rà soát lại cấu trúc của nền kinh tế và các quy hoạch, các chiến lược phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương; trên cơ sở đó, tập trung xây dựng kế hoạch thực hiện, lộ trình và nguồn lực thực hiện quy hoạch; lựa chọn những dự án có hiệu quả để tập trung đầu tư.

Tăng cường quản lý, kiểm soát đầu tư xây dựng nhằm hạn chế thất thoát, lãng phí; giải quyết kịp thời những quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập trung cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp.

Đồng thời, chú trọng hướng dẫn, huy động toàn dân chung sức bảo tồn hệ sinh thái, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường biển; chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai; bảo đảm quốc phòng, an ninh, tuân thủ các quy định pháp luật trên vùng biển và ven biển của tỉnh…

Với cách làm khoa học, bài bản và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay, một số dự án quy mô lớn, có tính động lực tại khu vực ven biển đã và đang hoàn thành đi vào hoạt động, bước đầu đạt hiệu quả tích cực; các hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển ổn định, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân…

leftcenterrightdel
 Hiện nay, tại Khu Kinh tế Thái Bình đã có 2 nhà máy nhiệt điện quy mô lớn, bảo đảm đáp ứng nguồn điện năng cho quá trình sản xuất của các doanh nghiệp. Ảnh: M.T

Không dừng lại ở đấy, ngày nay, với tinh thần quyết tâm và khát vọng “tiến xa ra biển, làm giàu từ biển”, vươn lên sánh ngang với các tỉnh trong khu vực, Thái Bình đang định hướng mở ra không gian phát triển mới thông qua hoạt động “lấn biển”. Đây là giải pháp được đơn vị tư vấn đưa ra trong dự thảo Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hiện tại, toàn tỉnh có khoảng 16.637ha đất mặt nước ven biển. Với đặc điểm địa hình, địa chất vùng ven biển Thái Bình, phần diện tích này rất thuận lợi để có thể khai thác “lấn biển”, mở rộng không gian phát triển thực hiện các dự án đô thị, du lịch, thương mại, công nghiệp.

Dự kiến, trong thời kỳ quy hoạch 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ khai thác đưa 2.550ha đất mặt nước ven biển vào sử dụng cho mục đích xây dựng các dự án trong Khu Kinh tế biển Thái Bình như: Khu công nghiệp Thái Thượng, Khu công nghiệp Hoàng Long; Khu du lịch Cồn Đen, Khu du lịch sinh thái Cồn Vành - Cồn Thủ...

Đặc biệt, Khu Kinh tế ven biển Thái Bình trở thành một trung tâm công nghiệp của vùng với hệ thống khu, cụm công nghiệp được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh và thu hút được một số nhà đầu tư công nghiệp lớn của thế giới. Quy hoạch cũng lưu ý vấn đề môi trường, khi đề ra chỉ tiêu các khu công nghiệp, đô thị phát triển theo hướng sinh thái, xanh, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu…

Những năm qua, phát triển kinh tế biển bền vững là mục tiêu, chủ trương xuyên suốt của tỉnh Thái Bình. Tương lai "làm giàu từ biển, vươn xa ra biển" đã được tỉnh định hình bằng những quy hoạch chi tiết, hướng tới tương lai. Với những chủ trương, giải pháp phù hợp, Thái Bình đã và đang biến tiềm năng kinh tế biển thành mũi đột phá trong mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Trọng Tài